Tham gia thị trường chứng khoán lúc này: Kiên nhẫn chờ thời hay bán thu tiền?

Quốc Hải Thứ ba, ngày 10/05/2022 08:14 AM (GMT+7)
Hai phiên sau kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 (ngày 6 và 9/5), chỉ số VN-Index đã “bốc hơi” mất gần 100 điểm, các nhà đầu tư lại rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng. Tình trạng này liệu có sớm chấm dứt?
Bình luận 0
Tham gia thị trường chứng khoán lúc này sẽ rất rủi ro?  - Ảnh 1.

Các chuyên gia nhận định nhà đầu tư tham gia thị trường lúc này sẽ rất rủi ro. Ảnh: SSI

Sau đợt hồi phục trước dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, nhiều người kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng. Tuy nhiên, những diễn biến trong các phiên giao dịch vừa qua, đặc biệt phiên giao dịch ngày 9/5, khiến tâm lý hoang mang bao trùm toàn thị trường.

Phiên "chảy máu" kỷ lục

Phiên giao dịch chứng khoán hôm qua (9/5), VN-Index - chỉ số chính của TTCK Việt Nam đã sụt giảm tới 59,64 điểm (-4,49%) lùi về 1.269,62 điểm; HNX-Index giảm 20,07 điểm (-5,84%), còn 323,39 điểm và UpCom-Index cũng giảm tới 5,38 điểm (-5,28%), còn 96,19 điểm.

Mức giảm điểm của các chỉ số dù không lớn bằng phiên giảm kỷ lục trước kỳ nghỉ lễ 30/4 (phiên giao dịch 25/4, VN-Index có thời điểm mất 80,85 điểm và đóng cửa ở mức giảm 68,31 điểm) nhưng lại khiến nhà đầu tư lo lắng hơn rất nhiều khi có tới hơn 946 mã cổ phiếu giảm giá, trong đó tới 345 mã giảm kịch sàn.

Đáng lo hơn là dù mức giảm của VN-Index phiên này vẫn chưa "thủng đáy" thấp nhất vào ngày 26/4 nhưng rất nhiều cổ phiếu đã giảm sâu hơn thời điểm đó. Nhiều cổ phiếu hiện giảm tới 40%-60% giá trị, thấp nhất kể từ tháng 10/2020.

Về đà "chảy máu" của thị trường trong phiên 9/5, nhiều chuyên gia cũng không thể lý giải nổi khi thị trường chứng khoán thế giới có dấu hiệu chững lại và bắt đầu ổn định, thì thị trường chứng khoán Việt Nam càng hoang mang hơn khi bước vào phiên chiều, có thời điểm mất hơn 62 điểm, và đóng cửa ở mốc mất gần 60 điểm.

Tham gia thị trường chứng khoán lúc này sẽ rất rủi ro?  - Ảnh 2.

Thị trường giảm gần 60 điểm trong phiên 9/5 nhưng nhiều cổ phiếu hiện giảm tới 40%-60% giá trị, thấp nhất kể từ tháng 10/2020. Ảnh: IT

"Hiện tại, tâm lý quyết định thị trường chứ không phải do định giá hay bất cứ yếu tố nào. Khi tâm lý nhà đầu tư còn hoang mang, hoảng loạn thì áp lực bán vẫn còn. Do vậy, trong bối cảnh này, khi chưa có nhiều thông tin để có thể đoán được thị trường, một mặt, nhà đầu tư không phải là lúc càng thêm bi quan nữa, nhưng mặt khác thì nên có sự kiên nhẫn.

Phải rất, rất kiên nhẫn chờ thị trường lúc này. Khi nào thị trường có tín hiệu cân bằng thì nhà đầu tư mới nên tham gia tăng tỷ trọng, còn không thì chỉ nên giữ tỷ trọng ở mức nhỏ" – ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Phân tích, Maybank Investment Bank, nhận định.

Khi nào thị trường phục hồi?

Đây là một câu hỏi được các chuyên gia chứng khoán nhận định "rất khó trả lời". 

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Chiến lược đầu tư Maybank Investment Bank, nhận định, sự hồi phục là có khả năng xảy ra nhưng chỉ tạm thời. Bởi giá giảm quá sâu sẽ có lực bắt đáy, còn người bán sẽ nản lòng không bán nữa, trừ những tài khoản bị giải chấp do sử dụng margin cao.

"Dòng tiền đang yếu, thanh khoản suy giảm nên việc phục hồi mang tính kỹ thuật nhiều hơn chứ chưa thể giúp thị trường trở lại xu hướng tăng khi các nhóm nhà đầu tư cá nhân, tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài… vẫn bán nhiều hơn" - ông Khánh nói.

Tham gia thị trường chứng khoán lúc này sẽ rất rủi ro?  - Ảnh 3.

Thị trường đỏ lửa trong phiên 9/5

Cũng theo chuyên gia này, trong thời điểm hiện tại, việc khuyến nghị các nhà đầu tư tham gia vào thị trường sẽ rất rủi ro, trừ khi nhà đầu tư có kỹ năng lướt sóng, chịu được rủi ro cực kỳ cao hoặc người tham gia dài hạn có thể mua vào dần nhưng phải có chiến lược.

"Nhà đầu tư nên tiếp tục giảm bớt cổ phiếu trong danh mục, thu về tiền mặt, đặc biệt với nhà đầu tư có margin thì nên giảm phần lớn. Năm nay tránh việc tất tay, sử dụng margin, xuống tiền cần phải suy nghĩ thận trọng, cân nhắc đắn đo trước khi thực hiện" - ông Khánh nói thêm.

Các chuyên gia của SSI Research cũng khuyến nghị nhà đầu tư lúc này nên "kiên nhẫn chờ thời". Theo các chuyên gia này, VN-Index giao dịch thận trọng xuyên suốt tháng 4 với ảnh hưởng chính từ câu chuyện lạm phát và lãi suất. VN-Index đóng cửa phiên cuối tháng quanh vùng 1.366 điểm, giảm gần 9% so với thời điểm cuối năm 2021.

"Bước sang tháng 5, chúng tôi cho rằng có thể xuất hiện 2 kịch bản đối với VN-Index. Kịch bản thứ nhất, chỉ số có thể hình thành mẫu hình 2 đáy và hồi phục trở lại. Kịch bản thứ hai, VN-Index có thể chuyển dần sang diễn biến giằng co đi ngang (side way). Chỉ số có thể sẽ giao dịch trong kênh giá 1.380 – 1.280 điểm trong phần lớn thời gian của tháng 5", chuyên gia của SSI Research nêu.

Cũng theo các chuyên gia này, nhóm cổ phiếu cơ bản, được xác nhận bởi câu chuyện kết quả kinh doanh tích cực vẫn là các đại diện được ưu tiên cho danh mục tháng 5. Tuy nhiên, điểm quan trọng vẫn là định thời điểm mua mới. Việc tăng tỷ trọng chỉ nên cân nhắc khi thị trường xác nhận một trong các kịch bản nêu trên…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem