Tối 25.5, nữ minh tinh Thẩm Thúy Hằng sau nhiều năm ẩn cư bỗng xuất hiện tại đám cưới con trai nghệ sĩ Mỹ Chi ở TP.HCM (Mỹ Chi là người bạn thân thiết của nữ minh tinh nhan sắc một thời này). Sự xuất hiện nơi đám đông của Thẩm Thúy Hằng đã làm xôn xao dư luận, vì suốt nhiều năm qua, bà được nhiều người biết đến như một người “tu tại gia”, bà tránh tiếp xúc, tránh các đám đông và ăn chay trường, nghiên cứu đạo Phật và làm việc từ thiện.
Nổi danh tài sắc một thời
Tên tuổi Thẩm Thúy Hằng gắn liền với nickname “Người đẹp Bình Dương” là tên cuốn phim đầu tiên bà đóng vai Tam Nương do Hãng phim Mỹ Vân thực hiện vào năm 1958, khởi đầu sự nghiệp điện ảnh nổi tiếng với hơn 60 cuốn phim thuộc nhiều thể loại. Trong suốt thời gian dài từ năm 1958 - 1975, các trang “Điện ảnh kịch trường” của các tờ nhật báo, tuần báo, hay nguyệt san chuyên về giải trí ở Sài Gòn đã tốn không biết bao tấn giấy mực để đăng tải các bài viết, tin tức liên quan đến Thẩm Thúy Hằng, dù sự kiện về bà có thuộc về điện ảnh, sân khấu hay không.
|
Bà Thẩm Thúy Hằng sinh năm 1941, tên thật là Nguyễn Kim Phụng, tên Thánh là Jeane, quê Hải Phòng, theo gia đình di cư vào Nam, định cư ở Long Xuyên. Bà học trường tiểu học Huỳnh Văn Nhứt ở Long Xuyên, sau đó, bà lên Sài Gòn sống với người chị và học Trường trung học đệ nhất cấp Huỳnh Thị Ngà (Tân Định) đến hết năm đệ tứ (lớp 9). Bà từng nổi tiếng là hoa khôi trường này, năm 16 tuổi trong một lần tình cờ, cô bạn đưa cho bà xem một trang báo quảng cáo cuộc thi tuyển diễn viên cho phim Người đẹp Bình Dương của Hãng phim Mỹ Vân: “Người đoạt giải sẽ được sang Hong Kong đào tạo diễn xuất”.
Suốt mấy thập kỷ sau năm 1958, nhan sắc Thẩm Thúy Hằng trở thành tiêu chí, chuẩn mực cho mọi người đẹp lúc bấy giờ. “Đẹp như Thẩm Thúy Hằng, môi trái tim Thẩm Thúy Hằng, hớt tóc như Người đẹp Bình Dương, mắt bồ câu như Thẩm Thúy Hằng…”. Thậm chí người ta còn sáng tác thơ ca, hò vè lấy chuẩn Thẩm Thúy Hằng - Người đẹp Bình Dương làm thước đo mọi giá trị về cái đẹp
Trốn cha mẹ, Thẩm Thúy Hằng đã cùng cô bạn rủ nhau đi chụp ảnh và ghi tên dự tuyển. Đến ngày thi tuyển, cô giả vờ đi học như mọi ngày và giấu chiếc áo dài vào trong cặp học sinh, mặc sau giờ tan học để đến nơi thi tuyển. Tan học, Hằng cùng cô bạn chạy như bay đến Hãng phim Mỹ Vân, hồi hộp chờ gọi tên.
Giữa rừng hoa muôn ngàn hương sắc, những gương mặt sáng ngời của các nữ tài tử, ca sĩ: Kim Vui, Khánh Ngọc, Mộng Tuyết, Thu Trang, Trang Thiên Kim, Kiều Chinh… đã làm cho cô chùn bước, phần khớp vì nhan sắc hội tụ tranh tài, trong số đó nhiều ca sĩ, người nổi tiếng mà cô đã biết, cô phân vân rồi quyết định bỏ thi, nắm tay cô bạn kéo ra ngoài toan bỏ cuộc. Chính lúc đó, bà Mỹ Vân - chủ Hãng phim Mỹ Vân - đã phát hiện Thẩm Thúy Hằng, một gương mặt kiêu sa, nhưng rất khôi nguyên của cô nữ sinh, rất ưng ý cho vai diễn mà bà đang tìm kiếm.
|
Thẩm Thúy Hằng và chồng - tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh |
Vai diễn đầu tiên cũng là vai chính của Thẩm Thúy Hằng là vai Tam Nương trong phim Người đẹp Bình Dương của đạo diễn Năm Châu năm 1958. Trong bộ phim này, cô diễn xuất bên cạnh nam diễn viên Nguyễn Đình Dần. Người đẹp Bình Dương đã đem tên tuổi của Thẩm Thúy Hằng đến với công chúng. Sau đó, bà đã tham gia rất nhiều bộ phim, lập kỷ lục là diễn viên đóng nhiều phim nhất của thập niên 1950, 1960. Nhiều phim bà được trả tiền thù lao 1 triệu đồng tiền Sài Gòn (bằng giải thưởng trúng vé số độc đắc)
Năm 1969, bà đứng ra thành lập nhóm làm phim riêng mang tên Thẩm Thúy Hằng, tiền thân của Hãng Vilifilms nổi tiếng ở Sài Gòn sau này. Bộ phim đầu tiên của bà trong vai trò chủ hãng là Chiều kỷ niệm. Đạo diễn phim là Lê Mộng Hoàng cùng các diễn viên: Năm Châu, Kim Cúc, Phùng Há, Thanh Tú, Huy Cường, Việt Hùng, Ngọc Nuôi... Sự thành công rực rỡ của Chiều kỷ niệm làm tên tuổi của Thẩm Thúy Hằng thêm nổi tiếng. Bà tiếp tục cho ra đời thêm các bộ phim Nàng, rồi Ngậm ngùi, đều thu được thành công rực rỡ.
Nổi tiếng khắp Á châu
Bà Thẩm Thúy Hằng tham dự nhiều liên hoan phim, xuất hiện tại Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Indonesia... Bà làm nhiều phim hợp tác với Mỹ, Philippines, Thái Lan, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản... và lên đỉnh cao danh vọng với những giải thưởng cao của điện ảnh châu Á và quốc tế: Hai lần đoạt giải diễn viên xuất sắc Á châu tại Đại hội điện ảnh Đài Bắc, Ảnh hậu Á châu trong Đại hội điện ảnh Á châu tổ chức tại Hong Kong và Đài Loan năm 1972 – 1974.
|
Thẩm Thúy Hằng trong những ngày Sài gòn giải phóng |
Sau 1975, bà được phong tặng “Nữ diễn viên khả ái nhất” tại Đại hội điện ảnh Moscow và Tashkent (Liên Xô), năm 1982, vượt qua những nữ diễn viên xinh đẹp đến từ Đông Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Mông Cổ…
Cách đây một năm, báo chí ở Việt Nam đưa tin “Đại mỹ nhân Sài thành Thẩm Thúy Hằng trở lại màn ảnh”, đã viết rằng “Trong bộ phim Chân dung nữ nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng, khán giả yêu điện ảnh miền Nam những năm 1954 – 1975 sẽ gặp lại hình ảnh nhiều thế hệ diễn viên vang bóng một thời cũng như được nhìn ngắm nét diễn xuất, nhan sắc tuyệt vời của nữ minh tinh Thẩm Thúy Hằng qua nhiều bộ phim, những vở kịch, hình ảnh quý giá…”.
Không chỉ điện ảnh, Thẩm Thúy Hằng còn tham gia lĩnh vực sân khấu, đóng kịch và diễn cải lương. Ban Thẩm Thúy Hằng là một trong những ban kịch được yêu thích ở Sài Gòn thời gian đó. Trong vai trò trưởng ban, bà viết kịch bản, dàn dựng và đóng vai chính. Một số vở thành công như Người mẹ già, Suối tình, Đôi mắt bằng sứ... Trên sân khấu cải lương, Thẩm Thúy Hằng có vai vũ nữ Cẩm Lệ trong vở Bóng chim tăm cá của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga...
Sau 1975, Thẩm Thúy Hằng ở lại Việt Nam. Bà tiếp tục tham gia những bộ phim điện ảnh cách mạng như: Như thế là tội ác, Ngọn lửa Krông Jung, Hồ sơ một đám cưới, Đám cưới chạy tang, Cho cả ngày mai, Nơi gặp gỡ của tình yêu... Ở lĩnh vực sân khấu, Thẩm Thúy Hằng có những vai diễn dáng chú ý trong Cho tình yêu mai sau, Đôi bông tai, Hoa sim gai trắng, Biệt thự hoang tàn... Vai diễn cuối cùng của Thẩm Thúy Hằng là vai Phồn Y trong vở Lôi Vũ của đoàn kịch Kim Cương. Bà đã được nhà nước Việt Nam phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
|
Bà Thẩm Thúy Hằng (giữa, hàng ngồi) trong đám cưới con trai nghệ sĩ Mỹ Chi tháng 5.2013 |
Năm 1959, bà lập gia đình với một người chồng lớn hơn bà 2 tuổi, theo sự sắp xếp của mẹ và các anh. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân tan vỡ sau 5 năm, dù 2 người đã có chung 1 đứa con (sinh năm 1961). Năm 1968, bà gặp ông Tony Nguyễn Xuân Oánh, một tiến sĩ kinh tế còn độc thân và lớn hơn bà 19 tuổi, từng làm Thống đốc Ngân hàng rồi Phó thủ tướng của chế độ Sài Gòn. Chính ông là người giúp đỡ bà lập ra Hãng phim Thẩm Thúy Hằng. Năm 1970, bà chính thức lên xe hoa lần thứ 2. Sau năm 1975, ông được bầu làm ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu quốc hội. Ông mất vào năm 2003 và hai người có với nhau 4 người con.
Theo Dòng Đời
Vui lòng nhập nội dung bình luận.