Thanh Hóa: Nuôi loài cá lưng đầy gai nhọn ví như "nhân sâm nước", bán đắt thương lái vẫn giành nhau mua
Thanh Hóa: Nuôi loài cá lưng đầy gai nhọn ví như "nhân sâm nước", bán đắt thương lái vẫn giành nhau mua
Vũ Thượng
Thứ năm, ngày 01/10/2020 13:39 PM (GMT+7)
Trên diện tích đất lúa kém hiệu quả, anh Lê Công Tiến trú tại xã Thọ Vực (huyện Triệu Sơn) đã mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi cá chạch lấu-loài cá đặc sản nhiều dinh dưỡng ví như "nhân sâm nước". Loài cá đặc sản lưng đầy gai nhọn này anh Tiến nuôi không đủ bán mặc dù giá bán cá chạch lấu khá đắt.
Sau 10 năm "ăn ngủ" cùng cá chạch lấu, anh Tiến đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm nuôi cá chạch lấu và hiện giờ gia đình thu lời hơn 300 triệu đồng/năm từ loài "nhân sâm nước" này.
Quyết tâm khôi phục loài cá chạch lấu, năm 2010 anh Lê Công Tiến thôn 7, xã Thọ Vực (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã đưa loài "nhân sâm nước" này ngoài tự nhiên về nuôi thuần và ươm giống trong ao.
Trò chuyện với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Lê Công Tiến nói: "Tôi bắt đầu nuôi chạch lấu từ năm 2010, nhưng tưởng là thành công, ai ngờ chạch lấu nuôi được thời gian thì chết trắng, thiệt hại lúc đó ước khoảng 100 triệu đồng. Không chịu khuất phục, cuối năm 2012 tôi quyết tâm vào tận các tỉnh An Giang, TP Cần Thơ…để học hỏi kỹ thuật nuôi chạch lấu".
Clip: Anh Lê Công Tiến, thôn 7, xã Thọ Vực (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ bí quyết nuôi cá chạch lấu thành công. Khu ao nuôi "nhân sâm nước" của anh Tiến vốn trước kia là ruộng xấu cấy lúa kém hiệu quả, giờ đây là mô hình nuôi cá chạch lấu đẹp như tranh thủy mặc và có rất đông nông dân đến xem, nhất là mỗi khi anh bắt cá chạch lấu để bán...
Sau nhiều tháng tìm hiểu về đặc điểm của cá chạch lấu cũng như sự "mách nước" của chủ ao nuôi nơi anh Tiến đến học hỏi. Cuối năm 2013, anh Tiến trở về địa phương và lên kế hoạch xây dựng mô hình nuôi cá chạch lấu với kinh phí hơn 1 tỷ đồng.
Anh Tiến chủ yếu cải tạo khu đất trồng lúa kém hiệu quả thành 2 khu vực ao nuôi cá chạch lấu thương phẩm và khu vực nhà lưới để nuôi chạch giống.
"Khâu thiết kế hệ thống ao nuôi cá chạch lấu rất quan trọng, phải đảm bảo việc cấp, thoát nước vào ao thường xuyên cá mới nhanh lớn, ít mắc dịch bệnh. Đặc biệt, để tiết kiệm thời gian đi lại, diện tích ao nuôi, cũng như tiện quan sát, chăm sóc đàn cá chạch lấu...tôi đã làm một "đường sắt" ở giữa các ô nuôi", anh Lê Công Tiến bật mí.
Để xây dựng mô hình, anh Tiến đã bố trí ao nuôi chạch lấu thương phẩm gần sông Hoàng để thuận tiện cho việc lấy nước ra vào, với diện tích 1.500m2, xây bờ ao kiên cố, xây dựng hệ thống lồng lưới và thả nuôi 3.000 con chạch lấu thương phẩm.
Anh Lê Công Tiến chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN: "Trước khi thả cá chạch lấu giống xuống ao nuôi thì phải vệ sinh ao bằng cách, hút cạn nước, bắt sạch cá tạp, phơi đáy ao khô nhiều ngày và cho 5-10kg vôi/100m2 ao nuôi. Mật độ thả cá chạch lấu đối với nuôi công nghiệp 50 con/m2, nếu nuôi thả bình thường từ 5-10 con/m2. Độ sâu trong ao nuôi cá chạch lấu tốt nhất từ 1,2-1,8m".
Theo anh Tiến, thức ăn của cá chạch lấu thường là cám công nghiệp hoặc các loại cá tạp xay nhỏ, thời gian cho cá chạch lấu ăn ngày 2 lần vào buổi chiều mát.
Ngoài nuôi cá chạch lấu, anh Tiến còn tận dụng nguồn thức ăn dư thừa của chạch lấu, bên ngoài lồng nuôi, anh thả thêm 30 vạn con tôm càng xanh, 4.000 cá rô phi đơn tính và cá diêu hồng.
"Chạch lấu hiện tại ở ngoài tự nhiên giờ số lượng giảm mạnh. Nguyên nhân do đâu? Do nguồn nước một số nơi bị ô nhiễm, lượng thuốc bảo vệ thực vật ngấm trong nước, đất cao khiến chạch lấu không thích nghi và tự chết…", anh Lê Công Tiến cho biết.
Anh Tiến chia sẻ, cá chạch lấu thương phẩm nuôi vào mùa hè khoảng 6-8 tháng đạt trọng lượng từ 250 - 500g/con là thu hoạch, mùa đông thì kéo dài 8-9 tháng mới thu hoạch được. Cá chạch lấu cũng là loại dễ nuôi có khả năng sống trong môi trường nước ngọt, lợ đem lại lợi nhuận cao hơn so với một số loại cá nước ngọt khác.
Hiện nay, thị trường đầu ra của cá chạch lấu thương phẩm và cá chạch lấu giống đang rất thuận lợi, giá bán khoảng 400.000 đồng/kg cá chạch lấu thương phẩm. Mỗi năm, gia đình anh Tiến xuất bán 2 lứa chạch thương phẩm và 3-4 lứa chạch lấu giống, thu lời khoảng 300 triệu đồng.
"Mô hình nuôi cá chạch lấu hộ anh Lê Công Tiến, là mô hình mới của địa phương chúng tôi, bước đầu đánh giá rất hiệu quả. Dự kiến tới đây gia đình anh Tiến đang tính mở rộng diện tích ao nuôi cá chạch lấu thêm. Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện về hồ sơ, thủ tục để anh Tiến phát triển mô hình nuôi cá chạch lấu", ông Lê Văn Tú-Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Vực, huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hóa) cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.