Thánh thất lớn nhất của đạo Cao Đài nằm ở tỉnh nào, nói trước là không phải ở tỉnh Tây Ninh đâu nha
Thánh thất lớn nhất của đạo Cao Đài nằm ở tỉnh nào của Việt Nam?
Văn Long
Thứ hai, ngày 13/09/2021 06:40 AM (GMT+7)
Là tôn giáo nội sinh của Việt Nam, có “tuổi đời” còn khá trẻ nhưng đạo Cao Đài vẫn khẳng định được chỗ đứng với hàng triệu tín đồ. Cơ sở thờ tự của đạo Cao Đài có kiến trúc độc đáo, mang vẻ đẹp riêng. Tiêu biểu là Thánh thất Đa Phước (phường 11, TP Đà Lạt, Lâm Đồng), thánh thất lớn nhất cả nước của đạo Cao Đài.
Tham quan Thánh thất Đa Phước – TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) vào đúng ngày mùng 1/8 (âm lịch), phóng viên được chứng kiến các tín đồ của đạo Cao Đài làm lễ cúng (đảm bảo giãn cách phòng chống dịch Covid-19 theo quy định).
Không khí trang nghiêm và vẻ đẹp độc đáo của Thánh thất Đa Phước khiến nhiều người có ấn tượng mạnh với tôn giáo này.
Clip: Tham quan Thánh thất Đa Phước tại phường 11, TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), thánh thất lớn nhất Việt Nam của đạo Cao Đài.
Dẫn phóng viên đi tham quan Thánh thất, ông Trần Văn Minh – Phó Ban đại diện Hội thánh Cao Đài tại Lâm Đồng kiêm cai quản Thánh thất Đa Phước cho hay: "Thánh thất Đa Phước trực thuộc Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Hội thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh.
Thánh thất Đa Phước được đặt viên gạch xây dựng đầu tiên vào năm 1952. Tuy nhiên, cho đến năm 2005 thì mới được xây dựng theo mẫu của Tòa Thánh Tây Ninh.
Đến cuối tháng 7/2010 Thánh thất Đa Phước mới được khánh thành và hiện hữu đến bây giờ.
Thánh thất Đa Phước được xây dựng với ba phần chính là Tam Đài gồm Hiệp thiên Đài phía trước, Cửu trùng Đài ở giữa và Bát quái Đài ở phía sau.
Tam Đài thể hiện sự thiêng liêng của đạo Cao Đài và làm cho các tín đồ cảm thấy sự tôn nghiêm của đạo.
Khi đến Thánh thất, tất cả tín đồ đạo Cao Đài đều phải mặc đồ trắng. Người nhập môn đều phải giữ 1 tháng 10 ngày ăn chay liên tục. Hàng năm có 24 đàng cúng thường và 9 đàng cúng bất thường...
Đến nay, tại tỉnh Lâm Đồng có 5 họ đạo Cao Đài gồm: Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lộc và 1 Ban nghi lễ Cát Tiên.
Tại họ đạo Đà Lạt có từ 4.000-5.000 tín đồ đạo Cao Đài sinh hoạt đạo và sinh sống trên toàn địa bàn TP Đà Lạt. Trong họ đạo Đà Lạt có 232 vị chức sắc, 15 Tổ nghi lễ tại các phường, thôn, tổ dân phố.
Nằm trên một ngọn đồi lớn, được xây dựng trên diện tích đất 2,4ha, đến nay Thánh thất Đa Phước Đà Lạt là Thánh thất lớn nhất của đạo Cao Đài ở Việt Nam.
Để vào Thánh thất, đầu tiên phải bước qua năm bậc thềm, tượng trưng cho Ngũ Chi Đại Đạo và năm bước tiến hóa của nhân loại theo quan điểm của đạo Cao đài là Nhân, Thần, Thánh, Tiên, Phật.
Điều độc đáo nhất của Thánh thất Đa Phước là bên trong chánh điện. Chánh điện được xây dựng với kiến trúc riêng biệt của đạo Cao Đài.
Hiệp thiên Đài nằm phía trước là 2 lầu chuông với 5 tầng, cao 18 mét được xem là điểm nhấn của Thánh thất. Bên trong Thánh thất được xây dựng nhiều cột trụ với chân đế được đắp hoa sen độc đáo. Đặc biệt, phần trần được làm thành những mái vòng cung trang trí nhiều ngôi sao tượng trưng cho bầu trời với hàng ngàn tinh tú.
Hướng đến chân, thiện, mỹ
"Mục tiêu mà đạo Cao Đài muốn các tín đồ hướng đến là chân, thiện, mỹ. Để đạt được những điều này, các tín đồ phải thực hiện và tuân thủ Tứ đại điều quy. Nếu phạm "luật" sẽ chịu thập hình của Đức lý giáo tông. Bên cạnh đó, các tín đồ phải ghi nhớ Ngũ cấm giới như: Nhứt bất sát sanh, nhì bất du đạo, tam bất tà dâm, tứ bất tửu nhục, ngũ bất vọng ngũ", ông Trần Văn Minh cho hay.
Các tín đồ đạo Cao Đài tin rằng, Thượng đế là đấng sáng lập ra vũ trụ và hình thành nên các tôn giáo. Theo thời gian, tùy theo địa phương, Thượng đế đã hình thành các tôn giáo khác nhau để phù hợp với thời điểm và địa điểm, và được phân làm 3 kỳ phổ độ với ba nhánh khác nhau.
Ông Trần Văn Minh giải thích thêm: "Những người theo đạo Cao Đài phải tự tu dưỡng bản thân, tránh sát hại sanh vật. Đạo cũng cấm trộm cướp, lấy ngang lường gạt của người hoặc mượn vay không trả để ý hại người mà lợi cho mình, cờ gian bạc lận...".
"Đạo Cao Đài cấm say mê rượu thịt, ăn uống quá độ, rối loạn tâm linh, cấm xảo trá, gạt gẫm người, kiện thưa xa cách, ăn nói lỗ mãng thô tục, chửi rủa người. Tất cả Tứ đại điều quy, Thập hình của Đức lý giáo tông và Ngũ cấm giới đều để cho các tín đồ thấy sự nghiêm khắc của đạo mà tu tâm dưỡng tính, hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống, giúp đỡ người gặp khó khăn, hoạn nạn", ông Trần Văn Minh giải thích.
Không những tu dưỡng để hướng đến giá trị chân thiện mỹ cho bản thân, các tín đồ đạo Cao Đài tại họ đạo Đà Lạt cũng rất quan tâm, hỗ trợ cho người dân tại TP Hồ Chí Minh gặp khó khăn bởi dịch Covid-19.
Đến nay, các tín đồ tại đây đã hỗ trợ các tỉnh, thành phố có dịch Covid-19 gồm 65 tấn rau, củ, quả các loại. Ngoài ra, 15 triệu đồng tiền mặt cũng được các tín đồ đóng góp, ủng hộ vào quỹ mua vắc xin phòng, chống dịch Covid-19.
Ông Trần Văn Minh cho biết, mọi hoạt động của chính quyền địa phương đều được các tín đồ trong họ đạo Đà Lạt tham gia nhiệt tình. Đó là các chương trình phòng chống Covid-19; xây dựng nông thôn mới, hoạt động nhân đạo từ thiện...Mọi hoạt động của đạo Cao Đài ở Đà Lạt đều gắn chặt với Mặt trận Tổ quốc các cấp tại địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.