Thảo luận Luật Giao thông đường bộ: "Lần đầu tiên chỉ có một đại biểu ủng hộ"

Thành An Thứ hai, ngày 16/11/2020 15:08 PM (GMT+7)
Thảo luận về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), bà Trần Thị Quốc Khánh – ĐBQH đoàn Hà Nội "cảm thấy đây là một kỷ niệm lịch sử", bởi vì "lần đầu tiên chỉ có một đại biểu ủng hộ Chính phủ, còn tất cả các đại biểu đều phản ánh một tâm trạng hết sức bức xúc".
Bình luận 0

Ngày 16/11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) nhìn nhận, sau hơn 10 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ 2008, với những kết quả đáng khích lệ, hệ thống cầu, đường bộ đã có sự tăng thêm và ý thức tuân thủ chấp hành giao thông của người tham gia giao thông cũng có nhiều chuyển biến hơn.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện luật còn bộc lộ nhiều khó khăn, lúng túng. Kết cấu hạ tầng, tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị hiện nay còn thấp hơn so với quy định... do đó dẫn đến việc quản lý trật tự, an toàn giao thông ở các đô thị rất là khó khăn và thường xuyên ùn tắc.

Thảo luận Luật Giao thông đường bộ: Nữ đại biểu Quốc hội "cảm thấy đây là một kỷ niệm lịch sử" - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh.

Một phần hạ tầng chưa đầy đủ, hệ thống đường còn hạn chế và tình trạng người dân vì hạ tầng khó khăn cho nên nhiều khi "tùy nghi di tản" không thể có được một sự quản lý một cách đồng bộ. Rồi tình trạng sử dụng trái phép hành lang để mở lều quán ở các hành lang an toàn giao thông cũng gắn với những vấn đề về trách nhiệm của các địa phương.

Về nguyên tắc chung, chưa có khung pháp lý đối với phương tiện giao thông minh, phương tiện đa chức năng có thể di chuyển cả trên đường bộ và trên đường thủy, phương tiện quá khổ, quá hạn, quá tải trọng và chưa có cơ chế để kiểm soát các phương tiện mô tô.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác xử lý vi phạm về giao thông đường bộ còn hạn chế, việc chiếm dụng lòng đường vẫn liên tục diễn ra ở nhiều địa phương, nhất là các khu đô thị.

"Những hạn chế chúng tôi đọc được nêu trong Tờ trình của Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cũng như dự thảo luật về an toàn giao thông đường bộ, thấy những vi phạm, những khó khăn, tồn tại này thể hiện sự yếu kém trong công tác quản lý nhà nước của các ngành chức năng, như về giao thông, về xây dựng, về công an và đặc biệt là chính quyền các địa phương, cơ sở.

Tôi đề nghị Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ cần phải kiểm điểm trách nhiệm đối với từng địa phương, đối với những người lãnh đạo ở từng cấp, từng ngành trong công tác của mình đã để ra xảy ra những vấn đề vi phạm trật tự, an toàn giao thông ở tất cả các lĩnh vực như vậy", đại biểu Quốc Khánh nhấn mạnh.

Cho ý kiến về việc "đưa Quốc hội ra thảo luận 2 dự thảo luật lần này", nữ đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng mình là người nói cuối cùng và "cảm thấy đây là một kỷ niệm lịch sử", bởi vì "lần đầu tiên chỉ có một đại biểu ủng hộ Chính phủ, còn tất cả các đại biểu đều phản ánh một tâm trạng hết sức bức xúc, đây là vấn đề ý kiến của nhân dân".

"Rõ ràng ở đây Chính phủ làm chưa hết trách nhiệm và tôi nói không vào cụ thể ai mà đây là vấn đề người đứng đầu Chính phủ và những đồng chí có trách nhiệm cần phải xem xét lại công tác xây dựng, ban hành văn bản luật này có tình trạng nể nang, né tránh, không thể hiện hết quyền lực của mình trong vấn đề trình ra Quốc hội một dự thảo như thế. Đến khâu Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại thấy rõ ràng ở đây các đồng chí cũng chưa thể hiện hết quyền lực của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà lại đưa vấn đề khó khăn này ra cho Quốc hội và kết cục là chỉ có một người đồng ý, còn lại tất cả đều thể hiện rất băn khoăn và bức xúc", bà Khánh nói.

Đáng chú ý, nữ đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị đây cũng là một vấn đề cần phải kiểm điểm trách nhiệm trong vấn đề làm mất thời gian của Quốc hội trong phiên họp ngày hôm nay.

"Nhẽ ra như chúng tôi ở đây, rất nhiều đại biểu tâm huyết với những vấn đề của đất nước sẽ nghiên cứu sâu sắc về vấn đề giao thông đường bộ để đóng góp cho vào luật, nhưng mà lại phân tâm quá về luật kia, cho nên buộc lòng chúng tôi phải gác lại những góp ý đối với vấn đề Luật Giao thông đường bộ để chúng tôi đóng góp những ý kiến là những nỗi niềm của nhân dân rất là sâu sắc.

Chúng tôi không thể không phản ánh ở đây, mặc dù có thể chúng tôi nói ra có một số đồng chí có thể không thích mà sẽ có thể phê bình là đằng khác nhưng đây là trách nhiệm chúng tôi phải phản ánh với Quốc hội để các đồng chí rút kinh nghiệm trong vấn đề trình ra Quốc hội những vấn đề dự thảo phản ánh được đúng tâm trạng và nguyện vọng của nhân dân chứ không phải như này rồi mất thời gian quá", đại biểu Quốc Khánh nói.

Về vấn đề tác 2 luật, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề nghị 2 luật này sáp nhập là 1 và phải nâng tên của nó lên là Bộ luật giao thông đường bộ, như thế bà Khánh tin chắc rằng ít nhất phải đến 99% là nhân dân sẽ ủng hộ với một mong muốn xây dựng là Bộ luật Giao thông đường bộ và với trách nhiệm đầy đủ của các cơ quan ở đây. 

"Tôi cũng biết trách nhiệm của ngành giao thông hay của ngành xây dựng hay là của ngành công an cần phải được xem xét một cách xác đáng, để khắc phục những khiếm khuyết, những vi phạm trong thời gian vừa qua mà tôi thấy nổi lên. Đứng ở ngành trung ương là có 3 ngành đấy, còn lại là chính quyền các địa phương cũng phải liên đới trách nhiệm thì chúng ta mới có thể làm cho bộ luật của chúng ta có tính khả thi và phục vụ nhân dân tốt hơn", đại biểu Khánh nhấn mạnh.

Đưa 2 luật này ra thảo luận không phải là vi phạm quy trình

Phát biểu ý kiến thảo luận sau đó, ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) cho rằng mình được giao cùng nhóm với một số các đồng chí trong Thường trực Ủy ban để chủ trì giúp Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra.

"Trước tiên, một số đại biểu có đặt vấn đề trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trách nhiệm của Chính phủ, trách nhiệm của các bộ, ngành, trách nhiệm của Ủy ban thẩm tra, trách nhiệm của Ủy ban Pháp luật. Trách nhiệm cá nhân của chúng tôi trong những câu chuyện này. Quá trình thẩm tra về quy trình, quy định thì tuân thủ theo các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật", ông Hồng nói.

Đại biểu đoàn Bình Dương đề nghị các đại biểu phải nhìn cách cụ thể và có tính khách quan để chúng ta đưa ra vấn đề thảo luận. "Chúng tôi cũng trao đổi quanh đây, có đại biểu chiều nay không thảo luận. Rất may là Phó Chủ tịch Quốc hội với tư cách là đại biểu Quốc hội đã phát biểu là phải thực hiện theo đúng chương trình".

Trước đó, phát biểu ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: "Việc chúng ta đưa 2 luật này ra thảo luận không phải là vi phạm quy trình. Quy trình là Thường vụ Quốc hội rất trân trọng Quốc hội, đã xin ý kiến Quốc hội và Quốc hội đã nhất trí về chương trình của kỳ họp, đó là Quốc hội nhất trí thảo luận 2 luật đồng thời để chúng ta có suy nghĩ cho chắc chắn".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem