Thầy trò chùa Quỳnh giữ gìn tinh võ dân tộc

Thứ bảy, ngày 02/02/2013 06:02 AM (GMT+7)
Dân Việt - Trong khuôn viên linh thiêng của chùa Quỳnh, các môn sinh nam nữ không chỉ được sư thầy dạy võ thuật, mà quan trọng hơn, còn được truyền đạo làm người.
Bình luận 0

Lớp học võ - đạo

Sau hơn 3 tháng chiêu sinh, lớp học của các thầy chùa Quỳnh (hay còn được biết dưới tên chùa Quỳnh Biểu, xã Liên Hòa, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) đã thu hút được sự tham gia của hơn 70 em, đa số ở độ tuổi từ 8 đến 18 tuổi trên địa bàn thị xã Quảng Yên. Các em được học hai môn võ chính là võ cổ truyền và võ thiếu lâm vào 17 giờ 30 tất cả các ngày trong tuần.

img
Các võ sinh hăng say luyện tập võ thuật trong khuôn viên chùa Quỳnh.
Ảnh: Nguyễn Dũng

Trụ trì chùa Quỳnh, sư Thích Nữ Khánh Thảo cho biết: “Chúng tôi coi buổi học chiều chủ nhật mới là buổi học đặc biệt nhất. Bởi trước khi học võ, các em cần phải được học đạo đức và các giáo lý của Phật giáo. Đây là một hoạt động rèn luyện quan trọng giúp các em biết quý trọng gia đình, bạn bè, cuộc sống, đối nhân xử thế…”

img
Các môn sinh không chỉ được học võ mà còn được truyền đạo, học cách hành xử chính nghĩa. Ảnh: Nguyễn Dũng

Xuất thân từ Lâm Đồng, vốn là một nữ võ sư có tiếng từ khi còn trẻ, trụ trì Thích Nữ Khánh Thảo luôn tâm niệm rằng: Võ học cũng là triết học. Người học võ trước hết cần phải biết dung hòa cương nhu, tiết chế bản thân. Nếu như sử dụng võ thuật vào việc khoe mẽ, dương oai, kích động bạo lực thì bản thân người đó đã làm hoen ố những hình ảnh tốt đẹp của võ thuật. Chính vì thế, người truyền dạy võ thuật cũng cần phải có cái tâm vững vàng, kiên định để đảm bảo những học trò được học những điều chính nghĩa, đúng đắn.

Thầy trò gìn giữ tinh hoa dân tộc

Cũng như trụ trì Khánh Thảo, hai anh em huấn luyện viên (HLV) Vũ Văn Tuân (29 tuổi, Hiệp Hòa, thị xã Quảng Yên) và Vũ Văn Chiến (27 tuổi) đến với chùa Quỳnh cũng vì tinh thần truyền bá môn võ cổ truyền của dân tộc. Hơn 8 năm truyền dạy võ thuật tại câu lạc bộ võ cổ truyền Quảng Ninh, đây là lần thứ 2 hai anh em Tuân và Chiến đến dạy võ ở một ngôi chùa, trước đó là chùa Đống Phúc (Quảng Ninh).

Học phí mỗi tháng của các em học sinh từ 80 đến 100 nghìn đồng/tháng. Các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn sẽ được miễn học phí. Số tiền các em đóng góp được sử dụng để trang bị cơ sở vật chất lớp học, đồng phục võ sinh và tiền bồi dưỡng HLV.

Anh Tuân chia sẻ: “Với hai anh em tôi, dạy võ không phải là để kiếm tiền (mỗi HLV chỉ được bồi dưỡng 1 triệu đồng/tháng). Niềm vui lớn nhất đó là nhìn thấy sự trưởng thành của các em. Những em học tập tốt, chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện đưa các em đi thi đấu cấp tỉnh và cấp quốc gia để nâng cao trình độ võ thuật”.

Còn HLV Vũ Văn Chiến khá buồn khi tâm sự hiện nay có quá nhiều các lớp dạy võ mở ra mà hiểu sai tinh thần võ thuật. Nhiều người chỉ nhăm nhăm truyền dạy cách đánh người hiệu quả, những đòn thế triệt hạ đối phương mà cố tình bỏ quên tinh thần võ đạo: “Võ thuật là con dao hai lưỡi, nếu ai không biết cách sử dụng đúng cách, đúng lúc thì sẽ gây nguy hiểm cho bản thân lẫn xã hội”, anh Chiến trăn trở nói.

Là 1 trong 10 em được nhà chùa nhận nuôi và sinh sống trong chùa, võ sinh Đức Chân Bảo (12 tuổi, Đăk Lăk) bộc bạch: “Đối với em, học võ là để khỏe người, tu luyện cốt cách, tinh thần, thể chất, bảo vệ bản thân... Em mong muốn được gắn bó lâu dài với nhà chùa và võ thuật.”

Cùng với Chân Bảo, Nguyễn Thị Phượng (16 tuổi, phường Phong Hải, thị xã Quảng Yên) còn hy vọng có thể nối nghiệp sư Khánh Thảo và các HLV, tiếp tục truyền dạy võ thuật cổ truyền và các giáo lý, đạo đức trong cuộc sống cho thế hệ sau. Đó cũng là cách mà thầy và trò chùa Quỳnh tiếp nối truyền thống thượng võ của dân tộc, cổ vũ phong trào thể dục thể thao quần chúng đang dần mai một…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem