Thí sinh áp lực ôn 2 kỳ thi Đánh giá năng lực và Tốt nghiệp THPT?
Thí sinh áp lực ôn thi đánh giá năng lực và tốt nghiệp THPT, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN nói gì?
Tào Nga
Thứ ba, ngày 11/01/2022 13:37 PM (GMT+7)
Nhiều thí sinh đang ôn thi đánh giá năng lực của Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội bắt đầu từ tháng 2 tới đây đang khá áp lực khi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 cũng tới gần.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Dự kiến kỳ thi đánh giá năng lực (HSA) sẽ tổ chức nhiều điểm thi, nhiều đợt thi bắt đầu từ tháng 2-8/2022 để phục vụ các thí sinh tỉnh thành phía Bắc. Các tỉnh sẽ tổ chức thi là Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Hưng Yên, Đà Nẵng, TP.HCM".
Chia sẻ thêm về tuyển sinh đại học theo phương thức lấy kết quả thi đánh giá năng lực năm nay, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho hay khi có nhiều trường lấy kết quả sẽ có nhiều thí sinh tham gia thi cũng sẽ có nhiều áp lực cho bộ phận tổ chức.
Trước lo lắng, áp lực của các thí sinh về việc vừa ôn thi đánh giá năng lực vừa ôn thi tốt nghiệp THPT, GS Thảo bày tỏ: "Các thí sinh yên tâm ôn tập vì học tốt chương trình THPT là đã làm bài thi tốt rồi".
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo đưa ra tư vấn với các thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022.
Bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT
Theo GS. Thảo, bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT gồm 3 phần với các câu hỏi trắc nghiệm khách quan (lựa chọn đáp án) và câu hỏi điền đáp án về các lĩnh vực Toán học, Văn học/Ngôn ngữ, Khoa học Tự nhiên – Xã hội.
Hiện nay, bài thi đánh giá năng lực của Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ thực hiện thi trên máy tính. Thí sinh làm bài lần lượt từ phần 1 đến phần 3. Trong mỗi phần có 50 câu hỏi chấm điểm nhưng có thể kèm thêm 1-4 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm. Các câu hỏi thử nghiệm (không tính điểm) được trộn vào một cách ngẫu nhiên và thí sinh không biết là câu hỏi nào, vì thế thí sinh hãy làm hết khả năng để đạt kết quả tốt nhất. Kết quả làm bài sẽ góp phần tăng chất lượng câu hỏi chuẩn hóa đánh giá năng lực của Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội. Bài thi có câu hỏi thử nghiệm thời gian làm bài sẽ kéo dài thêm 2-4 phút.
Chuẩn bị cho kỳ thi
Bài thi đánh giá năng lực của Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá các nhóm năng lực, kiến thức, kỹ năng của học sinh tích lũy trong quá trình học tập trung học phổ thông. Do đó, việc học tủ, "học gạo" không phải là cách để đạt điểm thi cao. Cách thức đơn giản nhất là thí sinh hãy dành thời gian làm đề thi tham khảo để quen với cấu trúc bài thi, dạng câu hỏi, tính toán thời gian cho mỗi câu hỏi để đưa ra lựa chọn thích hợp nhất. Việc làm quen với đề thi tham khảo cũng sẽ giúp bạn giảm áp lực tâm lý khi làm bài thi chính thức. Ngoài ra, thí sinh sẽ tích luỹ được kinh nghiệm, kỹ năng, bổ sung thêm được phần kiến thức chưa trả lời tốt. Việc theo học tại các trung tâm, đơn vị, cá nhân tổ chức luyện thi sẽ không mang lại hiệu quả cho bạn khi tham dự kỳ thi đánh giá năng lực.
Một công việc có thể nói là khá nhàm chán là tìm hiểu về quy chế và hướng dẫn thi đánh giá năng lực của Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên, các điều khoản quy định, hướng dẫn là quyền lợi và nghĩa vụ của thí sinh. Hãy dành thời gian tìm hiểu các văn bản này sẽ rất hữu ích trước khi đăng ký dự thi.
Đăng ký dự thi
Thí sinh có thể sử dụng điện thoại thông minh, máy tính… kết nối internet để lập tài khoản đăng ký dự thi tại http://khaothi.vnu.edu.vn. Tài khoản của bạn tồn tại 24 tháng kể từ thời điểm bạn đăng ký. Các thông tin đăng ký gồm căn cước công dân/chứng minh nhân dân, địa chỉ thư điện tử (email), số điện thoại liên hệ, kết quả học tập bậc THPT năm học lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12, lệ phí đăng ký dự thi. Chọn ngày thi phù hợp với lịch trình của bạn tại: http://khaothi.vnu.edu.vn.
Trước khi hoàn tất các bước đăng ký dự thi, thí sinh phải đọc kỹ các điều khoản quy định về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với kỳ thi. Nếu đồng ý, thí sinh sẽ nhận được email thông báo từ Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội và hãy làm bài thi tham khảo, tự ôn tập. Trước ngày thi, kiểm lại thông tin đăng ký dự thi: địa điểm thi, ca thi, giờ thi, in giấy báo dự thi tại email.
Việc thi nhiều lần trong khoảng thời gian ngắn không thay đổi điểm thi với bài thi đánh giá năng lực. Thí sinh sẽ được đăng ký dự thi 2 lần liên tiếp cách nhau tối thiểu 28 ngày.
Phương pháp làm bài thi đánh giá năng lực
Với các bài thi có câu hỏi trắc nghiệm khách quan thì điều quan trọng là thí sinh phải kiểm soát tốt thời gian làm bài bằng cách phân phối thời gian đọc hiểu đầu bài, đọc hướng dẫn từng phần trước khi lựa chọn đáp án. Với mỗi phần, hãy chia thời gian của từng phần theo số câu hỏi và xác định thời gian cần thiết để hoàn thành tất cả các câu hỏi. Nếu có thể, thí sinh hãy tiết kiệm thời gian để xem lại câu hỏi, làm lại các câu khó trong phần đó trước khi chuyển sang phần kế tiếp.
Trước khi bắt đầu mỗi phần, hãy đọc cẩn thận hướng dẫn trả lời, xem xét tất cả các câu trả lời và chọn đáp án phù hợp nhất. Các câu hỏi về toán học và khoa học tự nhiên cần tìm kiếm câu trả lời chính xác. Thí sinh có thể làm nháp và lựa chọn đáp án mà mình cảm thấy đúng nhất trong số các đáp án đã cho. Giám thị sẽ cho phép sử dụng các máy tính thực hiện các phép toán đơn giản.
Một số câu hỏi đòi hỏi thí sinh phải làm nháp, tính toán, suy luận để có đáp án đúng trong khi cũng có các câu hỏi khác có thể dễ dàng nhận ra đáp án và cần phải làm rất nhanh để dành thời gian cho các câu hỏi khó hơn. Nếu không tìm thấy đáp án như mình tính, thí sinh hãy đọc lại đề bài và xem xét lại tất cả các đáp án đã cho, so sánh các câu trả lời đã chọn với các câu còn lại và tìm hiểu xem chúng khác nhau ở điểm gì? Sự khác biệt này có thể gợi ý cho bạn câu trả lời đúng. Hãy loại trừ các câu trả lời sai nhiều nhất có thể, sau đó có thể lựa chọn đoán câu hỏi dựa trên những mối liên hệ giữa đáp án và đầu bài.
Điểm bài thi
Điểm bài thi được tính dựa trên tổng số câu trả lời đúng, các câu trả lời sai không bị trừ điểm. Hãy cố gắng hoàn thành tất cả các câu hỏi của bài thi.
Điểm bài thi sẽ hiện ra sau khi bạn kết thúc phần 3. Nếu bạn không vi phạm quy chế thi, điểm hiện trên màn hình sẽ là điểm của bạn đạt được. Điểm thi chính thức sẽ được cập nhật trên tài khoản cá nhân.
Đa phần đơn vị sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực nhận hồ sơ theo tổng điểm bài thi. Tuy nhiên, một số trường đại học có thể có thêm các yêu cầu như điểm các thi phần phải đạt ngưỡng nhất định. Do đó, hãy cố gắng làm tất cả các câu hỏi mặc dù thế mạnh của bạn chỉ là khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Hãy cùng chúng tôi khám phá năng lực của bạn.
Chứng nhận kết quả thi
Giấy chứng nhận kết quả thi sẽ gửi tới địa chỉ của bạn qua đường bưu điện. Hãy đảm bảo kê khai chính xác địa chỉ nhận thư, số điện thoại của bạn ở phần đăng ký dự thi. Các thí sinh sẽ nhận được 1 bản giấy chứng nhận miễn phí. Trường hợp bạn cần nhiều giấy chứng nhận kết quả thi, bạn có thể đăng ký với Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, hiện nay, một số đối tượng xấu đang lợi dụng để khai thác thí sinh nộp tiền môi giới sửa thông tin lỗi tại tài khoản đăng ký dự thi.
Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội không thu tiền hay nhờ bất cứ ai can thiệp được vào hệ thống khaothi.vnu.edu.vn để sửa thông tin lỗi đăng ký của thí sinh. Thí sinh tuyệt đối không liên hệ trợ giúp với các đối tượng khác về kỳ thi đánh giá năng lực.
Thí sinh có thể sửa lỗi đăng ký sau khi mọi hoạt động của cổng đăng ký ổn định hoặc sửa thông tin sai khi đến phòng thi. Tuyệt đối không nhờ qua đối tượng trung gian lừa đảo làm việc này.
Thí sinh có thể mở tài khoản tại khaothi.vnu.edu.vn bất kỳ thời gian nào, không nhất thiết phải làm ngay trong ngày 10/1 hay ngày 11/1. Thí sinh có thể lập tài khoản từ ngày 10/1 đến ngày thi đầu tiên (dự kiến cuối tháng 2/2022).
Trường hợp liên hệ với Trung tâm Khảo thí gặp khó khăn, thí sinh hãy kiên nhẫn chờ 1 thời gian để cán bộ Trung tâm hỗ trợ qua messenger, email, điện thoại. Tuyệt đối không nhờ các nhóm luyện thi giả danh. Trung tâm Khảo thí đã thông báo cho công an về việc giả danh lừa đảo trên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.