Thị xã Sơn Tây phân loại rác tại nguồn đem lại hiệu quả cao
Thị xã Sơn Tây phân loại rác tại nguồn đem lại hiệu quả cao
PV
Thứ hai, ngày 24/06/2024 06:56 AM (GMT+7)
UBND thị xã Sơn Tây (TP.Hà Nội) đã xây dựng và ban hành các kế hoạch thực hiện thí điểm mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ tại nguồn của các hộ dân, đem về hiệu quả tích cực.
Bắt đầu từ tháng 6/2024, 23 phường, xã thuộc 5 quận của TP.Hà Nội là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm bắt đầu thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn của các gia đình.
Các chất thải rắn sinh hoạt sẽ được phân thành 4 loại: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (các loại giấy, nhựa, kim loại); chất thải cồng kềnh (tủ, giường, nệm, bàn, ghế); chất thải nguy hại (pin, ắc quy, bóng đèn, chai lọ đựng hóa chất, sơn mực, tivi, tủ lạnh); chất thải rắn sinh hoạt khác (chất thải thực phẩm và rác thải khác).
Tại thị xã Sơn Tây, từ năm 2021, đơn vị đã xây dựng và ban hành các kế hoạch thực hiện thí điểm mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ tại nguồn làm phân bón cho cây trồng. Hơn 250 hộ gia đình trên địa bàn 2 xã đã tham gia thực hiện mô hình này.
Đến năm 2022, UBND thị xã tiếp tục nhân rộng mô hình cho 1.000 hộ trên địa bàn 6 xã và tiếp tục duy trì cho 250 hộ năm 2021.
Riêng năm 2023, đơn vị tiếp tục thực hiện nhân rộng mới cho 1.000 hộ gia đình, tính đến nay trên địa bàn thị xã đã có trên 2.250 tham gia thực hiện mô hình theo chương trình của UBND thị xã Sơn Tây.
Để chuẩn bị cho việc phân loại rác tại nguồn có hiệu quả, thị xã Sơn Tây đã xây dựng một quy trình thực hiện chi tiết và khoa học gồm 5 bước (gồm: bố trí khu vực đặt thùng ủ hoặc hố ủ; phân loại rác thải; xử lý chất sinh hoạt hữu cơ hàng ngày; kết thúc ủ; sử dụng rác sau khi ủ).
Trong đó, khâu quan trọng nhất là phân loại rác thải được ghi chú chi tiết với 3 loại rác rõ ràng. Rác hữu cơ sau khi được phân loại sẽ được bỏ vào thùng ủ/hố ủ. Trong khi đó, rác tái chế gồm các loại chai lọ nhựa, đồ thủy tinh, giấy, kim loại… sẽ được cho vào bao, có thể dùng lại hoặc bán thu tiền về. Các loại rác còn lại gồm rác vô cơ, vỏ chai lọ sành sứ vỡ, vỏ ốc, sò... và các rác độc hại được phân loại khác sẽ cho vào thùng rác để thu gom về bãi xử lý rác tập trung.
Theo UBND thị xã Sơn Tây, mặc dù ban đầu các hộ dân đều có tâm lý e dè với hiệu quả xử lý như sợ có dòi bọ, mùi, mất vệ sinh, không có nhiều rác hữu cơ để ủ... Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện thấy được hiệu quả trong thời gian ngắn đã thu được nước rỉ rác thay thế cho phân đạm vô cơ để tưới rau, cây trồng... nên bà con nhiệt tình tham gia, hướng dẫn mọi người để cùng nhau nhân rộng.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền tại thị xã Sơn Tây còn được thực hiện dưới nhiều hình thức sáng tạo khác nhau như: tổ chức các hoạt động ngoại khóa tại trường học như đổi rác lấy cây xanh tại Trường Tiểu học Kim Sơn và khu dân cư thôn Kim Đái, xã Kim Sơn hay như thành lập các tổ công tác với lực lượng nòng cốt là Chi hội phụ nữ thôn, xã nhằm tuyên truyền, hướng dẫn và đôn đốc người dân thực hiện…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.