Thời hạn giấy phép lái xe: Bộ Công an vênh với Bộ GTVT
Thời hạn giấy phép lái xe xuống 5 năm: Bộ Công an "vênh" với Bộ GTVT
Thế Anh
Thứ năm, ngày 27/08/2020 13:47 PM (GMT+7)
Bộ Công an vừa trình Chính phủ dự thảo Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (ATGT), trong đó có đề xuất rút thời hạn cấp giấy phép lái xe (GPLX) xuống còn 5 năm thay vì 10 năm như trước đây. Điều này vênh với Bộ GTVT khi vẫn giữ mức 10 năm như cũ.
Theo đó, tại Khoản 9 Điều 46 dự thảo Luật Đảm bảo trật tự ATGT đường bộ về thời hạn giấy phép lái xe quy định: Hạng A1, A2, A3 không có thời hạn; Hạng B, C, D1, D, BE, CE, D1E, DE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.
Đây là những nội dung mới được bổ sung vào dự thảo, ở những dự thảo lần 1, lần 2 ra để lấy ý kiến rộng rãi từ cộng đồng, người dân, doanh nghiệp,... thì Bộ Công an không có nội dung này. Trong khi đó theo Điều 17, Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT quy định về thời hạn giấy phép lái xe (đang có hiệu lực thi hành) thì GPLX hạng A1, A2, A3 không có thời hạn.
Đối với GPLX hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì GPLX được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp. GPLX hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp. GPLX hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 5 năm, kể từ ngày cấp.
Đáng chú ý, dự thảo Luật Đảm bảo trật tự ATGT của Bộ Công an lại không đồng nhất với luật liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ do Bộ GTVT vừa dự thảo là Luật Giao thông đường bộ sửa đổi cũng đề xuất giữ nguyên thời hạn GPLX như hiện nay.
Điểm khác nhau là Bộ Công an đề xuất trong Dự thảo Luật Đảm bảo trật tự ATGT, thời hạn của giấy phép lái xe hạng B bị giảm xuống còn một nửa (từ 10 năm xuống còn 5 năm). Trong khi đó, hiện nay, GPLX hạng B (gồm B1 và B2 như quy định trong Thông tư 12/2017/ TT-BGTVT) đang có số lượng người được cấp rất lớn, có thể lên tới hàng triệu người. Chính từ đề xuất này của Bộ Công an đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ người dân và các chuyên gia vì sẽ làm ảnh hưởng tới rất nhiều người.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, từ năm 2015 Việt Nam đã tham gia Công ước Viên với điều kiện tham gia là trong 5 năm Việt Nam phải điều chỉnh hạng giấy phép lái xe phù hợp với hạng quy định tại Công ước.
Hiện, cách phân hạng GPLX trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT của Bộ Công an về các hạng và phân hạng GPLX, loại xe sử dụng không đúng theo điều khoản Công ước mà Việt Nam đã cam kết. Nếu không điều chỉnh đúng phân hạng sẽ khiến cho giấy phép lái xe của Việt Nam sẽ không được các nước tham gia Công ước công nhận. Người Việt sử dụng GPLX tại các nước thành viên của Công ước cũng sẽ không được công nhận.
Liên quan đến đề xuất rút ngắn thời hạn giấy phép lái xe xuống 5 năm, ngày 27/8, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục Phó Cục Cảnh sát giao thông (CSGT - Bộ Công an) cho biết, Bộ Công an đã họp với các bộ ngành liên quan và thống nhất rút bỏ đề xuất này.
Đề xuất này được đưa ra trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, Ban soạn thảo đưa ra nhiều phương án quản lý tài xế, trong đó có đề xuất rút ngắn thời hạn bằng lái xe dưới 9 chỗ ngồi và xe tải loại 3,5 tấn từ 10 năm xuống còn 5 năm.
Mục đích của đề xuất này là theo dõi tốt hơn diễn biến sức khoẻ của tài xế; nếu để thời gian 10 năm sẽ quá dài, trường hợp tài xế thay đổi về sức khỏe thì cơ quan chức năng không kịp cập nhật. Còn nếu hiệu lực bằng lái trong 5 năm, giả sử tài xế nào đó ốm đau, không đủ sức khỏe lái xe, cơ quan chức năng kịp thời dừng hiệu lực của bằng lái này thay vì để kéo dài tới 10 năm.
Đại tá Bình cho biết thêm, sau khi họp với các bộ ngành liên quan, Bộ Công an nhận thấy với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang được xây dựng và sự liên thông dữ liệu của các bộ ngành khác nhau, đề xuất nêu trên không còn cần thiết.
Theo Đại tá Bình, ngoài hệ thống sơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an còn quản lý cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm, dữ liệu tai nạn; Bộ GTVT có dữ liệu xe kinh doanh; Bộ Y tế có dữ liệu về sức khoẻ... Khi các loại cơ sở dữ liệu này liên thông, cảnh sát sẽ làm việc trên hệ thống thông tin điện tử để tra cứu và nắm được tình trạng sức khoẻ, bằng lái của tài xế thường xuyên, không cần phải sử dụng biện pháp quản lý hành chính khác.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, tại dự thảo Luật GTĐB sửa đổi, Bộ GTVT cũng đã đề xuất giữ nguyên thời hạn GPLX như hiện hành. Tuy nhiên, sau cuộc họp Thường trực Chính phủ thì quy định cấp GPLX lại được đưa vào Luật đảm bảo trật tự ATGT, do Bộ Công an xây dựng.
"Đây là đề xuất được Bộ Công An đưa ra trong dự thảo để lấy ý kiến doanh nghiệp người dân, sau đó sẽ nghiên cứu xem xét để trình Chính phủ. Việc có rút ngắn thời hạn GPLX hay không sẽ do Chính phủ và Quốc hội quyết định", ông Thống cho hay.
Theo ông Thống, đối với quy định hiện hành thì GPLX có thời hạn tới 10 năm, đối với những người xin cấp lại, hoặc đổi GPLX sẽ được kiểm tra sức khoẻ và thủ tục vẫn phải đảm bảo đầy đủ các quy trình. Việc kiểm tra sức khoẻ của tài xế đối với doanh nghiệp họ cũng thường xuyên kiểm tra, ngoài ra còn có lực lượng CSGT tăng cường kiểm tra hành chính, nồng độ cồn, chất kích thích,...ma tuý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.