Thời hạn sở hữu chung cư: Doanh nghiệp lo không bán được nhà, người dân “quay lưng”

Thái Nguyễn Thứ bảy, ngày 08/10/2022 14:41 PM (GMT+7)
Quy định áp thời hạn sở hữu chung cư trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lo ngại sẽ không bán được nhà, còn người dân cũng “quay lưng” nếu chung cư bị áp thời hạn.
Bình luận 0

Doanh nghiệp kiến nghị không quy định thời hạn sở hữu chung cư

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trong đó nội dung ghi nhận nhiều phản hồi nhất liên quan đến thời hạn sở hữu chung cư. Bộ Xây dựng đưa ra 2 phương án: thứ nhất, bổ sung mới quy định về thời hạn sở hữu nhà xác định theo thời hạn sử dụng của công trình. Thứ hai, giữ nguyên thời hạn sử dụng như quy định hiện nay, tức là không quy định thời hạn sở hữu chung cư.

Về phương án áp dụng thời hạn sở hữu chung cư, một số doanh nghiệp nêu quan điểm không đồng tình với phương án thứ nhất và lựa chọn phương án thứ hai đó là không đặt ra quy định về thời hạn sở hữu chung cư và vẫn giữ nguyên quy định theo khoản 3 điều 126 Luật Nhà ở năm 2013. Các doanh nghiệp cho rằng đề xuất này mâu thuẫn với mục tiêu khuyến khích phát triển nhà chung cư.

Bà Đỗ Thị Thái Phúc, Giám đốc chi nhánh Vinpearl Quảng Nam - Đà Nẵng, cho rằng theo pháp luật hiện hành, người mua chung cư trong dự án kinh doanh nhà ở sẽ có quyền sử dụng đất lâu dài, đồng thời có quyền sở hữu nhà ở không xác định thời hạn. Đây là chính sách quan trọng để khuyến khích người dân mua và sử dụng chung cư. Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021 đã đề ra quan điểm khuyến khích phát triển nhà chung cư.

"Do vậy, quy định nhà chung cư sở hữu có thời hạn mâu thuẫn với mục tiêu khuyến khích phát triển nhà chung cư. Trong khi đó, về mặt pháp lý, quy định về thời hạn sở hữu chung cư trong dự thảo chưa phù hợp với quy định chung về sở hữu tài sản theo Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể, Bộ luật Dân sự năm 2015 không có khái niệm 'thời hạn sở hữu tài sản' mà chỉ có quy định về xác lập quyền sở hữu và chấm dứt quyền sở hữu", bà Phúc chia sẻ.

Thời hạn sở hữu chung cư: Doanh nghiệp lo không bán được nhà, người dân “quay lưng” - Ảnh 1.

Doanh nghiệp lo ngại quy định thời hạn sở hữu chung cư khiến thanh khoản phân khúc chung cư giảm. (Ảnh: Thái Nguyễn)

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Công ty đô thị FPT Đà Nẵng, cho biết nếu quy định thời hạn sở hữu chung cư thì tâm lý của người mua nhà sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, ông Lộc đề xuất nên giữ nguyên quy định trước đây.

"Đưa thời hạn sở hữu vào luật chắc chắn là vấn đề lớn, đặc biệt khi chúng ta đang thực hiện chương trình phát triển nhà ở. Ở Đà Nẵng, tâm lý người dân sẽ ảnh hưởng nhiều hơn ở Hà Nội và TP. HCM bởi phương thức nhà chung cư mới được hình thành ở địa phương này", ông Lộc nhận định.

Cùng với đó, dưới góc độ chủ đầu tư, đại diện các tập đoàn CEO, Sunshine, Sun Group, VinaCapital... đều bày tỏ quan điểm e ngại, cho rằng quy định thời hạn sở hữu chung cư chưa phù hợp với tâm lý của người mua và có thể ảnh hưởng tới thị trường.

Với quy định này, người dân có thể sẽ có mong muốn quay lại mua đất xây nhà để sở hữu lâu dài. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chính sách phát triển nhà chung cư, trong khi đây là mô hình phát triển phù hợp trong điều kiện hiện nay, giúp tiết kiệm quỹ đất.

Áp thời hạn sở hữu chung cư: Người dân và chuyên gia lo ngại

Theo anh Trung Hiếu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) hai vợ chồng anh đều là công nhân viên chức, thu nhập không cao, gần chục năm nay hai vợ chồng mới dành dụm được khoảng 1 tỷ đồng, cộng với hai bên nội ngoại cho và vay thêm bạn bè, hai vợ chồng đang có khoảng hơn 2 tỷ đồng.

"Với số tiền này có thể mua được một căn chung cư khá rộng rãi, vị trí cũng thuận lợi cho việc học hành của con cái. Thế nhưng, mới đây nghe thông tin về đề xuất thời hạn sở hữu chung cư, hai vợ chồng quyết định không mua căn hộ chung cư nữa mà ra xa trung tâm để tìm mua nhà đất", anh Hiếu chia sẻ.

Còn chị Mai Linh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng tâm lý của người Việt Nam lâu nay vẫn là "ăn chắc mặc bền" nên mua nhà đất, cảm giác sẽ an tâm hơn.

"Nếu là trước đây, khi chưa có đề xuất áp dụng thời hạn sở hữu chung cư, tôi vẫn muốn ở chung cư vì nhiều thứ thuận tiện, diện tích mặt sàn rộng rãi việc sinh hoạt của cả gia đình sẽ thuận lợi hơn, sum vầy hơn. Nhưng nếu chung cư có thời hạn sử dụng, sau bị đập bỏ, cảm giác như mình mất khối tài sản lớn", chị Linh chia sẻ.

Quy định thời hạn sở hữu chung cư khiến người dân không hào hứng mua chung cư (Ảnh: Thái Nguyễn)

Quy định thời hạn sở hữu chung cư khiến người dân không hào hứng mua chung cư. (Ảnh: Thái Nguyễn)

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, tại thời điểm này, chưa nên vội vàng quy định sở hữu chung cư có thời hạn vì đi ngược lòng dân.

"Xét theo tâm lý của đại đa số người Việt đều mong muốn sở hữu nhà ở lâu dài và thói quen sử dụng nhà chung cư chỉ mới từng bước được định hình trong một thập niên trở lại đây. Do đó, đa số người dân lại có tâm lý lựa chọn căn hộ nhà chung cư được sở hữu không xác định thời hạn, nên rất cần thiết giữ nguyên chính sách hiện nay của Luật Nhà ở 2014 cho phép phát triển cả hai loại dự án nhà chung cư "sở hữu không xác định thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài" hoặc "sở hữu có thời hạn", ông Châu nhận định.

Nhận định về quy định thời hạn sở hữu chung cư, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng cư dân của các nhà chung cư phải được sử dụng đất và tài sản khác trên đất vĩnh viễn. Chủ sở hữu phần diện tích thương mại và chủ đầu tư sở hữu phần diện tích để xe, thì có thể chỉ được sử dụng có thời hạn cùng với thời hạn sử dụng chung cư. Mở rộng vấn đề, nhà đầu tư bất động sản khác chỉ có thể được hưởng quyền lợi thấp hơn, cùng lắm là bằng, chứ không thể cao hơn chủ sở hữu nhà ở.

"Nhà nước buộc phải can thiệp, đồng thời buộc phải hỗ trợ xử lý, bằng cả cơ chế pháp lý và tài chính, khi nhà chung cư buộc phải phá dỡ. Điều này là rất cần thiết và là điểm khác biệt cơ bản so với nhà ở riêng lẻ. Dù có hay không quy định về thời hạn sở hữu chung cư hoặc thời hạn sử dụng nhà chung cư thì cũng vẫn phải cần có cơ chế này, vì "lợi ích công cộng" và vì "an toàn xã hội", luật sư Đức nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem