Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi: Cần đảm bảo sự thống nhất với các luật liên quan
Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi: Cần đảm bảo sự thống nhất với các luật liên quan
Thái Nguyễn
Thứ tư, ngày 05/10/2022 12:20 PM (GMT+7)
Luật Nhà ở sửa đổi lần này nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội để từng bước cải thiện điều kiện nhà ở của nhân dân. Do đó, Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, cùng với đó phải đảm bảo thống nhất với các luật liên quan.
Luật Nhà ở sửa đổi cần thống nhất với các luật hiện hành
Theo Bộ Xây dựng, Luật Nhà ở sửa đổi lần này nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội để từng bước cải thiện điều kiện nhà ở của nhân dân. Vì, Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở. Do đó, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để phát triển và vận hành thông suốt thị trường bất động sản, xây dựng thể chế và các mô hình phù hợp để gắn kết quá trình công nghiệp hóa với đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới, xây dựng chính sách xã hội về nhà ở.
Trong thời gian gần đây, một số luật được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới thay thế như: Bộ luật Dân sự, Luật Xây dựng, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công theo phương thức hợp tác công tư... và trong các Luật này có nhiều nội dung quy định liên quan đến Luật Nhà ở năm 2014 như: Thủ tục đầu tư xây dựng, lựa chọn chủ đầu tư, ưu đãi chủ đầu tư dự án nhà ở… đã được sửa đổi, bổ sung dẫn đến sự không thống nhất trong các quy định của Luật Nhà ở hiện hành với các Luật này. Do đó, việc rà soát, điều chỉnh, sửa đổi các quy định có liên quan trong Luật Nhà ở năm 2014 để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ hệ thống pháp luật là rất cần thiết.
Mặt khác, các nội dung của Luật Nhà ở năm 2014 có liên quan đến các quy định của Luật Đất đai, đặc biệt là những chính sách lớn như vấn đề sở hữu nhà ở đối với người nước ngoài, quy hoạch sử dụng đất, quỹ đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở… Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW, về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Do đó, việc bám sát Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nội dung kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai để từ đó đề xuất chính sách sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến ngay sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật trong giai đoạn mới là hết sức cần thiết.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, Luật Nhà ở (sửa đổi) được xây dựng dựa trên 3 quan điểm. Quan trọng nhất là sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về nhà ở hiện hành còn tồn tại, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, để từ đó đề xuất chính sách đảm bảo phân định rõ các chính sách có tính chất kế thừa và các chính sách cần sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới trên tinh thần phù hợp với hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở với các luật khác có liên quan.
Luật Nhà ở sửa đổi nhằm tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Trưởng Ban soạn thảo Dự luật Nhà ở sửa đổi cho rằng, sửa đổi Luật Nhà ở phải phục vụ tốt nhất các vấn đề thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp, nhưng cũng phải đảm bảo phù hợp với Hiến pháp, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Về quá trình thực hiện dự án nhà ở xã hội, ông Lê Hữu Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty Lê Thành cho rằng chính sách mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thương mại của các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản thì chuyển sang quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản để đảm bảo việc tra cứu, áp dụng pháp luật được thuận lợi và thực hiện thống nhất.
"Dự thảo Luật lần này sắp xếp lại và đưa một số quy định tại các Chương khác liên quan đến chính sách sở hữu nhà ở vào Chương này như: Quyền có chỗ ở và quyền sở hữu nhà ở; bảo hộ quyền sở hữu nhà ở đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở; đối tượng được sở hữu nhà ở và hình thức được sở hữu tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài; điều kiện tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam", ông Nghĩa chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng kiến nghị về quá trình thực hiện các dự án nhà ở thương mại. Trong đó gồm: Quy định chung về sở hữu, nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Đặc biệt, dự thảo Luật bổ sung mới các quy định (trong đó có đưa một số quy định từ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP lên) về: Cơ quan quản lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; quyền của đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; quy định khu vực tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam; số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tại Việt Nam; các trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài không được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.