Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp: 230 điểm nguy cơ, uy hiếp đê điều bất cứ lúc nào
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp: 230 điểm nguy cơ, uy hiếp đê điều bất cứ lúc nào
Khương Lực - Nguyễn Chương
Thứ sáu, ngày 26/06/2020 09:36 AM (GMT+7)
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, cả nước có 9.018km đê từ cấp III trở lên, trong đó cấp đặc biệt 2.700km. Thống kê cho thấy, có 230 điểm nguy cơ, uy hiếp đê điều bất cứ lúc nào. Trong khi đó, vi phạm về đê điều có xu hướng gia tăng, ngày càng nghiêm trọng và chưa được xử lý triệt để.
Ngày 26/6, Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối với 21 điểm tại Sở NNPTNT và 167 đầu cầu UBND cấp huyện của 21 tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, quản lý, bảo vệ và hộ đê.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, hiện nay càng ngày chúng ta càng phải đối mặt thiên tai và thời tiết cực đoan. Bình quân một năm thiên tai trên thế giới gây thiệt hại khoảng 300 tỷ USD và cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người. Chúng ta chứng kiến nhiều cơn bão, lũ lớn trên thế giới.
Thiên tai ở Việt Nam năm 2019 giảm hơn 2018. Tuy nhiên, bình quân trong 5 năm, thiên tai ở Việt Nam vẫn gây thiệt hại 1,5% GPD và gần 300 người thiệt mạng. Mặc dù thiên tai 2019 giảm, nhưng với điều kiện khí hậu cực đoan và biến đổi khía hậu bất thường như hiện nay, chúng ta không lường trước được những vấn đề gì sẽ xảy ra.
"Trong thời gian gần đây, các loại hình thiên tai đã ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam, trong đó có bão, lũ quét, sạt lở đất… càng ngày càng lớn. Đặc biệt, đối với 21 tỉnh, thành phố có đê, chúng ta khá lâu rồi chưa chứng kiến lũ lớn, nhưng mưa lớn gây sạt lở, uy hiếp đã diễn ra ở các địa phương" - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.
Theo ông Hiệp, hệ thống đê điều ở Việt Nam có 9.018km đê từ cấp III trở lên, trong đó cấp đặc biệt 2.700. "Hiện nay, thống kê cho thấy có 230 điểm nguy cơ, uy hiếp đê điều bất cứ lúc nào" - ông Hiệp nhấn mạnh.
Cùng với đó, hiện có hai nguy cơ rất lớn đối với hệ thống đê điều, đó là: vi phạm đề điều cao, khoảng 7.100 vụ vi phạm chưa xử lý trong khi vi phạm đang có xu hướng tăng và ngày càng vi phạm nghiêm trọng; thứ hai, đã lâu chưa có trận lũ lớn nên một số địa phương có tâm lý chủ quan.
Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa mưa bão năm nay có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng cuối năm 2020.
Mặt khác, theo nhận định của một số chuyên gia và số liệu thống kê thực tế, sau hạn hán kỷ lục thường có nguy cơ cao xảy ra mưa đặc biệt lớn gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, mất an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập trên phạm vi rộng ở miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ NNPTNT đưa ra nhận định, theo chu kỳ 2 năm sau hạn hán gay gắt trên diện rộng, mưa, lũ, bão sẽ diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, cần sẵn sàng phương án ứng phó với thiên tai cực đoan, bất thường.
"Tại thời điểm hiện tại, khu vực miền Nam Trung Quốc đang có lũ lớn. Theo quy luật, Việt Nam sau 1-2 tháng sẽ mưa rất to. Tại các miền núi phía Bắc đang có đám mây lớn, không loại trừ sẽ có những trận mưa to, lũ quét trong 1-2 ngày tới" - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý và cho rằng nội dung hội nghị hôm nay rất quan trọng đối với các địa phương và công tác phòng, chống thiên tai, quản lý, bảo vệ và hộ đê.
Qua đánh giá hiện trạng công trình đê điều các địa phương đã xác định trên hệ thống đê từ cấp III đến cấp đặc biệt còn 399km đê thiếu cao trình (chủ yếu ở hạ lưu hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, sông Mã); 683km đê mặt cắt còn nhỏ; 160km đê thường xảy ra đùn sủi, thẩm lậu khi có lũ; 459 cống cũ, hư hỏng; 158km kè hư hỏng, xung yếu và 230 trọng điểm đê điều xung yếu, cần đặc biệt chú ý trong mùa lũ, bão.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.