|
Rừng của Công ty Đỉnh Nghệ bị phá tan hoang. |
Thuê rừng cho lâm tặc?
Tháng 6-2009, Công ty Đỉnh Nghệ được UBND tỉnh Đăk Nông cho thuê 172,7ha đất rừng và rừng (sau đó điều chỉnh còn 168,3ha) để thực hiện Dự án sản xuất nông - lâm nghiệp. Vị trí khu đất thuộc các khoảnh 8 và 9, tiểu khu 1658; khoảnh 9, tiểu khu 1659 (xã Quảng Sơn, huyện Đăk Glong).
Hiện trạng khu đất lúc này có 58ha đất có rừng trung bình, 52ha đất rừng nghèo, 44,3ha đất trồng cây lâm nghiệp và đất khác là 18,4ha. Theo quyết định này, Công ty Đỉnh Nghệ sẽ phải quản lý bảo vệ, kinh doanh phát triển rừng: 107,8ha, trồng keo lai: 35,5ha, trồng cỏ chăn bò: 7,1ha… Thế nhưng, theo Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Glong, sau khi thuê rừng đơn vị này chưa triển khai được gì ngoài việc để cho... lâm tặc phá.
Ông Hoàng Tiến Mạnh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đăk Glong cho biết: “Chỉ trong nửa cuối năm 2009, Công ty Đỉnh Nghệ đã để xảy ra 11 vụ phá rừng, làm mất 17,5ha. Ngoài ra, do không có năng lực quản lý nên 39ha khác cũng đã bị dân xâm canh, canh tác ổn định. Diện tích này gần như đã thuộc về dân”.
Cũng theo ông Mạnh, lý do rừng bị mất nhiều như vậy bởi đơn vị này không hề… biết gì về rừng. Sau khi thuê được đất, Công ty Đỉnh Nghệ đã thuê 3 người quản lý, bảo vệ song số người này không hề có một chút nghiệp vụ nào về rừng.
Điều lạ là dù để mất rừng, nhưng trong một báo cáo mới đây của đơn vị không hề đề cập đến việc khắc phục, mà chỉ diễn giải về việc thực hiện dự án để “kính mong”, “tạo điều kiện” để được tiếp tục làm.
Trồng rừng hay chiếm đất?
Ông Hoàng Tiền Mạnh cho biết, thời gian qua, việc bảo vệ rừng “nóng” hơn do các đơn vị thuê rừng không đủ năng lực quản lý bảo vệ; không có khả năng tài chính để thực hiện dự án. Rất nhiều doanh nghiệp đã thuê rừng rồi đem bán thu chênh lệch. Rất có thể, Công ty Đỉnh Nghệ cũng là trường hợp tương tự.
Theo ông Hoàng Tiến Mạnh, diện tích rừng của Công ty Đỉnh Nghệ khá “đắc địa” vì nằm ngay cạnh Tỉnh lộ 6. Từ khi thuê đến nay, đơn vị này không làm được gì ngoài việc xây trụ sở và trồng 3ha chanh dây trên diện tích dùng để trồng keo.
Thế nhưng, theo báo cáo của đơn vị này, tổng số vốn để thực hiện dự án là 7,8 tỷ đồng, đã tiêu hết hơn 5,7 tỷ đồng. Trong đó riêng việc đầu tư cho chanh dây đã hết hơn 1 tỷ đồng (cao hơn gấp 3 lần so với mức bình thường). Lạ hơn, trong quyết định của tỉnh không hề có việc trồng chanh dây.
Quyết định của UBND tỉnh thể hiện: “Công ty Đỉnh Nghệ có trách nhiệm quản lý, sử dụng đúng diện tích, đúng ranh giới và đúng mục đích khu đất, rừng được thuê… Đối với diện tích rừng có trong khu đất, công ty phải tổ chức bảo vệ nghiêm ngặt, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng chặt, phá rừng trái phép.
Nếu công ty để rừng bị tàn phá thì UBND tỉnh sẽ thu hồi lại toàn bộ diện tích rừng đã cho công ty thuê”. Thế nhưng dù đã quá thời gian thực hiện dự án cho phép, để mất hàng chục hécta rừng nhưng UBND tỉnh Đăk Nông vẫn chưa có động thái xử lý nào(?)
Duy Hậu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.