Thưởng Tết 2022 quy định với người lao động thế nào?
Thưởng Tết 2022 quy định với người lao động thế nào?
P.V (th)
Thứ bảy, ngày 18/12/2021 10:42 AM (GMT+7)
Theo khoản 1 Điều 103 Bộ luật Lao động 2012: Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Thưởng Tết 2022 quy định với người lao động thế nào?
Có thể thấy, pháp luật không bắt buộc người sử dụng lao động phải thưởng Tết cho người lao động. Người sử dụng lao động có thể thưởng hoặc không. Trường hợp có thưởng thì mức thưởng cũng sẽ do người sử dụng lao động quyết định dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc trong năm của người lao động.
Cùng với đó, pháp luật hiện hành không có bất cứ quy định nào về lương tháng 13 và không phải doanh nghiệp nào cũng có lương tháng 13.
Pháp luật qui định cụ thể quyền lợi của người lao động đi làm vào những ngày nghỉ lễ, Tết.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 115 Bộ luật Lao động 2012:
Người lao động được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương 05 ngày Tết Âm lịch.
Nếu ngày nghỉ này trùng vào ngày nghỉ hàng tuần thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.
Một nội dung đáng chú ý khác, nếu đi làm vào đúng ngày nghỉ lễ tết người lao động được hưởng ít nhất 400% tiền lương. Theo qui định, người lao động được nghỉ làm trong suốt những ngày nghỉ Tết Âm lịch. Trường hợp do đặc thù công việc hoặc thực hiện theo sự phân công, sắp xếp của người sử dụng lao động mà người lao động vẫn đi làm vào những ngày này thì sẽ được tính là làm thêm giờ và hưởng lương làm thêm giờ.
Theo đó, khoản 1 Điều 97 Bộ luật Lao động 2012 quy định:
Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm:
Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ.
Do đó, nếu người lao động làm thêm giờ trong ngày Tết Âm lịch sắp tới sẽ được hưởng tối thiểu 400% tiền lương ngày làm việc bình thường.
Khoản 2 Điều 97 Bộ luật Lao động 2012 chỉ rõ:
Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.
Trường hợp làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo thời gian làm việc thực tế, tiền lương làm thêm giờ, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.
Trên cơ sở này, nếu làm việc vào ban đêm trong dịp Tết Âm lịch thì tổng tiền lương mà người lao động nhận được bằng 490% tiền lương của ngày làm việc bình thường.
Thưởng Tết năm nay khó tăng
Một số nhận định cho rằng, thưởng Tết năm nay khó tăng và một số ngành được thưởng cao là những ngành không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như khoáng sản, cảng biển… cũng chỉ duy trì mức thưởng như năm ngoái vì phải trích các quỹ dự phòng.
Còn đối với các ngành xuất khẩu chủ lực mức thưởng dự kiến vẫn giữ nguyên như 2021 ở miền Bắc và miền Trung và giảm khoảng 30 - 50% ở miền Nam.
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói: "Theo đánh giá thì có khoảng 30 - 50% doanh nghiệp sẽ giảm thưởng Tết cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực để duy trì lương tháng 13. Tuy nhiên, mức thưởng cụ thể cũng sẽ thấp hơn năm trước".
"Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động là vẫn cố gắng làm thế nào để có tháng lương Tết (tháng lương thứ 13). Tôi tin chắc rằng ở phía Nam, thưởng Tết không được như mọi năm, nhưng sẽ vẫn có. Ở phía Bắc, các doanh nghiệp cho biết khả năng vẫn cố gắng giữ như năm trước", ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đánh giá.
Hiện, da giày, dệt may - hai ngành sử dụng nhiều lao động, đang cố gắng đảm bảo thưởng Tết bằng khoảng 80% của năm trước.
8 triệu NLĐ được nhận quà từ công đoàn với mức 300.000 đồng/người
Nhằm chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên Đán 2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Kế hoạch 146/KH-TLĐ về chăm lo thăm hỏi người lao động. Theo đó, với 2 nhóm đối tượng sau sẽ nhận được mức chăm lo thăm hỏi là 300.000 đồng/người:
- Người lao động có đóng BHXH tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có đóng kinh phí công đoàn
- Cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn.
Tổng số nguồn kinh phí dự kiến: 8.000.000 (người) x 300.000đ/người = 2.400.000.000.000 đồng (hai nghìn bốn trăm tỷ đồng).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.