Thủy điện lớn nhất Bắc miền Trung chỉ còn 30% dung tích, vụ hè thu ở Nghệ An "khát" nước tưới

Thắng Tình Thứ sáu, ngày 02/06/2023 09:12 AM (GMT+7)
Thủy điện Bản Vẽ ở xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An là công trình thủy điện lớn nhất Bắc miền Trung dung tích chỉ còn khoảng 30%. Trong khi đó, mực nước sông Lam cũng đang ở mức rất thấp, dự báo vụ hè thu năm nay, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp sẽ "khát" nước tưới.
Bình luận 0

Mực nước sông Lam xuống thấp

Ngày 1/6, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Trường Thành – Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An cho biết, nắng nóng kéo dài trong thời gian qua khiến nhiều hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An chỉ đạt khoảng 50% dung tích. Trong khi đó, mực nước trên sông Lam cũng đang ở mức khá thấp khiến các trạm bơm ở khu vực huyện Nam Đàn, Đô Lương, Thanh Chương gặp khó khăn.

Thủy điện lớn nhất Bắc miền Trung chỉ còn khoảng 30% dung tích, vụ hè thu ở Nghệ An "khát" trầm trọng - Ảnh 1.

Thủy điện Bản Vẽ tại xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đang có mực nước rất thấp. Nắng nóng kéo dài khiến lưu lượng nước về hồ thấp hơn bình quân các năm. Ảnh: Linh Chi

Vụ hè thu 2023, toàn tỉnh Nghệ An có khoảng 81.534,6 ha diện tích lúa và 7.812,9 ha hoa màu các loại. Nếu nắng nóng kéo dài, nguy cơ thiếu nước tưới trong vụ hè thu đối với nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt vào cuối mùa khô có nguy cơ xảy ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trên diện rộng. 

Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An cũng thường xuyên cập nhật tình hình nguồn nước để các địa phương chủ động cơ cấu cây trồng, đặc biệt đối với những vùng không chủ động được nguồn nước tưới.

Theo báo cáo mới nhất, toàn tỉnh Nghệ An có hơn 1.061 hồ đập. Đến thời điểm hiện nay có 685 hồ có dung tích trên 50%, các hồ chứa còn lại dưới 50% dung tích.

Thủy điện lớn nhất Bắc miền Trung chỉ còn khoảng 30% dung tích, vụ hè thu ở Nghệ An "khát" trầm trọng - Ảnh 2.

Mực nước sông Lam đoạn qua cầu Rộ, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đang ở mức thấp so với cùng kỳ các năm. Ảnh: Nguyễn Tình

Ông Nguyễn Trường Thành cho biết thêm, nếu mực nước trên sông Lam xuống quá thấp sẽ yêu cầu các thủy điện trên địa bàn mở cửa xả trong những thời điểm thích hợp để phục vụ nước tưới cho vụ hè thu. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chủ động hệ thống máy bơm, hồ đập tích trữ nước.

Hồ thủy điện lớn nhất Bắc Trung Bộ chỉ còn 30% dung tích

Trong khi tình hình nắng nóng với nền nhiệt cao vẫn đang diễn rộng, lưu lượng nước về các hồ thủy điện đang ở mức rất thấp so với trung bình hàng năm, trong đó có thủy điện Bản Vẽ, công trình thủy điện lớn nhất khu vực Bắc miền Trung với dung tích hồ chứa 1,83 tỷ m3. Bên cạnh nhiệm vụ phát điện, nhà máy còn có nhiệm vụ khác là cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt đối với vùng hạ du tỉnh Nghệ An.

Thủy điện lớn nhất Bắc miền Trung chỉ còn khoảng 30% dung tích, vụ hè thu ở Nghệ An "khát" trầm trọng - Ảnh 3.

Thủy điện Bản Vẽ, hồ thủy điện lớn nhất Bắc miền Trung với dung tích 1,83 m3, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại chỉ còn khoảng 30% dung tích. Ảnh: Linh Chi

Ngay từ đầu mùa khô năm 2023, công ty đã chủ động làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, Chi cục Thủy lợi Nghệ An để thống nhất kế hoạch điều tiết cấp nước cho hạ du phục vụ sản xuất và sinh hoạt trên tinh thần đảm bảo hài hòa giữa hai mục tiêu cấp nước và phát điện.

Bên cạnh đó, công ty cũng đã phối hợp với Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia khai thác tổ máy phát điện đảm bảo lưu lượng cấp nước hạ du theo cam kết và sử dụng hiệu quả nguồn nước qua máy phát điện, do đó từ đầu năm 2023 đến nay, Nhà máy thủy điện Bản Vẽ đã đảm bảo đủ nguồn nước cấp cho hạ du tỉnh Nghệ An.

Mực nước thượng lưu hồ thủy điện Bản Vẽ lúc 15h ngày 31/5 đạt mức 160,87 m/TK 200m, dung tích hiện tại là 587,44 triệu m3 nước, đạt dưới 30,7% so với dung tích thiết kế. Lưu lượng về hồ thủy điện Bản Vẽ là 39,0 m3/s; cách mực nước chết 5,87m.

Những giải pháp cần làm để chống hạn trong thời gian tới

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, thời gian tới lượng mưa không đáng kể, mực nước sông Lam có xu hướng giảm. Với thực trạng nguồn nước hiện tại, để chủ động chống hạn, các địa phương cần rà soát tình hình nguồn nước, từ đó lập phương án tưới chống hạn cho từng vùng, từng công trình và thực hiện khi hạn hán thiếu nước xảy ra. Đồng thời bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không đảm bảo chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất.

Thủy điện lớn nhất Bắc miền Trung chỉ còn khoảng 30% dung tích, vụ hè thu ở Nghệ An "khát" trầm trọng - Ảnh 4.

Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An cũng đề nghị các địa phương cần chủ động các phương án để chống hạn, cơ cấu cây trồng phù hợp tại những vùng không chủ động được nguồn nước tưới. Ảnh: Linh Chi

Bên cạnh đó, quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ thất thoát, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, tăng cường sử dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn.

Tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương, các cửa vào cống lấy nước, bể hút các trạm bơm tưới đảm bảo dẫn nước, thông thoáng từ đầu mối tới mặt ruộng, tận dụng mọi nguồn nước phục vụ sản xuất.

Tập trung lấy nước vào hệ thống khi các hồ thủy điện xả để tăng nguồn nước; tận dụng đầm, ao hồ, bàu biền, sông cụt, các kênh trục lớn để tích trữ nước nội đồng. Lắp đặt các trạm bơm dã chiến, bảo dưỡng máy móc thiết bị, sẵn sàng vận hành bơm chống hạn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem