Tỉ lệ tuyển sinh lớp 10 công lập Hà Nội thấp nhất trong mấy năm gần đây: "Sức nóng" đến từ đâu?

Tào Nga Thứ bảy, ngày 29/04/2023 07:08 AM (GMT+7)
Chỉ có 55,7% học sinh đỗ vào lớp 10 trường THPT công lập năm 2023 đang là con số khiến học sinh, phụ huynh, nhà trường ở Hà Nội vô cùng lo lắng.
Bình luận 0

Thi vào lớp 10 công lập ở Hà Nội: "Cánh cửa" ngày càng hẹp

Theo kế hoạch tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm 2023 của Sở GDĐT Hà Nội, năm học 2022- 2023, toàn thành phố có 129.210 học sinh dự xét công nhận tốt nghiệp THCS. Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, khoảng 102.000 học sinh được tuyển vào các trường THPT (tăng khoảng 1.000 em).

Trong đó tuyển vào trường THPT công lập là 72.000 em (chiếm 55,7%), tuyển vào các trường THPT công lập tự chủ và tư thục khoảng 30.000 em (chiếm 23,2%), tuyển vào các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên khoảng 10.000 em (chiếm 7,7%) và tuyển vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khoảng 17.210 em (chiếm 13,4%).

Với tỉ lệ 55,7% học sinh đỗ vào lớp 10 công lập, có nghĩa gần một nửa số học sinh tham gia cuộc thi đành ngậm ngùi chấp nhập trượt. Điều đáng nói, con số này lại chiếm tỉ lệ thấp nhất trong mấy năm gần đây và khiến thí sinh thêm căng thẳng. "Cánh cửa" đỗ vào lớp 10 công lập dường như càng thu hẹp lại đối với học sinh.

Trước đó, năm 2022, toàn thành phố có khoảng 129.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS (tăng khoảng 19.000 học sinh), khoảng 77.000 học sinh (chiếm 60%) tuyển vào trường THPT công lập. Năm 2021, toàn thành phố có 110.759 học sinh dự xét tốt nghiệp THCS (tăng khoảng 6.220 học sinh so với năm học trước), có 68.670 học sinh (chiếm 62%) được tuyển vào trường THPT công lập.

Tỉ lệ tuyển sinh lớp 10 công lập Hà Nội thấp nhất trong mấy năm gần đây: Vì đâu nên nỗi? - Ảnh 1.

Kỳ thi vào lớp 10 năm 2022 tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hưng

Chỉ tiêu thấp kéo theo "tỉ lệ chọi" vào các trường tăng cao. Với số lượng thí sinh tham dự lớn năm nay dự kiến vẫn là cuộc đua ở một số "điểm nóng" như quận Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Đống Đa... Năm 2022, xét quy mô từng quận, Cầu Giấy có mức độ cạnh tranh vào lớp 10 công lập khốc liệt nhất với tỷ lệ chọi 1/2,66. Tương tự các quận như Hà Đông (tỷ lệ chọi 1/2,2), Ba Đình, Hoàn Kiếm (1/1,97), Đống Đa (1/1,9), Thanh Xuân (1/1,98)...

Một số trường vẫn là tâm điểm chú ý với tỉ lệ chọi cao, sức cạnh tranh gay gắt nhất mỗi mùa tuyển sinh lớp 10 là THPT Yên Hòa (1/3,03), THPT Chu Văn An (1/2,87), THPT Sơn Tây (1/2,73), THPT Nhân Chính (1/2,53), THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông (1/2,51)... theo số liệu năm 2022.

Ngoài ra, kỳ thi vào lớp 10 cũng được ví như "chơi xổ số" khi hàng năm nhiều học sinh "té ngửa" vì điểm chuẩn lên xuống bất ngờ. Có những học sinh đăng ký nguyện vọng vào ngôi trường được đánh giá là top dưới nhưng cuối cùng lại có tỉ lệ chọi cao và điểm chuẩn tăng vọt. Điều này khiến cho cuộc tranh giành suất vào trường THPT công lập thêm gay cấn, căng thẳng. Năm nay dự báo con số cạnh tranh còn khốc liệt hơn nhiều lần. 

"Số trường công lập không đủ để đáp ứng nhu cầu học của học sinh"

Chia sẻ về giải pháp giảm áp lực cho thí sinh thi vào lớp 10, Sở GDĐT Hà Nội cho biết những năm gần đây, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc ưu tiên quỹ đất dành cho giáo dục; tăng cường nguồn lực để xây dựng, cải tạo trường, lớp học. Năm 2022 và 2023, Hà Nội cũng quyết định bỏ môn thi thứ 4 để giảm áp lực cho học sinh... Thế nhưng, sức nóng của kỳ thi vẫn ngày càng tăng nhiệt.

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô Nguyễn Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Thăng Long, quận Ba Đình, Hà Nội cho hay, để giải tỏa áp lực cho học sinh, nhà trường luôn sát sao, định hướng ôn tập, phân luồng hướng nghiệp và mời chuyên gia, học sinh cũ đang học tại các trường THPT về tư vấn. Tỉ lệ học sinh lớp 9 của trường đỗ nguyện vọng 1 vào lớp 10 công lập hàng năm chiếm khoảng 80%. 

Tuy nhiên, tỉ lệ tuyển sinh lớp 10 công lập năm nay thấp nhất trong mấy năm gần đây khiến dư luận quan tâm, theo cô Hà, số học sinh năm nay không quá nhiều so với năm trước nhưng tỉ lệ phân luồng vào trường THPT công lập giảm xuống từ 77.000 năm 2022 xuống còn 72.000 năm 2023. Điều này khiến phụ huynh, học sinh lo lắng cũng dễ hiểu bởi đây là kỳ thi có tính cạnh tranh cao và cha mẹ thì luôn mong muốn con trúng tuyển vào được theo học ở môi trường tốt nhất.

Tỉ lệ tuyển sinh lớp 10 công lập Hà Nội thấp nhất trong mấy năm gần đây: Vì đâu nên nỗi? - Ảnh 2.

Thí sinh sau khi tham dự kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hưng

Thầy Nguyễn Minh Phi, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai bày tỏ: "Với tư cách là một người làm trong ngành giáo dục, tôi rất chia sẻ với phụ huynh và học sinh. Tỷ lệ 55,7% học sinh được vào học các trường THPT công lập hơi thấp. Tuy nhiên, hiện tại số trường công lập không đủ để đáp ứng nhu cầu học của học sinh".

Hiệu trưởng một trường THCS chia sẻ, ngoài năng lực, kỳ thi vào lớp 10 còn mang nhiều yếu tố may rủi xuất phát từ chọn trường, chọn nguyện vọng. Trước thực tế kỳ thi khốc liệt như vậy, theo hiệu trưởng này, quá trình tư vấn cho học sinh, phụ huynh không chỉ tập trung vào việc "làm sao thi đỗ" mà nên đặt ra cả tình huống "khi thi trượt" để... chống sốc.

Là một trong những quận có "tỉ lệ chọ" cao ở Hà Nội với 1/2,2, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GDĐT quận Hà Đông nêu quan điểm: "Quận đã triển khai các kế hoạch thi vào lớp 10 đến các hiệu trưởng. Tỉ lệ học sinh vào trường công lập thì tùy vào các quận, huyện nhưng nhìn chung là đúng theo tỉ lệ phân luồng vào các trường THPT với xu thế hiện nay có nhiều trường tư thục mở ra và cũng có nhiều ý kiến phụ huynh mong muốn cho con theo học các trường tư thục. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn được xây thêm các trường công lập nữa để học sinh có điều kiện theo học. Hiện tại quận Hà Đông có 3 trường THPT là Lê Quý Đôn, Quan Trung, Trần Hưng Đạo".

Ông Phạm Văn Ngát, Trưởng phòng GDĐT huyện Thanh Trì cho hay: "Từ lâu kỳ thi vào lớp 10 được quan tâm và lo lắng hơn cả thi đại học. Kỳ thi này, cha mẹ mong muốn và kỳ vọng các con được vào các trường công lập học tập. Vì vậy, năm nay tỉ lệ lấy học sinh vào các trường THPT công lập thấp hơn càng khiến tâm lý mọi người áp lực hơn". Huyện Thanh Trì hiện có 4 trường THPT công lập là Đông Mỹ, Ngô Thì Nhậm, Ngọc Hồi, Nguyễn Quốc Trinh.

Tại quận Cầu Giấy, năm 2022, có hơn 3.700 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 trong khi quận chỉ có 2 trường THPT, tổng chỉ tiêu 1.395. Tương tự, các quận khác cũng có số lượng ít các trường THPT công lập như quận Hoàn Kiếm có 2 trường, quận Ba Đình có 3 trường... trong khi số lượng thí sinh đăng ký thi gấp đôi.

Nói về kỳ thi lớp 10 này, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho hay, với tốc độ gia tăng dân số như hiện nay, ngay cả những học sinh có hộ khẩu ở Hà Nội, hệ thống các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu học tập của các em. Số còn lại sẽ theo học tại hệ thống trường ngoài công lập và trung tâm giáo dục thường xuyên. Thành phố đang đẩy mạnh việc đầu tư, xây dựng, quy hoạch trường học. Tuy nhiên, việc này cần có thời gian, lộ trình cụ thể.

Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết thêm, cuối tháng 5, Sở GDĐT Hà Nội sẽ công bố số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 của từng trường THPT công lập để học sinh xác định được tỉ lệ chọi.

Theo kế hoạch của Sở GDĐT Hà Nội, năm học 2023-2024, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sẽ diễn ra theo hình thức thi tuyển. Thí sinh sẽ phải thi 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ (thí sinh chọn một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn). Lịch thi diễn ra trong hai ngày 10 - 11/6.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem