Tích hợp 7 giấy phép môi trường: ĐBQH băn khoăn "1 cửa nhưng có đến 7 khóa"

Thành An Thứ năm, ngày 18/06/2020 18:30 PM (GMT+7)
Đại biểu Quốc hội cho rằng việc tích hợp "7 giấy phép môi trường trong 1" là "chính sách mang tính cách mạng", tuy nhiên, việc này có thực sự thuận lợi cho người dân không hay vẫn giữ "1 cửa nhưng có đến 7 khóa"?
Bình luận 0

Chiều 18/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) bày tỏ ý kiến tán thành sự cần thiết phải sửa đổi cho toàn diện với Luật Môi trường năm 2014 "khi thực tiễn đặt ra ngày càng nhiều vấn đề bức xúc, cấp bách cần phải giải quyết" như: môi trường nước ta ngày càng diễn biến phức tạp, chất lượng môi trường tại một số nơi vượt ngưỡng cho phép và thời gian qua cũng đã xuất hiện sự cố môi trường làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Về các quy định trong dự thảo luật, đại biểu Hoa Ry cho rằng nhiều quy định còn mang tính vận động, thuyết phục, hô hào và khá chung chung, cần phải có tiếp thu chỉnh sửa. Bà nói, chưa thực sự an tâm khi dự án luật này thông qua tại 2 kỳ họp, Quốc hội cần cân nhắc thêm.

Tích hợp 7 giấy phép môi trường: ĐBQH băn khoăn "1 cửa nhưng có đến 7 khóa" - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry - đoàn Bạc Liêu. (ảnh: quochoi.vn)

Về các chính sách mới, vị ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho rằng, báo cáo đánh giá tác động có 13 nhóm chính sách được đề xuất sửa đổi lần này nhưng để áp dụng trong thực tiễn phần lớn các chính sách này đều tăng thêm nguồn ngân sách và nhân lực nhưng không rõ phát sinh cụ thể ra sao.

"Đề nghị ban soạn thảo làm rõ thêm nguồn ngân lực và ngân sách phát sinh thêm để thực hiện các quy định mới để Quốc hội có cơ sở xem xét đánh giá và quyết định. Nhiều chính sách cũng chưa được làm rõ" - đại biểu Hoa Ry đề nghị.

Đáng chú ý, đại biểu là Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đánh giá cao việc dự thảo luật quy định tích hợp giấy phép, cắt giảm 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, đặc biệt tích hợp 7 giấy phép về môi trường thành 1 giấy phép chung.

Tuy nhiên, bà băn khoăn, vấn đề tác động đến môi trường liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành khác nhau, liệu quy định như vậy có đảm bảo về tiêu chuẩn và kỹ thuật chuyên môn và việc tích hợp giấy phép như vậy có thực sự thuận lợi cho người dân không hay vẫn giữ "1 cửa nhưng có đến 7 khóa" thì phải làm rõ.

Mặt khác, đại biểu Hoa Ry cho rằng, khi giao 1 đơn vị vừa cấp phép vừa là cơ quan kiểm tra, thanh tra thì đây là quy trình khép kín, có đảm bảo khách quan không hay quy định như vậy là "vừa đá bóng vừa thổi còi"?

Đóng góp ý kiến, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống cho thấy Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của nước ta. 

"Mỗi kỳ tiếp xúc cử tri, lần nào cũng vậy, đều có phản ánh của người dân rằng không thể đánh đổi môi trường nhưng cũng không thể gây trở ngại cho phát triển kinh tế" - ông Hòa nói.

Tích hợp 7 giấy phép môi trường: ĐBQH băn khoăn "1 cửa nhưng có đến 7 khóa" - Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - đoàn Bến Tre. (ảnh: quochoi.vn)

Đồng ý với đại biểu Trần Thị Hoa Ry, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng, việc tích hợp "7 giấy phép trong 1" là một "chính sách mang tính cách mạng".

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành để đánh giá những nội dung, thực hiện cấp phép duy nhất này được bao quát đầy đủ, không bỏ sót hành vi, kịp thời xử lý khi có vi phạm nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hiệu quả thanh tra, kiểm tra, xử lý về sau.

Ông Nhưỡng đặc biệt quan tâm đến hai vấn đề: Môi trường không khí ở đô thị và môi trường ở khu vực nông thôn, sản xuất nông nghiệp. Theo ông, cần quy định rõ chính sách bảo vệ môi trường ở các thành phố lớn, nhất là các nơi thường xuyên chịu áp lực ô nhiễm do khói bụi, trong đó cần quy định rõ tỉ lệ trồng rừng, tỷ lệ xây dựng công viên.

Tại khu vực nông thôn, sản xuất nông nghiệp, ông Nhưỡng cho rằng hiện nay tồn tại thực trạng sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu làm ô nhiễm đất và ô nhiễm nguồn nước mặt. "Nguồn nước này tiếp tục chảy xuống vùng chúng ta lấy nước sử dụng sinh hoạt" - ông nói và đề nghị phải có chính sách riêng để bảo vệ môi trường ở các khu vực đầu nguồn, kiên trì sử dụng phân bón hữu cơ.

Tranh luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng, vấn đề ô nhiễm thường xuyên có ý kiến kiến nghị cử tri và ĐBQH chất vấn Bộ trưởng TNMT, nhưng tất cả các ý kiến mới chỉ tập trung vào việc quy hoạch, xử lý như thế nào. Và chưa có ý kiến về trách nhiệm cử tri trong vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường.

Tích hợp 7 giấy phép môi trường: ĐBQH băn khoăn "1 cửa nhưng có đến 7 khóa" - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. (ảnh: quochoi.vn)

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà cho biết, Bộ luật Bảo vệ môi trường lần này ban hành phải mang tính khả thi và làm thay đổi tình trạng môi trường đang ô nhiễm hiện nay, đáp ứng nguyện vọng có bộ luật tốt để các dự án đầu tư mới được sàng lọc, bảo đảm cho sự phát triển tốt hơn.

Các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến rất chân thực, rất sát và phản ánh đúng với thực tế. Nhiều ý kiến, tiếp tục giúp Ban soạn thảo, cơ quan thẩm định tiếp tục tư duy, làm thế nào đó để khi Bộ luật này ban hành mang tính khả thi, làm thay đổi được tình trạng môi trường đang ô nhiễm, suy thoái như hiện nay.

"Tôi cam kết sẽ làm tốt nhất về vấn đề nếu khi môi trường xảy ra thì ai chịu trách nhiệm trước Quốc hội, sự phân công tham gia thì ai là chủ trì… ", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói và cho rằng các vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới, xuyên quốc gia như không khí, nước hay như vấn đề về như an ninh liên quan đến sinh học sẽ được nghiên cứu. Bộ sẽ mời chuyên gia nghiên cứu làm sao thể hiện rõ nét hơn, dựa trên một tính toán, dự báo cụ thể hơn để dự luật này hoàn thiện tốt nhất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem