Tiết lộ "gây sốc" về cách "xin lộc" bằng vàng mã mini
Tiết lộ "gây sốc" về cách "xin lộc" thời hiện đại bằng vàng mã tí hon, đặt vừa trong lòng bàn tay
Trung Hiếu - Thùy Anh
Thứ ba, ngày 07/01/2025 13:00 PM (GMT+7)
Một sản phẩm vàng mã nhưng chỉ đặt vừa trong lòng bàn tay, có kích thước nhỏ gấp 10 lần vàng mã truyền thống. Đây là mặt hàng được nhiều người dân sống ở chung cư ưu tiên lựa chọn để chuẩn bị cúng lễ trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới.
Vàng mã mini được người dân sống ở chung cư ưa chuộng dịp Tết Nguyên Đán. Clip: Trung Hiếu.
Tết Nguyên Đán 2025: Dân chung cư "đổ xô" săn lùng vàng mã mini vì lý do này
Một buổi chiều cuối năm Âm lịch, chị Phương Lan (36 tuổi, Thanh Xuân) có mặt tại một cửa hàng bán sản phẩm vàng mã mini ở Hà Nội. Chị tỉ mẩn chọn từng món để chuẩn bị cho những ngày lễ quan trọng trong dịp Tết Nguyên Đán 2025.
Nhấc một chú ngựa giấy nhỏ xíu với dáng đứng uy nghiêm, màu sắc rực rỡ lên và đặt trong lòng bàn tay, xoay qua lại để ngắm nghía từng chi tiết, chị Lan mỉm cười: “Bộ này tôi dự định để dùng cho ngày hóa vàng. Ngựa là biểu tượng cho sự may mắn, đi nhanh, mang điều tốt lành đến cho gia đình. Nhỏ thế này, đốt cũng không gây nhiều khói, rất phù hợp với nhà ở chung cư”.
Chuyển qua kệ bên cạnh, chị Lan tỉ mỉ chọn thêm một bộ đồ cúng Táo Quân gồm ba bộ quần áo giấy, mũ nhỏ cùng cá chép giấy. Cuối cùng, chị quay sang chọn thêm một bộ đồ để cúng giao thừa. “Dịp Tết năm nay, nghe một người bạn giới thiệu về sản phẩm này, tôi đã rất tò mò và tới xem thử. Tôi quyết định mua 1 lúc ba bộ về để sử dụng trong dịp Tết Nguyên Đán 2025 luôn.
Theo tôi, việc sử dụng vàng mã mini khi bày lên bàn thờ vừa đẹp, vừa nhỏ gọn, tiết kiệm được diện tích để bày những món đồ khác. Ngoài ra, khi hoá vàng sẽ không không khói bụi nhiều như vàng mã truyền thống. Điều quan trọng nhất là sản phẩm này phù hợp với môi trường sống ở chung cư như chúng tôi”, chị Lan chia sẻ thêm.
Tương tự chị Lan, anh Đức Bình (32 tuổi, Hà Đông) cũng quyết định lựa chọn sản phẩm vàng mã mini để sử dụng trong các dịp lễ lớn suốt 2 năm nay. “Gia đình tôi luôn duy trì các nghi lễ truyền thống. Nhưng thú thật, việc đốt vàng mã truyền thống ở chung cư rất bất tiện, thậm chí có thể gây ảnh hưởng đến hàng xóm. Từ khi biết đến vàng mã mini, tôi cảm thấy mọi thứ trở nên dễ dàng hơn”.
Cầm trên tay bộ vàng mã gọn nhẹ gồm ngôi nhà, vài xấp tiền, quần áo, anh Bình lần lượt thả vào lò. Ngọn lửa bùng lên nhanh chóng, chỉ trong khoảng 2 phút đã thiêu rụi tất cả. Anh Bình gật gù: “Nhanh gọn mà vẫn trọn vẹn ý nghĩa. Mỗi lần hoá vàng, tôi chỉ tốn một khoảng thời gian rất ngắn nhưng vẫn mang theo lòng thành kính gửi gắm đến tổ tiên”.
Theo khảo sát tại một cửa hàng chuyên cung cấp vàng mã tại Hà Nội, số lượng vàng mã mini bán ra đã tăng gấp hai lần so với năm trước. Chị Lê Thuỷ, chủ một cửa hàng ở quận Thanh Xuân cho biết: “Khách hàng của tôi chủ yếu là người ở chung cư. Họ thích sự tiện lợi, gọn nhẹ và vẫn giữ được ý nghĩa tâm linh khi dùng vàng mã mini”.
Chị Thuỷ chia sẻ, tất cả các sản phẩm vàng mã thu nhỏ đều được làm bằng giấy mỏng nhẹ, sạch, nói không với giấy bạc, không chặt che. “Vàng mã thu nhỏ được đóng thành hộp, mỗi hộp là một lễ. Mỗi sản phẩm có mức giá dao động từ 30.000 - 100.000 đồng.
Dịp cận Tết Nguyên Đán, các bộ vàng mã mini được ưa chuộng nhất là dành cho cúng Táo Quân và hóa vàng. Bộ Táo Quân thường được khách mua từ sớm, mỗi ngày tôi bán khoảng 5 - 7 bộ. Còn bộ hóa vàng, vào sát ngày lễ, có ngày bán tới 15 - 20 bộ”, chị Thuỷ nói thêm.
Bí ẩn đằng sau những món vàng mã mini: Quy trình sản xuất có gì đặc biệt?
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, anh Yến Năng - chủ một cơ sở vàng mã tại Hà Nội cho biết, anh cùng cộng sự đã sáng tạo, cho ra mắt thị trường sản phẩm vàng mã mini để phục vụ nhu cầu cúng lễ của người dân vào các dịp lễ trong năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên Đán. Theo anh Năng, sau 6 năm nghiên cứu, nhiều lần thất bại, đến nay việc sản xuất vàng mã thu nhỏ đã dễ dàng hơn nhiều.
“Quy trình sản xuất sản phẩm này gồm có 5 bước chính. Đầu tiên, tôi phải tìm hiểu kỹ về các bộ lễ truyền thống, đặc trưng và ý nghĩa của từng món đồ vàng mã. Sau đó, tôi vẽ nháp bằng tay, cắt dán thử để tạo mẫu ban đầu, điều chỉnh đến khi đạt được sự hài lòng. Tiếp theo là bước thiết kế kỹ thuật số, chỉnh sửa trên máy tính, xây dựng hoa văn, màu sắc và hoàn thiện thiết kế.
Các mẫu thiết kế sẽ được chuyển đến nhà in để thực hiện in ấn và bế gấp sản phẩm. Cuối cùng là bước gia công thủ công, chuyển sản phẩm in ấn về nông thôn, nơi người dân làm thêm thủ công theo hướng dẫn để hoàn thiện. Thực ra, người thợ chỉ cần tinh mắt và có một chút khéo léo là có thể hoàn thành một bộ sản phẩm đều tăm tắp trong thời gian ngắn” anh Năng chia sẻ.
Theo anh Năng, khi quyết định làm vàng mã mini, anh xác định rõ bốn mục tiêu: “Giảm thiểu nhược điểm của vàng mã truyền thống, gìn giữ giá trị tâm linh trong văn hóa người Việt, duy trì nguồn công ăn việc làm từ nghề làm vàng mã vốn đã tồn tại từ lâu đời và đưa sản phẩm dân gian vào thiết kế bài bản, chuyên nghiệp hơn”.
“Mọi người thường nói, tổ tiên chúng ta đã "về trời", tức là hoà với thiên nhiên, sông núi, cỏ cây, vạn vật. Tôi nghĩ rằng, tất cả những gì chúng ta làm tốt cho thiên nhiên, cũng là chúng ta đang hướng tới tổ tiên. Tôi mong muốn trong tương lai gần, các gia đình có thể tự gấp, tự dán các sản phẩm vàng mã mini. Đặc biệt, các bạn nhỏ sẽ được tiếp xúc và được chính tay mình làm ra sản phẩm tâm linh này để dâng cúng tổ tiên. Đó là một cách để các bạn nhỏ hiểu thêm về văn hoá dân tộc”, anh Năng tâm sự.
Theo TS. Hoàng Văn Chung (Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), đốt vàng mã là cách tỏ bày lòng biết ơn đối với các vị thần thánh, những người có công, ông bà, tổ tiên. Việc chúng ta ứng xử với thế hệ đi trước cũng là một cách để giáo dục cho thế hệ sau ứng xử tốt đẹp lại với chúng ta. “Lối sống biết tri ân, nhân nghĩa ấy góp phần xây dựng hành vi ứng xử tốt đẹp trong xã hội. Con người gửi gắm niềm tin rằng, thế lực tâm linh ấy sẽ giúp họ vượt qua những khó khăn, đạt được sự thịnh vượng trong cuộc sống”, ông Chung cho biết thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.