Tín dụng chính sách từ Ngân hàng CSXH giúp nông dân nghèo ở Ba Vì trồng chè, nuôi bò sữa
Tín dụng chính sách từ Ngân hàng CSXH giúp nông dân nghèo ở Ba Vì trồng chè, nuôi bò sữa, vươn lên khá giàu
Đức Thịnh
Thứ ba, ngày 16/08/2022 15:00 PM (GMT+7)
Trong suốt 20 năm qua, nguồn vốn ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Vì (Hà Nội) luôn đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu.
Ưu tiên vốn ưu đãi Ngân hàng CSXH cho vùng khó khăn
Chị Đinh Thị Hồng (dân tộc Mường, ở thôn 7, xã Ba Trại) là một trong những hộ thoát nghèo nhờ sử dụng hiệu quả vốn vay Ngân hàng CSXH. Chị Hồng cho hay: Từ năm 2011, gia đình chị được vay 20 triệu đồng vốn vay Ngân hàng CSXH, cộng với số tiền tích cóp được, gia đình chị mạnh dạn mở rộng diện tích trồng cây chè, xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Quyết định này vừa giúp các thành viên có việc làm ổn định, vừa đưa gia đình chị Hồng thoát khỏi diện hộ nghèo. Dù đã thoát nghèo, hiện nay, gia đình chị Đinh Thị Hồng vẫn tiếp tục được vay vốn ưu đãi với số tiền 50 triệu đồng để mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.
Cùng với chị Hồng, hàng trăm hộ nông dân ở xã Ba Trại cũng được Ngân hàng CSXH tiếp sức phát triển sản xuất. Ông Đinh Công Phu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ba Trại cho biết: Xã Ba Trại có truyền thống trồng chè đã từ lâu đời. Hiện, Ba Trại là vựa chè lớn nhất của huyện Ba Vì. Toàn xã hiện có 471ha diện tích trồng chè với hơn 3.000 hộ tham gia sản xuất, trong đó diện tích chè cho thu hoạch 436ha. Những năm qua, nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH đã đồng hành, tiếp sức cho bà con nhân dân xã Ba Trại phát triển nghề truyền thống địa phương, Hiện nay, cây chè trở thành cây trồng chính và là nguồn thu lớn nhất của người dân Ba Trại.
Vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của huyện Ba Vì từ 3% năm 2010 xuống còn 0,82% năm 2021.
Còn tại xã Yên Bài, chị Hoàng Thị Thủy là điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với mô hình nuôi bò sữa. Chị Thủy chia sẻ: Trước đây, gia đình chị rất khó khăn, thuộc diện hộ nghèo của xã, nguồn thu nhập chính của gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng. Năm 2008, gia đình chị Thủy được vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Ba Vì để mua 1 con bò sữa giống về nuôi. Sau 3 năm, chị đã trả hết nợ nhưng vẫn còn con bò đầu tư ban đầu. Chị tiếp tục vay 2 chu kỳ nữa với số tiền mỗi đợt từ 20 - 30 triệu đồng. Vốn vay lãi suất thấp, thời gian dài đã giúp gia đình chị phát triển từ 1 con bò ban đầu thành 3 con bò sữa; tạo nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống...
"Chưa dừng lại ở đó, nguồn vốn vay HSSV còn giúp hai con của tôi có điều kiện học lên đại học; mở ra tương lai tươi sáng cho tụi trẻ và cả gia đình"- chị Thủy cho biết thêm.
Trên 100.000 lượt hộ nghèo được vay vốn
Là huyện thuần nông, tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, những năm qua, huyện Ba Vì có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, lao động nông thôn thiếu việc làm cao nhất thành phố. Thực hiện mục tiêu rút ngắn khoảng cách chênh lệch về nhiều mặt giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, đồng thời không để người nghèo bị ở lại phía sau, huyện Ba Vì đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, đặc biệt hỗ trợ các xã miền núi phát triển toàn diện, bền vững. Trong nhóm giải pháp đã thực thi, việc ưu tiên cho người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi Ngân hàng CSXH mang lại những kết quả khả quan.
Giám đốc N gân hàng CSXH huyện Ba Vì Hoàng Văn Tứ cho biết, trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78 của Chính phủ, huyện Ba Vì đã tập trung nguồn lực tín dụng qua Ngân hàng CSXH. Từ 2 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu, đến nay, huyện Ba Vì đang triển khai 13 chương trình tín dụng chính sách cho vay, theo dõi và quản lý 17.370 khách hàng vay vốn.
Tổng doanh số cho vay trong 20 năm đạt 2.497 tỷ đồng, bình quân giải ngân 124,8 tỷ đồng/năm. Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn huyện đến 31/5/2022 đạt 852,6 tỷ đồng…
Trong 20 năm qua, đã có trên 100.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng CSXH. Trong đó có trên 36.800 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, 191 lượt hộ nghèo là người dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất được vay vốn ưu đãi để chuyển đổi nghề, phát triển sản xuất. Thông qua đó góp phần giúp cho gần 18.700 lượt hộ thoát nghèo.
Ngoài ra nguồn vốn chính sách còn thu hút tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho trên 33.000 lao động, giúp cho trên 16.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng. Đồng thời hỗ trợ cải tạo hơn 41.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ xây dựng 1.600 ngôi nhà cho hộ nghèo...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.