Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: Vùng đất cát khô cằn này bỗng trồng táo trái sai trĩu cành, cây rau thủy canh to bự
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: Vùng đất cát khô cằn này bỗng trồng táo trái sai trĩu cành, cây rau thủy canh to bự
Thứ sáu, ngày 25/12/2020 19:05 PM (GMT+7)
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp, nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn TT Long Hải (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã làm giàu trên vùng đất cát khô cằn này. Trong số này có mô hình trồng táo, trồng rau thủy canh...
Trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Hồng (SN 1962, khu phố Hải Điền, TT Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) chủ yếu trồng mì trên diện tích khoảng 1ha đất vườn.
Dù vất vả quanh năm nhưng vườn mì vẫn không đủ giúp ông trang trải cuộc sống gia đình.
Sau khi được tham quan một số vườn cây trái trong và ngoài tỉnh do các cấp hội nông dân tổ chức, ông Hồng quyết định cải tạo 2 sào đất cát pha để trồng thử nghiệm cây táo.
Những năm đầu, ông gặp một số khó khăn trong việc chăm sóc, trái táo bị rụng nhiều do sâu bệnh và thiếu nước tưới.
Không nản chí, ông Hồng chịu khó học hỏi kinh nghiệm trồng táo từ những người đi trước và nghiên cứu kiến thức từ mạng Internet, sách báo.
Ông Hồng từng bước tiếp cận kỹ thuật trồng táo, khắc phục được những hạn chế nêu trên. Nhờ đó, vườn táo đạt năng suất cao hơn, chất lượng trái tốt hơn.
Ông Hồng chia sẻ, cây táo trồng trên vùng đất cát cho trái giòn và ngọt hơn các loại táo trồng trên đất thịt, đất sét ở các tỉnh miền Tây.
Muốn cây cho trái to, da căng, mỏng và thu hoạch đúng thời vụ, trước khi vào mùa mưa khoảng 1 tháng, người trồng cần chủ động nguồn nước tưới và bón phân hữu cơ, nếu thiếu nước trong thời kỳ phát triển thì trái táo sẽ bị héo và rụng.
Đến nay, gia đình ông Hồng đã mở rộng diện tích trồng táo lên 5 sào, với 200 cây, năng suất bình quân từ 60-80kg/cây. 5 năm trở lại đây, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông Hồng thu lợi nhuận gần 200 triệu đồng từ vườn táo.
Có vốn trong tay, năm 2018, ông đầu tư hơn 100 triệu đồng để trồng hoa lan. Dịp Tết Canh Tý, vườn lan mang về cho gia đình ông thêm hơn 30 triệu đồng. Thừa thắng xông lên, ông đang chuẩn bị hơn 200 giò lan để phục vụ thị trường Tết Tân Sửu 2020 sắp tới.
“Nếu cứ trồng mì, trồng bắp, cuộc sống của gia đình tôi chắc không thể nào khá được như hiện nay, bởi mỗi năm chỉ thu chưa tới 15 triệu đồng/ha. Tôi đang phát triển thêm các loại cây ăn trái khác như ổi sẻ ruột đỏ, mận An Phước. Hiện nay, gia đình tôi thu nhập trên 300 triệu đồng/năm từ làm vườn, cuộc sống khấm khá hơn xưa nhiều”, ông Hồng vui vẻ nói.
Áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ
Ông Phan Tấn Nghiêm (SN 1966, khu phố Hải Điền, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) thì thành công với mô hình trồng rau thủy canh hồi lưu trên vùng đất dốc.
Ông Nghiêm cho biết, sau thời gian lên Đà Lạt để “tầm sư học đạo”, năm 2018, ông quyết định đầu tư hơn 200 triệu đồng làm 5 nhà kính (4mx42m/nhà kính), xây dựng bể lọc nước, lắp đặt hệ thống ống nước hồi lưu trên diện tích hơn 2.000m2 để trồng rau thủy canh và các loại quả, với mong muốn mang lại nguồn nông sản sạch phục vụ người dân.
Hiện, ông Nghiêm trồng các loại xà lách, rau dền, rau cải, rau muống, dưa leo, bầu, bí… mỗi ngày cho thu hoạch gần 100kg rau, quả các loại.
Để giới thiệu sản phẩm và cung cấp rau sạch cho nhân dân trong vùng và các trường học trên địa bàn huyện, ông Nghiêm còn mở cửa hàng rau Bảo Phúc tại chợ Mới - Long Hải.
Dù giá rau trên thị trường có biến động nhưng cửa hàng rau của gia đình ông Nghiêm vẫn có giá bán bình ổn 30 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông Nghiêm thu lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Văn Hồng và ông Phan Tấn Nghiêm là 2 nông dân tiêu biểu của thị trấn Long Hải, đã được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tặng Bằng khen giai đoạn 5 năm (2015-2020) trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.
Theo ông Nguyễn Thành Vân, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Long Hải (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), các mô hình trồng cây ăn trái, hoa lan, rau thủy canh…kể trên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân.
So với các địa phương khác thì số hộ thành công còn khiêm tốn, nhưng với điều kiện khắc nghiệt, nguồn nước tưới khan hiếm như Long Hải, các mô hình đó thực sự là hướng đi mới, đầy táo bạo và cần khuyến khích nhân rộng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.