Tổ chức đánh bắt trái phép hàng tấn cá giữa hồ Tây

Hồng Nhân Thứ tư, ngày 16/08/2023 09:52 AM (GMT+7)
Đêm xuống, nhóm người dùng nhiều thuyền lớn đánh bắt trái phép hàng chục, thậm chí hàng trăm tấn cá ở Hồ Tây suốt thời gian dài.
Bình luận 0

LTS: Được ví như “lá phổi xanh” của Thủ đô, hồ Tây có vai trò quan trọng trong việc điều hoà khí hậu, cảnh quan du lịch và là nơi bảo tồn hệ sinh vật đặc trưng có giá trị cao.

Chính vì thế, thành phố Hà Nội có nhiều biện pháp để bảo vệ và giữ gìn hệ sinh thái này, trong đó có việc được phép đánh tỉa cá có kế hoạch để duy trì sự cân bằng sinh vật sống trong hồ.

Thế nhưng gần đây nạn khai thác cá trái phép trên hồ Tây đang có dấu hiệu tăng trở lại. 

Điều đáng nói là bên cạnh việc đánh bắt tự phát nhỏ lẻ, còn có một nhóm người táo tợn, liều lĩnh dùng thuyền lớn đánh bắt trái phép hàng chục, thậm chí hàng trăm tấn cá ở Hồ Tây sau đó bán lại cho một công ty. Phóng viên Dân Việt đã theo dõi, ghi nhận bằng chứng của việc đánh cá trái phép ở hồ Tây trong thời gian qua.

Hồ Tây "rỉ máu", thuyền lớn quần thảo tận diệt cá - Ảnh 2.

Hình ảnh phóng viên ghi nhận việc đánh bắt cá trái phép trên hồ Tây bằng thuyền lớn.

Đánh bắt cá trái phép có tổ chức ở hồ Tây

PV Dân Việt nhận được phản ánh của người dân, khi đi qua hồ Tây vào buổi tối hoặc sáng sớm, thấy có thuyền đánh bắt cá với số lượng lớn, không rõ đây là của lực lượng chức năng hay hoạt động tự phát của người dân?

Mất nhiều thời gian tìm hiểu, chúng tôi làm quen được với Bá Hoàng - một người có sở thích câu cá để tìm hiểu về hoạt động đánh bắt cá ở hồ Tây. Hoàng chỉ chúng tôi khu vực bãi cỏ cạnh phủ Tây Hồ (thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) rồi bảo: “Sau lùm cây cạnh mặt nước có 4 - 5 con thuyền đang neo đậu, chờ tối là ra khơi đánh cá”.

Chúng tôi nửa tin nửa ngờ, bởi câu chuyện “cần thủ” câu trộm tại Hồ Tây là chuyện không hiếm gặp, thế nhưng việc đánh trộm bằng thuyền lớn là điều khó có thể nghĩ đến.

Hoàng dẫn chúng tôi đi sâu vào trong bãi cỏ, leo qua lan can để xuống sát mặt hồ Tây rồi đi bộ chừng vài trăm mét, tiếp cận khu thuyền neo đậu để tránh chú ý. Cả vùng này được che kín bởi cây cối, rất khó quan sát.

Hồ Tây "rỉ máu", thuyền lớn quần thảo tận diệt cá - Ảnh 3.

Khu vực neo thuyền được phủ kín sau lùm cây rậm rạp, có chòi canh gác. Ảnh phóng viên dùng máy ảnh chuyên dụng, chụp từ khoảng cách hơn 1km.

“Đoạn này có người và camera theo dõi, đi không khéo họ nhìn thấy”, Hoàng nói nhỏ.

Tại đây, phóng viên thấy các dụng cụ đánh cá nằm la liệt, mùi cá chết bốc lên nồng nặc. Khu vực này có 4 - 5 thuyền nhỏ neo sát nhau cạnh 1 thuyền lớn (sau này chúng tôi được biết thuyền này có nhiệm vụ thu cá đánh được - PV). Để tránh việc bị phát hiện, các đối tượng còn dựng 1 chòi nhỏ để quan sát và cắt cử người canh gác.

Theo lời kể của Hoàng, các đối tượng đánh bắt cá trái phép sẽ tập trung tại đây vào lúc 16 giờ - 17 giờ chiều hàng ngày và chuẩn bị dụng cụ, đến 19 giờ tối các thuyền nối đuôi nhau ra hồ đánh cá, khoảng 23 giờ sẽ quay lại đổ bán cho xe của lái buôn đã chờ sẵn trên bờ.

Quan sát được chừng 5 phút, Hoàng kéo chúng tôi đi vì ở lâu sợ có người phát hiện.

Những ngày cuối tháng 6/2023, phóng viên thường xuyên có mặt tại khu vực này để ghi nhận hoạt động đánh bắt cá trộm. Để tránh bị chú ý, chúng tôi phải dùng ống kính chuyên dụng và đứng cách xa địa điểm tập kết hàng trăm mét để theo dõi hành tung nhóm đối tượng này.

Hồ Tây "rỉ máu", thuyền lớn quần thảo tận diệt cá - Ảnh 4.

Nhóm người chuẩn bị dụng cụ để chuẩn bị cho chuyến đánh bắt.

Đúng như lời Hoàng kể, tầm 16 giờ chiều khi ngoài đường lớn tấp nập người qua lại, chỉ cách đó chừng vài chục mét, nhóm 3 - 4 thuyền viên ngang nhiên kháo nhau ra sát bờ hồ để soạn sửa lưới, vợt, lồng xếp, thúng... Thuyền lớn thuyền bé chuẩn bị cho chuyến đánh bắt vào buổi đêm.

Khoảng 18 giờ, một thuyền nhỏ lao vun vút, cắt ngang mặt nước hồ Tấy rồi khuất dần. Chừng 15 phút sau chiếc thuyền quay lại, chở khoảng hơn chục thanh niên thân hình vạm vỡ, trên người trang bị bao tay, ủng chuẩn bị cho chuyến đánh bắt.

Hồ Tây "rỉ máu", thuyền lớn quần thảo tận diệt cá - Ảnh 5.

Khoảng 18 giờ, một thuyền nhỏ lao vun vút, cắt ngang mặt nước hồ Tấy rồi khuất dần.

19 giờ, chiếc thuyền lớn nổ máy tiến ra giữa lòng hồ Tây rồi khuất trong bóng đêm. Một lúc sau, các thuyền nhỏ chở đầy lưới cũng xuôi theo dòng nước, tìm đến đúng vị trí để quăng lưới, tiếng máy nổ ngày càng nhỏ dần.

Thấy cảnh trên, 1 - 2 thanh niên câu cá gần đó đắc chí kêu lên như để khẳng định sự thật trong lời kể của mình: “Cậu thấy chưa, chúng tôi câu cho vui giải trí, chứ cá to, đánh bắt nhiều phải hỏi đội thuyền kìa”.

Hồ Tây "rỉ máu", thuyền lớn quần thảo tận diệt cá - Ảnh 6.

Nhóm người tập kết, chuẩn bị cho chuyến đánh bắt.

Từ ngày 19/9/2017, UBND TP Hà Nội đã có ban hành văn bản số 8866/VP-ĐT về xử lý việc nuôi, thả cá trên các hồ nội thành Hà Nội. Theo đó, UBND TP Hà Nội nghiêm cấm việc nuôi cá, câu cá, đánh lưới và các hoạt động đánh bắt tự phát khác tại các hồ do UBND TP Hà Nội quản lý.

Theo đó, hồ Tây nằm trong danh sách các hồ do UBND TP Hà Nội quản lý.

Ngay sau đó, ngày 17/11/2017, UBND quận Tây Hồ cũng có văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc nghiêm cấm nuôi cá kinh doanh, đánh bắt cá trái phép tại các hồ trên địa bàn quận do UBND TP quản lý.

Trong văn bản này, có nội dung nêu rõ: "Giao Ban quản lý hồ Tây phối hợp với các phường tuyên truyền tới tổ chức, cá nhân về việc nghiêm cấm nuôi cá kinh doanh, đánh bắt cá tại hồ Tây. Tăng cường công tác tuần tra và phối hợp xử lý các hành vi đánh bắt cá trái phép tại hồ Tây".

Hàng tấn cá bị đánh bắt trái phép, giao dịch và vận chuyển đi ngay trong đêm

Sau nhiều giờ quần thảo trên mặt nước hồ Tây, đến nửa đêm chiếc thuyền lớn nặng nề tiến vào bờ. Gần đến chỗ tập kết, để tránh sự chú ý, nhóm đối tượng tắt máy để thuyền trôi chậm, có vài người ngồi trước thuyền quan sát xung quanh. Thấy đã an toàn, những người này chong đèn, cân cá ngay trên mặt nước.

Cùng lúc đó, chiếc xe tải mang BKS 29H - 808xx, lao nhanh từ đường Đặng Thai Mai ra, tiến thẳng vào khu vực hồ Tây thuộc bãi cỏ phủ Tây Hồ.

Phía sau chiếc xe này đã để sẵn những chiếc thùng cỡ lớn để đựng cá. Chiếc xe này có trọng tải khoảng 7 đến 8 tấn.

Hồ Tây "rỉ máu", thuyền lớn quần thảo tận diệt cá - Ảnh 7.

Chiếc xe tải chờ sẵn chở cả bốc xong là chở vào Thanh Hóa.

Để có thể quan sát được cụ thể quá trình chuyển hàng, chúng tôi trong vai hai người câu cá tiếp cận mặt nước hồ Tây để chứng kiến nhóm người tiêu thụ số lượng cá vừa được đánh bắt trái phép. Theo đánh giá của phóng viên, sự việc này đã diễn ra trong suốt thời gian dài nên quy trình thực hiện được phân công rõ ràng và phối hợp khá chặt chẽ.

Theo ghi nhận của chúng tôi, con thuyền lớn được chia làm 4 khoang, các khoang đầy ắp cá mà các thuyền nhỏ vừa đánh bắt trộm về tập kết tại đây. Cá to nhỏ đủ loại nhưng nhiều nhất là cá mè hoa và cá trôi. Cá được chia rõ ràng, cá nhỏ phần nhiều được tập kết, cân và cho thẳng lên xe tải. Còn cá to để riêng, bán lại cho tiểu thương về làm chả hoặc đem ra chợ vào sáng hôm sau.

Hồ Tây "rỉ máu", thuyền lớn quần thảo tận diệt cá - Ảnh 8.

Con thuyền lớn được chia làm 4 khoang, các khoang đầy ắp cá mà các thuyền nhỏ vừa đánh bắt trộm về tập kết tại đây.

Một người dùng gậy đẩy cá vào sát thành khoang, nhóm 4 người thay nhau mang rổ xúc đầy rồi đặt lên cân. Trong lúc đó, một người đàn ông vừa nhìn cân vừa ghi chép tỉ mỉ, chiếc rổ cá rời cân và cho ngay lên thùng chiếc xe tải đã chờ sẵn.

Phải hơn một tiếng đồng hồ, quá trình bốc và cân cá mới được hoàn thành, dự kiến số lượng cá bị đánh bắt trái phép khoảng vài tấn.

Toàn bộ quá trình diễn ra một cách rất kín đáo và luôn có một người phụ nữ canh chừng cẩn thận. Men theo mép nước, chúng tôi tiếp cận được người phụ nữ này, ban đầu chị ta thoáng giật mình nhưng khi biết chúng tôi là người câu cá, người này không còn đề phòng mà kể về “thành quả” của cuộc khai thác hôm nay.

Hồ Tây "rỉ máu", thuyền lớn quần thảo tận diệt cá - Ảnh 9.

Nhóm đối tượng cân cá dưới mặt nước rồi bốc lên xe.

"Tối nào chả đánh. Nay chắc phải được đôi tấn. Muốn hỏi thêm thì bảo người khác, chị không phải là chủ", ngắt lời, người phụ nữ nhấc máy gọi ngay cho một người tên B.

Người phụ nữ cho biết thêm, cá đánh bắt ở đây chủ yếu là cá mè, ngoài ra còn có các loại như trắm, trôi, chép... đánh bắt xong thì phân loại. Sau khi cân thì cho lên xe đưa vào tận Thanh Hoá, còn giá cả tiền nong thế nào thì đội thợ thuyền không biết, chỉ làm xong rồi lấy tiền công, mọi giao dịch tiền nong chỉ có chủ là người nắm rõ nhất. 

Chúng tôi hỏi anh B. có hay ở đây không, chị ta không trả lời.

Để làm rõ ai là người đứng sau "hút máu" hồ Tây? Lợi nhuận từ việc đánh bắt này thế nào? Tiền chảy vào túi ai? Và ai là người được chia? Cơ quan chức năng quận Tây Hồ cần vào cuộc làm rõ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem