Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Thưa nhà báo Chu Chí Thành, những ngày này người dân cả nước đã tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng, nhiều người đã bày tỏ sự tiếc thương, chia sẻ nhiều câu chuyện cảm động. Là một người bạn học đã có thời gian dài gắn bó suốt 4 năm đại học với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chắc hẳn, ông cũng có nhiều cảm xúc đặc biệt?
- Anh Trọng là người đồng môn của chúng tôi từ sinh viên khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp, Hà Nội. Ra trường, anh công tác tại Tạp chí Cộng sản rồi trở thành Ủy viên Bộ chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đó là cả con đường thăng tiến vững vàng và đẹp đẽ. Những năm gần đây chúng tôi biết sức khỏe anh Trọng xuống dần, nhiều bạn bè lo lắng.
Tin anh Trọng mất đối với chúng tôi không phải đột ngột, bởi chúng tôi cũng tiên lượng trước vì chúng tôi tuổi đã cao. Thú thật, tôi thấy hụt hẫng nhưng không bi ai. Tôi nghĩ, trước khi từ trần, anh Trọng đã thanh thản vì đã hoàn thành được nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao cho.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được biết đến là nhà lãnh đạo có tâm, có tầm, hết lòng vì dân, vì nước. Vậy tuổi trẻ - những năm tháng trên giảng đường đại học, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người như thế nào, thưa ông?
- Chúng tôi vào đại học, lại học khoa Văn nên lúc đó vô tư lắm, chỉ nghĩ khi trưởng thành sẽ trở thành nhà văn hoặc người làm báo giỏi đã là mãn nguyện rồi. Không ai nghĩ sẽ có người làm chính trị. Mà ngay cả anh Trọng chắc cũng không nghĩ vậy. Thời sinh viên anh ấy cũng như các bạn khác, là một người hiền hậu, vui vẻ, chăm chỉ học tập và rất tích cực trong các công tác của lớp, của trường. Chúng tôi thấy rất gần gũi và yêu quý anh ấy.
Có một điều mà thế hệ chúng tôi luôn tự hào: Chúng tôi là thế hệ sống có lý tưởng, được Đảng và Nhà nước, gia đình giáo dục chỉn chu. Mà với thế hệ chúng tôi lý tưởng đơn giản lắm, đọng lại trong câu "Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước". Chúng tôi thấm nhuần tinh thần của Bác Hồ qua văn chương và câu chuyện của Bác, nêu cao tinh thần "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư". Anh Trọng là một trong những người nhập tâm và thu nhận sớm tư tưởng đó, anh ấy được kết nạp Đảng từ cuối năm thứ 4. Điều đó chứng tỏ anh ấy có sự nỗ lực rất lớn, còn chúng tôi cả chục năm sau mới được vào Đảng.
Theo ông, khi còn là sinh viên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện những tố chất đặc biệt nào của một nhà lãnh đạo?
- Lúc đó chúng tôi còn trẻ, anh ấy cũng bình thường như những sinh viên khác. Và tôi chỉ nghĩ anh ấy như một thầy đồ nho nhã, hiền lành, nhân hậu, tử tế. Khi ra trường công tác, anh Nguyễn Phú Trọng đã tiếp tục tu dưỡng, thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, học được những tác phong của Bác Hồ, ứng dụng vào sự nghiệp chính trị của mình và đã thành công.
Ngay cả khi đã làm lãnh đạo cấp cao, anh Trọng cũng rất khiêm tốn. Tại buổi họp lớp đầu xuân 2011 chúc mừng anh nhậm chức Tổng Bí thư, anh nói: "Trong lớp ta có những bạn giỏi hơn tôi và có những bạn đi B, đi C, chịu đựng gian khổ hy sinh hơn tôi nhưng các bạn vẫn ở vị trí công việc của mình, còn tôi hôm nay được thế này ngoài Đảng đào tạo, thầy cô dạy dỗ, các bạn làm gương thì còn có yếu tố may mắn". Anh ấy rất khiêm tốn chứ không nhận mình là người xuất chúng đặc biệt.
Chắc hẳn tuổi sinh viên, ông và các bạn học cũng có nhiều kỷ niệm sâu sắc?
- Anh Trọng học ở Tổ Văn học Việt Nam, còn tôi ở Tổ Văn học Trung Quốc. Tôi nhớ ngày chúng tôi sơ tán ở Đại Từ (Thái Nguyên), mỗi người ở một nhà, vất vả lắm. Lúc mới lên đó, chúng tôi phải chặt tre, chặt gỗ để dựng lớp và đóng bàn học bằng tre nứa. Anh Trọng lúc đó là cán bộ lớp, nhưng anh ấy không phải dân đồng rừng như tôi, anh là thanh niên ngoại thành Hà Nội nên không thể làm nhanh, vác nặng được. Khi bó nứa, cần phải bó chặt, anh nhỏ bé, lại yếu nên hầu như chúng tôi phải bó lại hộ. Bó xong, chúng tôi thả cả bó nứa lao xuống dốc. Sướng quá lại cười sảng khoái với nhau. Rồi khi phải gánh gạo từ bên kia suối Đôi về, phải đi một quãng đường rất xa, anh Trọng tham gia rất tích cực nhưng không quang thúng như chúng tôi, trông có vẻ thạo gánh gồng nhưng gánh nhẹ hơn nhiều sinh viên khác. Thời ấy chúng tôi sống vui lắm.
Sau này, khi Tổng Bí thư nắm giữ vị trí lãnh đạo với nhiều trọng trách, nhiệm vụ lớn lao, các ông có hay gặp nhau không?
- Tôi nhớ một kỷ niệm, khi tôi làm Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, tôi tiếp tục ý tưởng của các vị tiền bối đi trước là xây dựng Trung tâm lưu trữ và triển lãm chuyển giao ảnh nghệ thuật Quốc gia. Lúc đó xin đất để thực hiện được Trung tâm khó lắm. Tôi nhớ ngay đến anh Trọng lúc đó là Bí thư Thành ủy Hà Nội. Tôi đến gặp trình bày và muốn xin ý kiến ủng hộ. Anh Trọng bảo: "Không khó khăn gì chuyện này cả" và nói rất nhẹ nhàng. Tôi thở phào vì trước đó tôi nghĩ nặng nề lắm. Anh ấy bảo tôi về làm tờ trình rồi đưa đến cho anh ấy xem.
Khi tôi đến nhà riêng của anh Trọng, tôi hơi ngạc nhiên bởi sự bình dị của nó. Căn nhà này trước đây cụ Nguyễn Lương Bằng ở, giờ đến vợ chồng anh Trọng, chỉ đơn sơ như những căn nhà cũ của Hà Nội mà bố mẹ, vợ chồng chúng tôi vẫn ở thôi. Được cái là rộng rãi và mát mẻ. Lúc đó tôi mới hiểu sâu sắc cuộc sống của một người lãnh đạo như bạn mình.
Lại một lần khác, khi gặp gỡ, anh Trọng rất quan tâm hỏi tôi chuyện nhà cửa. Anh ấy hỏi "Cậu nhà cửa đã có gì chưa?". Lúc đó tôi đang xây nhà dở, nhớ đến căn nhà đơn sơ nơi anh ấy ở và tôi đùa lại "Cũng không thua gì Bộ Chính trị đâu". (cười)
Còn những lần họp lớp thì sao, thưa ông?
- Sau này, khi đã có tuổi, gần như năm nào chúng tôi cũng tổ chức họp lớp. Chúng tôi thống nhất cứ sau chủ nhật đầu xuân một tuần, gần rằm tháng Giêng sẽ gặp nhau. Chúng tôi đa phần ở Hà Nội, nhưng cũng có người ở miền Trung, TP.HCM, khi gặp nhau thì tay bắt mặt mừng thích lắm và gần như cuộc họp lớp nào anh Trọng cũng có mặt.
Chúng tôi biết anh Trọng và nhiều anh em khác làm việc đại sự bận lắm, họ không có nhiều thì giờ, khi họp lớp gặp nhau đã là quý rồi. Lúc gặp bạn bè anh ấy như mọi người, cũng tay bắt mặt mừng, cũng đóng quỹ lớp như anh em. Chúng tôi gặp nhau trò chuyện, cười nói, phần lớn là thăm hỏi sức khỏe, gia đình, nói về chuyện thời sinh viên.
Có lần chúng tôi họp lớp ở phố Hàng Bông, anh ấy không đi ô tô mà đi bộ vào ngõ. Không biết anh ấy nhờ ai chở đến hay đi xe ôm đến. Tác phong của anh ấy là vậy, luôn giữ cho mình công tư phân minh vì đây là đi việc cá nhân.
Lần khác, khi Ban liên lạc lớp chúng tôi tổ chức lên Thái Nguyên thăm lại khu mà chúng tôi học và ở khi sơ tán. Lúc từ Đại Từ trở về, Ban Liên lạc lớp có thông tin liên lạc trước với Tỉnh ủy, lúc đó Tỉnh ủy đã tổ chức tiếp đón. Anh Trọng lúc này tỏ ra không vừa ý, anh bảo: "Đây là việc riêng của lớp, mình đi thăm lại nơi sơ tán, sao lại liên hệ để Tỉnh ủy phải tiếp đón mình làm gì?". Thực tình anh ấy không thích phiền phức, khoa trương.
Anh Trọng không bao giờ biểu hiện sự xa lạ hay quan cách với bạn bè. Tôi nhớ năm 2018, chúng tôi gặp nhau. Lúc đó bạn bè ai cũng tuổi đã cao, tôi muốn lưu giữ lại những bức ảnh bạn học với nhau nên chủ động kéo các bạn ra chụp ảnh cùng, trong đó có anh Trọng. Khi gặp nhau chúng tôi không gọi nhau là mày- tao như thời sinh viên, thường gọi ông - tôi hay cậu - tớ, thân tình lắm. Anh Trọng cũng xưng hô như vậy, không quan cách nên bạn bè đều thoải mái không có gì phải ngại ngần.
Còn đối với các thầy, cô, anh Trọng luôn thể hiện sự trân trọng, thành kính, lúc nào cũng một câu, hai câu "Thưa thầy, thưa cô" rành rọt. Lần kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, có 2 vị khách mời được mời lên phát biểu là GS Hà Minh Đức và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trước mọi người, Tổng Bí thư vẫn nói "Thưa thầy Hà Minh Đức…", đó là phép tôn sư trọng đạo của anh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại một tấm gương liêm khiết, một khát vọng lớn. Ông luôn đề cao phẩm giá, đạo đức của con người trong thời gian làm lãnh đạo và có những câu nói đã trở thành triết lý. Vậy là một nhà báo, nhà nhiếp ảnh, ông đánh giá xã hội có những thay đổi nhận thức như thế nào đối với tư tưởng của Tổng Bí thư?
- Tôi nhớ, khi làm Tổng Bí thư, anh Trọng vẫn ở căn nhà mà tôi đã từng đến thăm thời anh là Bí thư thành uỷ Hà Nội, vẫn lối sống đơn giản như vậy. Đám cưới con gái đầu tiên của anh, anh ấy mời một số bạn bè đến dự, chỉ làm tiệc trà, không khí vui vẻ, đầm ấm. Vợ anh - chị Ngô Thị Mận là một cán bộ xuất thân từ gia đình cơ bản, tiếp thu được quan điểm, tính cách của chồng nên cuộc sống của vợ chồng anh rất êm đẹp, hoà thuận và giản dị. Tư tưởng, tình cảm của anh ấy cũng thấm nhuần với cả các con. Các con của anh Trọng là công chức bình thường. Anh Trọng không cậy quyền cậy thế để tìm vị trí tốt cho con mình, đó là sự thực.
Lối sống liêm khiết như vậy đã tạo nên con người anh Nguyễn Phú Trọng ngày hôm nay. Tôi nhớ có lần anh Nguyễn Đức Lượng (người bạn học cùng đại học, làm ở báo Nhân Dân - PV) thì thầm bên tai tôi: "Trọng mà làm Tổng Bí thư là cái phúc cho Đảng, cho dân đấy Thành ạ". Anh Lượng làm báo, nói riêng với tôi như vậy. Anh Trọng có sức hút và niềm tin đối với anh em, bạn bè lắm. Tôi vẫn dõi theo bạn mình sẽ làm thế nào và quả thực anh ấy đã làm rất tốt.
Là người thấm chất Văn học nhân văn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nét riêng mà người khác không có, anh nói năng nhỏ nhẹ, chậm rãi và đi đúng trọng tâm vấn đề, không đao to búa lớn. Trong các cuộc tiếp xúc với cử tri, dân chúng hay tại hội nghị, anh ấy hay vận dụng ca dao tục ngữ, kể cả truyện Kiều để diễn đạt được ý định của mình, đây là điều khiến chúng tôi tự hào. Dân học Văn biết cách trình bày, nói năng có tình có lý, thuyết phục người dân, khiến người dân ghi nhớ. Đấy là nét văn hóa của người con đất Việt lớn lên từ những vần ca dao của mẹ, với xuất phát từ lòng yêu văn chương, làm báo chí, rồi trở thành nhà chính trị. Nhưng cái thấm nhất là anh Nguyễn Phú Trọng học được từ Bác Hồ với những câu triết lý, cách xử lý hợp tình hợp lý. Cẩm nang nghiên cứu về xây dựng Đảng đã giúp anh thành công từ học lý thuyết đến vận dụng thực tế. Trong 13 năm anh ấy lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trật tự xã hội được ổn định, quan hệ quốc tế được mở rộng, đó là thành công của anh Nguyễn Phú Trọng. Giờ đây khi anh ấy nằm xuống, nhiều người dân cũng nhận ra những điều đó, vận dụng triết lý đó, đây là công tác chính trị mang đầy tính nhân văn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cống hiến cho Đảng, cho dân đến giây phút cuối cùng của cuộc đời. Hình ảnh đó đã chạm vào cảm xúc của nhiều người. Còn với ông - với tư cách của một bạn học, ông suy nghĩ thế nào?
- Khi anh Trọng được bầu làm Tổng Bí thư cũng đã gần 70 tuổi. Như tôi lúc đó nghỉ thảnh thơi rồi dù tôi vẫn công tác cho vui, không bị gò bó vào giờ hành chính, không bị sức ép với các công việc. Còn anh ấy thì khác, anh ấy làm công việc đối nội, đối ngoại, lại đương đầu với đấu tranh chống tham nhũng căng thẳng, phức tạp. Khi vào bệnh viện các cấp dưới vẫn đến xin ý kiến, phải phê duyệt những việc hệ trọng quá là mệt mỏi. Cá nhân tôi thương bạn lắm. Không phải quyền cao chức trọng sung sướng đâu, nặng nề lắm. Tôi vẫn nhớ câu của bố tôi, ông là cán bộ kháng chiến ở Võ Nhai, Thái Nguyên. Ông bảo "Càng cao chức trọng càng dầy gian nan". Tôi thấy thấm thía với bạn mình thật. Nói thật lòng, thương bạn không phải tôi mà cả người dân họ cũng thấy thế. Tinh thần chiến đấu của người Cộng sản, đằng sau dáng vẻ của "ông đồ Kinh Bắc" thì là lập trường kiên định của anh Nguyễn Phú Trọng, sự kiên định ấy đã giữ anh ấy vững vàng đến giây phút cuối cùng.
Chúng tôi nghĩ một điều thế này, anh Trọng trọn vẹn một đời phấn đấu làm việc theo tấm gương tư tưởng đạo đức tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đấy là điều chúng tôi trân quý ở bạn mình. Dù đã từ trần nhưng nhân dân Việt Nam vẫn nghĩ đến vị Tổng Bí thư với tình cảm thương mến, chân thành. Tình cảm ấy là phần thưởng cao đẹp cho người bạn của chúng tôi.
Khoa Ngữ văn 8 của các ông năm đó ngoài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có nhiều người thành công không?
- Nói đến chuyện này tôi lại nhớ câu nói của GS Hà Minh Đức (thầy giáo chủ nhiệm 4 năm đại học-PV) khi anh Nguyễn Phú Trọng nhậm chức Tổng Bí thư. Cụ nói như thế này:
Lớp Văn 8 các anh là lớp đặc biệt, đặc biệt thứ 1 là lớp đông quá, có tận 120 người trong khi lớp khác chỉ có 50 người. Vì sao đông như vậy? Năm đó có biến động ở Liên Xô và Đông Âu nên nhà nước rút học sinh về... Thứ hai, các anh là những sinh viên lên rừng chặt nứa chặt tre xây dựng trường sở, ăn ở với dân gian khổ nhưng có lợi thế, biết được thực tế và sống trong dân. Thứ ba, các anh là một lớp học giỏi vì năm đó tuyển sinh kỹ càng nên có nhiều người tài là phải. Thứ tư, điển hình trong lớp có một Tổng Bí thư là rất hiếm.
Chính vì vậy chúng tôi rất tự hào về lớp Ngữ văn của mình. Lớp tôi sau khi ra trường có nhiều người làm báo, có người viết văn, có nhiều người có vị trí quan trọng trong các cơ quan báo chí lớn như Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá trung ương, Phó Tổng giám đốc đài Tiếng nói Việt Nam; Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Phó Tổng Biên tập báo Lao Động…
Tôi cũng được biết sau khi tốt nghiệp đại học, ông vào làm ở TTXVN, trở thành làm phóng viên ảnh nổi tiếng, rồi làm Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam?
- Tôi được TTXVN tuyển chọn và đi học lớp viết báo trong 6 tháng, trong đó có 3 tháng học về ảnh. Tôi nghĩ khi tôi đi B (chiến trường miền Nam-PV) thì với trí nhớ của mình và bút ghi thì không thể bao quát hết được thực tại, nếu có máy ảnh trong tay tôi chụp được nhiều sự kiện, sự việc và con người làm tư liệu. Nghĩ như vậy nên tôi chuyển sang học chương trình ảnh thông tấn.
Tuy nhiên, lúc mãn khoá, Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc ác liệt nên cơ quan Thông tấn đã giữ lại non nửa phóng viên ảnh ở miền Bắc. Tôi được phân công vào Tổ ảnh quân sự thuộc Phòng Chính trị ngoại giao. Tôi được giao nhiệm vụ chụp ảnh hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp đón đoàn và đi với các vị lãnh đạo. Các trận chiến từ Hà Nội đến Vĩnh Linh, các đoàn xe vận tải vào Trường Sơn tôi đều đi theo.
Là một phóng viên chiến trường, những kỷ niệm tác nghiệp nào đã khiến ông vẫn ám ảnh đến giờ?
- Năm 1968, tôi vào Khu Bốn bắt đầu chụp ảnh chiến tranh, đó là năm Mỹ ngừng ném bom ngoài Bắc và tập trung đánh phá từ Nghệ An trở vào. Khi chúng tôi đi xe đạp từ Hà Nội vào khu Bốn, đến Cầu Cấm (Nghệ An) gặp máy bay Mỹ trút bom xuống trận địa. Đã từng chụp ảnh chiến tranh, nhưng tôi chưa thấy trận nào dữ dội như ở đây. Sống và chết đôi lúc chỉ cách nhau một nhịp bom rơi, một làn đạn lạc. Thật kỳ lạ, giữa mưa bom bão đạn, các chiến sĩ ta vẫn bình tĩnh quay pháo lấy tầm, lấy hướng đợi lệnh đại đội trưởng phất cờ là nổ súng...
Tôi may mắn được tiếp cận với thực tế sôi động của đất nước và mình trở thành người ghi sử bằng hình ảnh. Những bức ảnh mà tôi và rất nhiều phóng viên chiến trường lúc đó đã ghi lại là tài liệu lịch sử nhưng mang giá trị thẩm mỹ rất cao. Với báo chí, sự thật là quan trọng nhất. Chính sự thật sẽ rung động trái tim dù là quá khứ, hiện tại hay tương lai.
Bức ảnh "Hai người lính" ở hai chiến tuyến khoác vai nhau đã mang lại giải thưởng lớn cho ông trong sự nghiệp nhiếp ảnh của mình. Ông đã "chớp" khoảnh khắc đó như thế nào?
- Tôi đoạt 2 giải thưởng về nhiếp ảnh. Một giải thưởng nhà nước về đề tài trao trả tù binh năm 1973 với tác phẩm "Từ ngục tối thắng lợi trở về". Năm 2022, tôi nhận thêm Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật với tác phẩm "Hai người lính". Trong nghề nghiệp của mình, đó cũng gọi là có chút thành công.
Về tác phẩm "Hai người lính", tôi có kỷ niệm thế này. Lúc đó trước khi biết tin tôi phải đi xa, tôi tổ chức vội đám cưới và sau 20 ngày thì được lệnh vào Quảng Trị. Khi được tin Hiệp định Paris ký kết, là phóng viên ảnh tôi được Thông tấn xã cử đi vào Quảng Trị để làm nhiệm vụ phản ánh tình hình thực tế ở đó, có hai việc chính: Một là ghi lại trung thực cuộc trao trả tù binh lớn nhất trong lịch sử chiến tranh tại Việt Nam, hai là tìm hiểu về việc thi hành Hiệp định Paris ở những nơi giáp ranh được thực hiện như thế nào.
Vào khoảng cuối tháng 3/1973, chúng tôi đến vùng giáp ranh ở chốt Long Quang thuộc xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đến nơi, tôi đã rất bất ngờ khi thấy một tốp lính Sài Gòn sang địa phận quân giải phóng để chơi, và mấy anh bộ đội của ta ra đón, họ bắt tay, bá vai, hồ hởi nói chuyện rất thân thiết. Tôi rất ngỡ ngàng vì tưởng như chuyện đùa.
Khi thấy hình ảnh những người lính Sài Gòn còn bắt tay với các cô du kích của xã Triệu Trạch, tôi ngạc nhiên quá vì một bên là địch, một bên là ta, tại sao lại thân thiện thế? Và tôi đã bấm máy chụp lập tức cảnh các chiến sĩ, nữ du kích của ta bắt tay với những người lính Sài Gòn.
Khi tôi chụp, tự nhiên có một người lính Cộng hòa gọi tôi bảo chụp cho anh ta một bức ảnh kỷ niệm với lính giải phóng. Tôi vui vẻ nhận lời và khoảnh khắc họ khoác vai nhau đã được ghi lại.
"Hai người lính" đã trở thành một lời "tiên tri" cho ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 2 năm sau đó?
- Khi ấy, tôi đã thấy một thời khắc đặc biệt. Dường như, họ không còn là những đối thủ trên chiến trường nữa mà hóa thành bè bạn. Khi chụp xong bức ảnh đó, tôi cảm thấy đây là một minh chứng sinh động cho ước vọng hòa bình, thống nhất đất nước. Thế nhưng vì cuộc gặp diễn ra nhanh quá tôi không kịp ghi lại thông tin của anh lính này.
Sau này, một sự tình cờ, ông gặp lại "Hai người lính" này khi họ gặp lại nhau?
- Thời gian đã trôi qua, dấu tích tan hoang của bom đạn không còn nữa, và người ta có thể quên đi mọi chuyện. Bức ảnh "Hai người lính" cũng có số phận riêng, chìm nổi như người trong ảnh, có lúc tưởng như nó đã mất hẳn. Vào thời điểm ra đời, bức ảnh này từng không được phát hành bởi khi ấy nội dung tấm hình khá nhạy cảm.
Tôi phải đợi đến 45 năm sau mới có cuộc hội ngộ với những nhân vật trong bức ảnh. Qua một sự kết nối của truyền thông, chúng tôi gặp nhau. Và khi gặp gỡ, tôi có được chụp lại khoảnh khắc nhiều năm sau, khi 2 người lính ở 2 đầu chiến tuyến năm xưa gặp lại. Đó là chiến sĩ quân giải phóng Nguyễn Huy Tạo và người lính Việt Nam Cộng hòa Bùi Trọng Nghĩa.
Ông Nguyễn Huy Tạo, người Hà Nội, đã về hưu với cấp bậc thượng tá. Ông sống cuộc đời bình lặng bên người thân, bạn bè. Còn ông Nghĩa, sau khi đất nước giải phóng, ông Nghĩa làm đủ nghề, kể cả những việc thu nhập thấp như chở đồ, khuân vác. Hiện ông sống ở quận 7, TP.HCM.
Là một thế hệ phóng viên chiến trường đã rất thành công, ông nghĩ như thế nào về thế hệ nhiếp ảnh trẻ hiện nay?
- Tôi nghĩ giai đoạn nào sẽ có những người nghệ sĩ của giai đoạn đó. Với trách nhiệm của những người đi trước, chúng tôi đã hoàn thành tốt việc ghi lại những khoảng khắc, hình ảnh trong chiến tranh và xây dựng hòa bình. Lớp trẻ hiện nay thông minh lắm, họ biết vận dụng khoa học kỹ thuật, có một chân trời rộng mở với những dòng ảnh khác nhau.
Tôi tin rằng các bạn trẻ bây giờ còn phát triển hơn chúng tôi ngày xưa bởi các bạn có điều kiện học hành, giao tiếp rộng, có phương tiện máy móc tốt, có những thông tin về nghiệp vụ nhiếp ảnh thường xuyên.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.