Tổng cục Du lịch nói gì về mua bảo hiểm bắt buộc, xét nghiệm là rào cản thu hút khách quốc tế
Tổng cục Du lịch nói gì về mua bảo hiểm bắt buộc, xét nghiệm là rào cản thu hút khách quốc tế đến Việt Nam
Thanh Hà
Thứ hai, ngày 21/02/2022 14:55 PM (GMT+7)
Ngày 21/2 Tổng cục Du lịch đã thông tin tới báo chí về đề xuất phương án lộ trình đón khách du lịch quốc tế sau ngày 15/3. Theo đó, báo Dân Việt đã đặt hai câu hỏi: Liệu yêu cầu mua bảo hiểm ở mức tối thiểu 10.000 USD và xét nghiệm Covid-19 có phải là rào cản thu hút khách quốc tế đến Việt Nam?
Khách du lịch quốc tế không cần chi tiêu hết 10.000 USD
Theo đó nội dung đề xuất phương án lộ trình được đưa ra, hai trong số mấy yêu cầu đối khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 10.000 USD và đối với khách du lịch quốc tế đến bằng đường hàng không: Có kết quả xét nghiệm âm tính bằng RT-PCR (72h) hoặc xét nghiệm nhanh (24h) trước khi đến Việt Nam.
Báo Dân Việt đã đặt câu hỏi, liệu hai yêu cầu này có là rào cản để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam hay không, bởi nhìn ra các nước trên thế giới rất nhiều nước không yêu cầu mua bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 10.000 USD cũng như đã có ít nhất 10 nước không yêu cầu khách du lịch quốc tế phải xét nghiệm Covid-19 khi đến đất nước họ, và điều này đã khiến rất nhiều du khách hào hứng?
Ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch đã trả lời: "Hiện nay tại một số nước, việc đón khách quốc tế họ yêu cầu du khách phải tiêm chủng đủ, test Covid, thậm chí còn có những yêu cầu nghiêm ngặt hơn. Việt Nam đã được tiêm chủng và độ phủ vắc xin trên toàn dân là rất cao. Ngoài ra, chúng ta cũng đã có kinh nghiệm phòng, chống dịch Covid-19, vì vậy chúng ta bắt buộc phải có quy định test trước, sau đối với du khách quốc tế để đảm bảo yếu tố an toàn. Chúng ta đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu.
Về yêu cầu du khách quốc tế phải có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 10.000 USD. Để hiểu đúng, trên thực tế, yêu cầu này không bắt buộc du khách quốc tế phải tiêu hết 10.000 USD. Mà mỗi ngày trung bình du khách có thể chi tiêu hết 1 đến 2 USD.
Mệnh giá tối thiểu 10.000 USD để chi trả cho việc chữa trị Covid-19 không đáng là bao. Ví dụ du khách sang Việt Nam 15 ngày, mỗi ngày chi tiêu hết 1,5 đô la Mỹ thì thực sự 15 ngày là vài chục đô, con số nhỏ. Hơn nữa chúng tôi cũng đã tham khảo các chuyên gia y tế đến thời điểm hiện tại việc chi trả chữa Covid-19 không còn như thời kỳ đầu cách đây hai năm.
Vì vậy để mở cửa hoạt động du lịch quốc tế được an toàn bắt buộc chúng ta phải yêu cầu du khách test Covid-19 đồng thời mua bảo hiểm".
Mở cửa du lịch quốc tế và nội địa: Mất cân bằng trong các chuyến bay quốc tế bởi hộ chiếu vắc xin
Cũng tại buổi thông tin đến báo chí, ông Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ về kế hoạch cho việc mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế và nội địa vào ngày 15/3.
"Được sự thông qua và ủng hộ của Chính phủ, hoạt động du lịch quốc tế sẽ chính thức mở cửa từ ngày 15/3. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã giao Bộ VHTTDL, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các bên liên quan xây dựng lộ trình mở cửa đảm bảo khoa học, an toàn và hiệu quả.
Đến thời điểm hiện tại, toàn ngành du lịch đã sẵn sàng và tiến hành hoàn thiện tất cả các khâu để mở cửa du lịch trong tình hình mới. Trong quá trình chuẩn bị này, việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch luôn được đặt lên hàng đầu. Bởi đây là yếu tố tiên quyết cho hoạt động mở cửa trở lại.
Mặc dù công tác phòng chống dịch bệnh đang được thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần cẩn trọng trước những nguy cơ. Trong đó nguy cơ về những biến chủng mới của dịch bệnh là rất nguy hiểm. Đồng thời, sự chênh lệch về mức độ bao phủ vắc xin giữa các địa phương và độ tuổi. Sự khác biệt giữa các địa phương trong công tác phòng chống dịch cũng là điều cần sớm thống nhất.
Về vấn đề mở cửa và khôi phục các đường bay, chúng ta đã tiến hành thí điểm và tiến tới dỡ bỏ mọi rào cản các chuyến bay quốc tế từ 15/3. Các chuyến bay trong nước cũng được khôi phục và hoạt động trở lại bình thường. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để ngành du lịch giao thương.
Tuy nhiên, trong bối cảnh mới thì vai trò và sự kết hợp giữa ngành hàng không và đơn vị du lịch là yếu tố vô cùng quan trọng. Trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với ngành Hàng không để trao đổi, thống nhất và hợp tác chặt chẽ.
Cùng với phương án mở cửa du lịch, Bộ VHTTDL đã ban hành văn bản số 464 để báo cáo Chính phủ và xin phép áp dụng quy định, chính sách thị thực nhập cảnh với khách quốc tế như trước thời điểm dịch bệnh. Đây là chính sách cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến của chúng ta.
Tiếp theo là vấn đề hộ chiếu vắc xin của hành khách. Hiện nay, chúng ta đã công nhận hộ chiếu vắc xin của 79 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên mới chỉ có 14 quốc gia trên thế giới công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng của chúng ta.
Do đó, hoạt động du lịch đi ra nước ngoài của chúng ta sẽ bị hạn chế. Điều đó dẫn đến sự mất cân bằng trong các chuyến bay quốc tế.
Chúng ta đều biết rằng chỉ khi nào lượng khách đi và về ở mức cân bằng thì mới có thể đảm bảo hoạt động đón khách quốc tế bằng đường hàng không diễn ra ổn định và hiệu quả. Đây là vấn đề cần sớm được thúc đẩy và sẽ là nhiệm vụ ưu tiên khi ngành du lịch kết hợp với Bộ Ngoại giao trong thời gian tới.
Để đảm bảo hoạt động mở cửa trong bối ảnh mới, chúng ta tiếp tục phải quan tâm đến chất lượng cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Bởi lẽ trong thời gian qua, các cơ sở vật chất không được sử dụng có thể bị xuống cấp, cần được đầu tư, hoàn thiện lại.
Bên canh đó, yếu tố nhân lực có chuyên môn, được đào tạo bài bản đã bị phân tán do dịch bệnh. Do đó, trong thời gian tới cần phải tập hợp lực lượng nhân lực và duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất.
Để khắc phục điều này, chúng tôi tiếp tục tham mưu tới Bộ VHTTDL để tiếp tục thực hiện những chính sách ưu tiên và giúp đỡ các doanh nghiệp du lịch trong quá trình hồi phục, xây dựng cơ sở vật chất. Đồng thời tích cực khuyến khích người lao động trong ngành quay trở lại làm việc và tiến hành bồi dưỡng, đào tạo thêm nguồn nhân lực mới.
Cùng với đó, ngành sẽ phối hợp với các địa phương để khảo sát cơ sở vật chất, tiến hành khôi phục và chuẩn bị tốt nhất cho hoạt động mở cửa. Bên cạnh đó là kết hợp với địa phương nhằm tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, người lao động địa phương đó có thể sớm phục hồi và đi vào hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất.
Tiếp đó, cần nâng cao chất lượng cạnh tranh điểm đến và sản phẩm du lịch. Có thể thấy rằng hiện nay, các quốc gia đều đang nỗ lực mở cửa trở lại. Do đó, sự cạnh tranh trong giai đoạn này là điều tất yếu và đòi hỏi các quốc gia phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Trong thời gian qua, chúng ta may mắn nhận được sự giúp đỡ của phái đoàn liên minh châu Âu tại Việt Nam đã tạo ra bộ chỉ số năng lực đánh giá điểm đến du lịch của Việt Nam đã được ra đời và áp dụng tại 15 địa phương trọng điểm. Đây là công cụ để các địa phương tìm hiểu, khai thác và nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương mình.
Cuối cùng, cần nâng cao công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch. Trong thời gian qua, mặc dù hoạt động du lịch có dấu hiệu trầm hơn do dịch bệnh nhưng công tác truyền thông, quảng bá vẫn được duy trì. Nhờ đó, thông tin tìm kiếm về du lịch Việt Nam đã được nâng cao. Đồng thời chúng ta cũng tạo nên uy tín bằng những giải thưởng trong năm 2021. Đây là những điểm thuận lợi trong quá trình mở cửa du lịch Việt Nam.
Trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ tiếp tục triển khai xúc tiến quảng bá chương trình "Live fully in Việt Nam". Các hoạt động truyền thông, quảng bá trên nền tảng số cũng được triển khai tích cực. Đồng thời ngành du lịch sẽ tích cực tham gia các hội chợ quốc tế lớn như Đông Bắc Á, Tây Âu, Nga...
Bên cạnh đó là làm việc với các kênh truyền thông lớn như CNN, CNBC... để quảng bá du lịch Việt Nam tới các thị trường tiềm năng. Cùng với đó, ngành du lịch sẽ kết hợp với các cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài để phối hợp truyền thông, đưa tin để du khách quốc tế biết đến hoạt động mở cửa của địa phương.
Cũng khuyến khích các địa phương chung tay quảng bá, truyền thông cùng Tổng cục Du lịch trong thời gian tới. Các địa phương sẽ tiếp tục đón khách nội địa một cách hiệu quả và tiến tới đón khách quốc tế trong thời gian sớm nhất".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.