TP.HCM: Biến bãi rác thành các khu đô thị

Hồ Văn Thứ bảy, ngày 10/08/2019 14:23 PM (GMT+7)
TP.HCM đã và đang lên các phương án kêu gọi đấu thầu việc xử lý các bãi rác chôn lấp đã đóng cửa. Việc xử lý cũng nhằm cải tạo lại các khu đất chôn rác này nhằm tạo quỹ đất để TP xây dựng các khu đô thị mới.
Bình luận 0

Sáng 10/8, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã chủ trì buổi tiếp xúc, lắng nghe doanh nghiệp và các sở, ngành đề xuất giải pháp xử lý các bãi rác chôn lấp lâu năm.

img

Rác đang là nỗi ám ảnh của người dân, mà chính quyền TP.HCM đang đau đầu tìm hướng xử lý. Ảnh: TL

Theo báo cáo của Sở TN-MT TP.HCM, hiện TP có 2 bãi rác đã đóng cửa hơn 10 năm, đủ điều kiện để xử lý rác tại đây.

Đó là bãi chôn lấp rác Đông Thạnh (quận Hóc Môn) với diện tích 20ha, khối lượng chôn lấp 10.800.000 tấn đã đóng cửa từ năm 2002, và bãi chôn lấp rác Gò Cát (quận Bình Tân), diện tích 17,5ha, khối lượng chôn lấp 5.600.000 tấn, đóng cửa năm 2007.

Sở TN-MT cũng cho biết đã tiếp xúc với 1 nhà đầu tư tham gia cải tạo bãi chôn lấp rác Gò Cát và 8 nhà đầu tư tham gia cải tạo bãi chôn lấp rác Đông Thạnh. “Khi có chủ trương, Sở TN-MT sẽ xây dựng tiêu chí đấu thầu để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia cải tạo các bãi chôn lấp rác cũng như phương án thu hồi vốn sau cải tạo”, đại diện Sở TN-MT cho biết.

img

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, TP.HCM phải nhanh chóng áp dụng công nghệ đốt rác thành điện năng để làm sạch ô nhiễm môi trường từ rác. Ảnh: HV

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, TP.HCM không thể để bế tắc kéo dài trong việc xử lý các bãi chôn lấp rác cũng như xử lý ô nhiễm môi trường tại đó. Xử lý các bãi chôn lấp rác phải ưu tiên xử lý bằng công nghệ đốt tạo điện năng hay sản xuất các chế phẩm khác từ rác.

Người đứng đầu Thành uỷ cũng cho biết trong tháng 9 và tháng 10 phải triển khai lắp đặt hai nhà máy đốt rác, mỗi ngày xử lý khoảng 9.000 tấn và đến năm 2025 thì xử lý được toàn bộ rác bằng công nghệ đốt. “Hàng triệu tấn rác chôn lấp vừa gây ô nhiễm môi trường vừa chiếm dụng đất. Nếu xử lý bằng công nghệ đốt, làm sạch rác thì các khu đất này sẽ trở thành công viên cây xanh hay các khu đô thị”, ông Nhân nói.

img

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan, việc xử lý rác, cải tạo bãi chôn lấp để tạo quỹ đất sạch nhằm chỉnh trang đô thị TP, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: HV

Còn theo Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan, việc xử lý các bãi chôn lấp rác phải đi liền với chỉnh trang đô thị. TP.HCM có chủ trương xử lý các bãi rác nhằm thu hồi lại quỹ đất (từ các bãi chôn lấp rác) để xây dựng các khu đô thị cho TP.

Theo ông Hoan, nhận thức của Chính quyền TP trong vấn đề xử lý rác đã có chuyển biến. “Trước đây, nhận thức của TP chỉ là chôn lấp rác, gần đây nhận thức đã khác về vấn đề này khi nhận ra rằng, ngoài xử lý rác bảo đảm môi trường thì còn đem lại hiệu quả kinh tế từ vấn đề xử lý”, ông Hoan cho biết.

img

Đại diện Công ty Huy Hoàng Eco đang thuyết trình phương án xử lý rác và cải tạo bãi chôn lấp. Ảnh: HV

Tại buổi tiếp xúc, Công ty TNHH Huy Hoàng ECO cho biết muốn tham gia xử lý, cải tạo bãi chôn lấp rác Gò Cát và Đông Thạnh. “Chúng tôi đã đi khảo sát bãi Gò Cát và Đông Thạnh, thấy phù hợp với tiêu chí mà DN đã và đang xử lý bãi rác tương tự tại tỉnh Hải Dương. Tiêu chí của chúng tôi là ngoài việc làm sạch môi trường bằng công nghệ của Nhật Bản, thì còn là vấn đề cải tạo và làm sạch khu đất chôn rác, đem lại hiệu quả kinh tế cho TP bằng việc quy hoạch các khu đô thị tại đây”, đại diện công ty cho biết.

Theo Công ty này, việc cải tạo biến bãi rác thành nguồn đất sạch ngoài việc chỉnh trang đô thị còn tạo nguồn cân đối ngân sách, bù lại chi phí trong việc xử lý rác.

Cũng theo công ty này, ngoài xử lý môi trường, rác chôn lấp thì công ty cũng muốn tham gia quy hoạch và chỉnh trang đô thị tại các khu đất này, nhằm tạo một phương án xử lý khép kín, liên tục để khỏi chờ đợi đùn đẩy nhau nếu giao các gói thầu cho các DN khác nhau cùng thực hiện.

Tuy nhiên, khi trao đổi lại, ông Võ Văn Hoan cho rằng DN cứ xử lý rác còn chỉnh trang đô thị, quy hoạch lại các khu đất thành khu đô thị thì để TP làm. Nhưng, nếu DN muốn tham gia thì cũng sẽ có sự phối hợp, bàn thảo. “Dù thế nào, xử lý hay chỉnh trang đô thị thì cũng phải thông qua đấu thầu”, ông Hoan khẳng định.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem