TP.HCM: Doanh nghiệp "bế tắc" trả tiền thanh lý bất động sản, nhà đầu tư ròng rã chờ đợi
Nhà đầu tư mỏi mòi chờ thanh lý bất động sản, doanh nghiệp thanh lý "nhỏ giọt"
Gia Linh
Thứ tư, ngày 25/10/2023 17:41 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh thị trường vẫn chưa nhiều dấu hiệu khởi sắc, nhiều doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM và vùng lân cận lâm vào cảnh cạn kiệt dòng tiền. Vì vậy, việc thanh toán các khoản tiền thanh lý sản phẩm của khách hàng trở nên "bế tắc".
Chia sẻ với Dân Việt, chị Thu Hương (36 tuổi, kinh doanh tự do) cho biết tháng 12/2019 mình có mua căn hộ thuộc một dự án giáp ranh TP.HCM. Căn hộ 65m2, 2 phòng ngủ với giá 2,4 tỷ đồng. Vị trí dự án nằm ngay Quốc lộ 1K, giáp ranh đường Phạm Văn Đồng nên thời điểm đầu tư chị Hương tự tin đây là quyết định đúng đắn.
Theo đó, chị Hương đã đóng tiền 8 đợt với tổng số tiền hơn 900 triệu đồng. Tuy nhiên, dự án sau khi xây dựng tới tầng 8 thì "án binh bất động" vì nhiều lý do như dịch bệnh, chủ đầu tư cạn tiền... Suốt 2-3 năm vừa qua, chị Hương sốt ruột liên tục theo dõi các thông tin liên quan đến dự án, thậm chí thường xuyên đi đến công trình để quan sát trực tiếp tiến độ thi công, nhưng dự án trên vẫn "ì ạch".
Qua nóng lòng, cuối năm 2022, chị Hương đã nhờ các môi giới rao bán căn hộ của mình trên các diễn đàn. Tuy nhiên, suốt nhiều tháng trôi qua, căn hộ vẫn không có người hỏi. Chị phải liên tục hạ mức giá chênh lệch xuống từ 100 triệu xuống 50 triệu và sau cùng là bán bằng giá gốc, chấp nhận đây là khoản đầu tư lỗ đậm so với đem tiền đi gửi ngân hàng. Vì mãi không tìm được khách nên đầu năm 2022 chị Hương đã quyết định thanh lý căn hộ với chủ đầu tư.
Tuy nhiên, chủ đầu tư với lý do khó khăn về dòng tiền đã không hoàn trả lại 100% số tiền hơn 900 triệu đồng của chị mà chia thành nhiều đợt. Mỗi đợt khách hàng chỉ được nhận 20-30 triệu đồng. Điều đáng nói, chủ đầu tư sau khi hoàn trả số tiền đợt đầu tiên thì "im hơi" luôn đến nay vì lý do công ty chưa có dòng tiền.
"Tôi liên tục ý kiến, thậm chí lên trực tiếp công ty để làm việc, đòi tiền nhưng đại diện công ty lấy lý do không có dòng tiền. Tôi rơi vào tính thế "tiến thoái lưỡng nan", vì đã lỡ thanh lý sản phẩm cho công ty rồi nên bây giờ đành chấp nhận ngồi chờ", chị Hương nói.
Rơi vào hoàn cảnh tương tự, anh Nguyễn Văn Hiếu (42 tuổi, kinh doanh nội thất) cho biết nhiều tháng qua, anh "trầy trật" để thu hồi tiền thanh lý căn hộ tại đường Võ Văn Kiệt (quận 8) đã mua từ năm 2019 nhưng đến nay chỉ thu về chưa tới 30% số tiền hơn 600 triệu đã đóng trước đó.
Chủ đầu tư thông báo không còn khả năng xoay sở, nhiều dự án bất động sản đơn vị đang phát triển đều vướng mắc pháp lý nên không thể triển khai. Ngân hàng không giải quyết hồ sơ vay, khiến doanh nghiệp không có dòng tiền huy động dù tài sản trên đất rất nhiều. Thậm chí, lương nhân viên nhiều tháng qua cũng không thể trả nên mong khách hàng thông cảm, cùng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Doanh nghiệp trả tiền "nhỏ giọt"
Thực tế, sau ảnh hưởng dịch bệnh cộng với liên tiếp các yếu tố khó khăn về tài chính, pháp lý, thủ tục dự án..., nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM và vùng lân cận lâm vào cảnh cạn kiệt dòng tiền. Vì vậy, việc thanh toán các khoản tiền thanh lý sản phẩm của khách hàng trở nên "bế tắc". Một số đơn vị có tiến hành trả tiền thanh lý cho khách hàng nhưng cũng chỉ là "nhỏ giọt".
Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam, thời gian qua, các doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa thể "vượt qua khó khăn". Trong bối cảnh thị trường trái phiếu không nhiều tín hiệu khả quan, nhiều doanh nghiệp phải chật vật tìm cách xoay xở bán hàng, đối diện tình trạng nhà đầu tư khủng hoảng niềm tin và vẫn có tâm lý chờ đợi, chưa xuống tiền mua nhà…
Ngoài ra, dù ngân hàng Nhà nước đã có nhiều động thái nỗ lực điều chỉnh thông qua các đợt giảm lãi suất, tín dụng ưu đãi... nhưng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận khoản vay.
Chia sẻ với Dân Việt, giám đốc một doanh nghiệp bất động sản có 1 một số dự án đang bị "đứng hình" tại TP.HCM cho hay thời gian qua, lượng khách hàng thanh lý sản phẩm khá nhiều. Công ty cũng phải tiếp nhận các hồ sơ, lên kế hoạch và chờ dòng tiền để trả dần cho khách hàng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn trăm bề bừa vây doanh nghiệp vì thiếu tiền, đơn vị lòng có thể thanh toán toàn bộ và nhanh chóng số tiền đã đóng cho khách hàng. Doanh nghiệp cũng "lực bất tòng tâm".
"Điểm sáng mà công ty chúng tôi hướng đến là trông chờ vào các thương vụ M&A, sau khi gặp khó khăn về việc vay vốn ngân hàng. Chúng tôi đang kết nối với nhiều đối tác nước ngoài, các quỹ đầu tư... các đơn vị có tiềm lực về kinh tế để bán bớt 1 số dự án. Tất nhiên, là nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc, thẩm định kỹ càng và chỉ xuống tiền với các dự án tiềm năng.
Nếu các thương vụ thực hiện thành công đây sẽ "mở đường máu", giúp doanh nghiệp có dòng vốn để nuôi sống toàn bộ hệ thống, thực hiện giao dịch, trả tiền cho khách hàng", vị lãnh đạo doanh nghiệp cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.