Đây là ngọn núi, nơi phụ thân của Trần Hưng Đạo là Trần Liễu được vua Trần cắt đất phong thái ấp

Thu Xuân (Cổng TTĐT TX Kinh Môn) Thứ ba, ngày 14/02/2023 10:58 AM (GMT+7)
Nằm trên đỉnh cao nhất của dãy núi An Phụ (cao 246m so với mặt nước biển), Đền Cao An Phụ hay còn gọi là An Phụ Sơn Từ, nơi thờ Đức thánh An Sinh Vương Trần Liễu tại phường An Sinh (TX Kinh Môn, tỉnh Hải Dương). Trần Liễu là thân phụ của Trần Hưng Đạo-Trần Quốc Tuấn, anh hùng dân tộc...
Bình luận 0

Trần Liễu có nhiều công lao đóng góp trong việc tạo dựng nhà Trần (thế kỷ thứ XIII) và là phụ thân của anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo – Trần Quốc Tuấn - người chỉ huy 3 lần đánh tháng giặc Nguyên Mông hùng mạnh, bảo vệ giang sơn, bờ cõi đất nước. 

Hướng đến lễ dâng hương tưởng niệm 769 năm ngày mất của An Sinh Vương Trần Liễu, trong bài viết này, xin được trở về với lịch sử để tìm hiểu rõ nét hơn về thân thế, cuộc đời và công lao to lớn của An Sinh Vương Trần Liễu và di tích quốc gia đặc biệt Đền Cao An Phụ.

Đây là ngọn núi, nơi phụ thân của Trần Hưng Đạo đại tướng quân được vua Trân cắt đất phong thái ấp - Ảnh 1.

Đền An Sinh hay còn gọi là Đền Cao An Phụ, nơi thờ Trần Liễu, phụ thân đức thánh Trần Hưng Đạo, phường An Sinh, TX Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Đền được xây dựng trên núi An Phụ nên thường được gọi là Đền Cao An Phụ. Ảnh: Người Hải Dương.

Trần Liễu sinh năm 1211, là con trưởng thượng hoàng Trần Thừa, anh trai của Trần Cảnh (tức vua Trần Thái Tông – vị vua đầu tiên của triều Trần). 

Trần Liễu và hoàng tộc nhà Trần nguyên quán tại Hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định. Nhà Lý đến đời vua thứ bảy là Lý Cao Tông làm vua 35 năm (1176 – 1210), sinh ra Thái Tử Sam. 

Thái Tử Sam lấy Trần Thị Dung làm vợ, khi nối ngôi là vua Lý Huệ Tông. Lý Huệ Tông chỉ có 2 con gái, chị là công chúa Thuận Thiên, em là công chúa Chiêu Thánh (Lý Chiêu Hoàng). Lớn lên, chị là công chúa Thuận Thiên lấy Trần Liễu và em là công chúa Chiêu Thánh lấy Trần Cảnh.

Vì không có con trai nên Lý Huệ Tông nhường ngôi cho con gái Chiêu Thánh. Chiêu Thánh làm vua, hiệu là Lý Chiêu Hoàng. Lý Chiêu Hoàng làm vua được một năm (1224 – 1225) thì nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Trần Cảnh lên ngôi – lấy hiệu là Trần Thái Tông – vị vua đầu tiên của Triều Trần.

Mùa xuân năm Đinh Dậu (1237), vua nhà Trần cắt đất ở các xã An Phụ, An Sinh, An Dưỡng, An Hương, An Bang (nay thuộc thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương và thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) cho Trần Liễu làm thái ấp và phong cho ông làm An Sinh Vương ở đây. Vì thế từ đấy sử sách đều chép ông là An Sinh Vương.

Sau khi được cắt đất lập ấp. An Sinh Vương Trần Liễu giúp vua trấn thủ vùng Đông Bắc, từ đỉnh Yên Thụ, Yên Tử, An Sinh Vương đã ra sức kiến thiết một cõi Hải Đông thành vùng giàu có, dân các nơi: Thị xã Kinh Môn, Đông Triều, Yên Hưng nhiều nơi thờ ông làm thành hoàng. 

Cuộc đời An Sinh Vương sống đạm bạc, lấy việc xây trang ấp giầu mạnh, dân trang ấp no đủ làm vui, dạy các con phương trưởng là điều hạnh phúc. Trong việc khai hoá vùng sơn dã thành một trung tâm văn hoá, khoa bảng nở rộ, tăng viện huy hoàng, đạo quán rộng khắp nổi tiếng vương triều, đề có công mở đường của An Sinh Vương.

Đây là ngọn núi, nơi phụ thân của Trần Hưng Đạo đại tướng quân được vua Trân cắt đất phong thái ấp - Ảnh 2.

Đền An Sinh hay còn gọi là Đền Cao An Phụ thờ Trần Liễu. Trần Liễu là anh trai của Trần Cảnh sau này lên ngôi là vị vua đầu tiên của triều Trần lấy nên hiệu là Trần Thái Tông. Ảnh: Người Hải Dương.

Tương truyền, Trần Liễu lên núi An Phụ ngắm cảnh, quan sát toàn bộ khu vực đất đai, sau đó ông cho lập ấp chiêu binh, xây dựng chùa ở khe núi gọi là chùa Gạo. Đây là nơi tích lũy lương thực, những năm mất mùa, đói kém, ông miễn thuế cho nhân dân trong vùng lên được người dân vô cùng kính trọng.

Năm Tân Hợi, mùa hạ, tháng 4, niên hiệu Nguyên Phong thứ nhất (1251), An Sinh Vương tạ thế tại phủ đệ Yên Phụ, hưởng thọ 41 tuổi. 

Vua Trần Thái Tông truy phong tước Đại Vương, cho sửa chữa phủ đệ trên đỉnh núi Yên Phụ (nay thuộc Phường An Sinh, thị xã Kim Môn, tỉnh Hải Dương) thành đền Cao để thờ. Đời Hoàng Định triều Lê, vua lấy quốc khố tu sửa chùa Tường Lâm (do Đại Vương xây dựng) và đền Cao. Để ghi nhớ công lao của ông, cứ vào ngày ¼ âm lịch hàng năm (ngày mất của Trần Liễu) nhân dân tổ chức lễ hội linh đình. Chính vì sự tích như vậy nên Đền cao An Phụ nổi tiếng về sự linh thiêng.

Lễ hội Đền Cao An Phụ diễn ra từ dịp tết nguyên đán đến ngày chính hội (ngày ¼ âm lịch hàng năm). Nhân dân trong vùng và du khách thập phương vẫn hành hương về đây chảy hội như tìm về với lịch sử, cội nguồn của dân tộc, tri ân công đức lớn lao của đức thánh Trần.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem