Trịnh Xuân Thanh đi du lịch, không phải bỏ trốn?

Thứ hai, ngày 19/09/2016 15:59 PM (GMT+7)
Cho ý kiến về dự án luật Du lịch (sửa đổi), Ủy viên Thường trực UB Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cho rằng cần thay đổi khái niệm “du lịch” vì không còn phù hợp thực tiễn. Nếu không, đối chiếu với quy định của luật thì có thể khẳng định Trịnh Xuân Thanh đi du lịch, chứ không phải bỏ trốn…
Bình luận 0

Dự án luật được đại diện Chính phủ trình xin ý kiến UB Thường vụ Quốc hội hôm nay, 19/9, trong khuôn khổ chương trình phiên họp thứ 3.

Ủy viên Thường trực UB Quốc phòng – An ninh Nguyễn Mai Bộ nhận xét, dự thảo luật đưa ra nghiêng về việc quản lý công dân nước ngoài vào Việt Nam và người Việt Nam đi du lịch ở nước ngoài. Hàm lượng quy định đối với việc người Việt Nam đi du lịch ở trong nước không nhiều.

Trước hết, về khái niệm “du lịch” (thể hiện tại khoản 1 Điều 3 về giải thích từ ngữ) là “các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 1 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tham dự hội nghị, hội thảo hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác”.

img

Ông Nguyễn Mai Bộ cho rằng, đối chiếu theo luật, hoàn toàn có thể giải thích Trịnh Xuân Thanh đang đi... du lịch (ảnh: Quochoi.vn).

“Nếu với tư cách luật sư bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh, với khái niệm luật như này, tôi sẽ khẳng định Trịnh Xuân Thanh đi du lịch (chứ không phải đi trốn mà phải truy nã – PV). Vì chuyên xét xử án hình sự, phân tích ngôn ngữ thể hiện tại khoản 1 Điều 3 dự thảo luật này, tôi sẽ trả lời thế” – ông Bộ nhấn mạnh, khái niệm đưa ra không thể hiện được bản chất của hoạt động du lịch.

Bản chất của du lịch là các hoạt động rời khỏi nơi cư trú của mình nhưng phải hợp pháp. Quy định trong dự thảo luật không nêu được 2 yếu tố bản chất đó, dẫn tới việc, áp dụng khái niệm này, trong lĩnh vực hình sự, có thể giải thích sự vắng mặt ông Trịnh Xuân Thanh là… đi du lịch. Một lần nữa nhấn mạnh phân tích này, ông Nguyễn Mai Bộ đề nghị xem lại khái niệm này, thể hiện cho đúng bản chất những hoạt động cần điều chỉnh.

Cũng hướng phân tích này, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng nhận định, dự luật được trình vẫn tiếp nối quan điểm cũ về hoạt động du lịch – một người ra khỏi nhà trong vòng 1 năm để nghỉ ngơi, thư giãn… đều được coi là đi du lịch. Điều đó, theo ông Định, không còn đúng với tình hình thực tế. Thực tế, du lịch hiện tại là lĩnh vực kinh tế tổng hợp, phải gắn với hoạt động đầu tư, làm ăn.

Ông Định cũng kêu gọi thay đổi khái niệm “du lịch” đưa ra trong dự thảo luật.

Tại phiên thảo luận, các ủy viên UB Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất ý kiến cho rằng, ngành du lịch Việt Nam đang phát triển chậm, thấp hơn nhiều so với tiềm năng.

Chủ nhiệm UB Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu dẫn chứng ngay chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa qua. Khi hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một thông tin người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đưa ra như một điểm sáng trong hoạt động hợp tác kinh tế, văn hóa giữa 2 nước là năm qua số khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam tăng mạnh, đạt con số 2 triệu người. Khi đó, ông Tập Cận Bình nói lại ngay là lượng khách Trung Quốc đến Thái Lan còn lớn hơn nhiều lần.

Ví dụ khác ông Giàu đưa ra từ cuộc đón tiếp của Chủ tịch nước với đoàn đại biểu từ Nhật Bản. Theo đó, những người bạn Nhật sống không mấy xa xôi với Việt Nam nhưng đều xác nhận chưa biết nhiều đến sản phẩm du lịch Việt Nam, cả về danh lam thắng cảnh, về di tích lịch sử văn hóa. Trong khi đó, Nhật Bản là thị trường lớn với lượng du khách có sự chi tiêu lớn cho du lịch, hiểu biết về văn hóa và ham tìm hiểu. Để lỡ những đối tượng du khách như vậy, ông Giàu thốt lên: “thực sự đáng tiếc”!

P.Thảo (Dân trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem