Trồng 600 nghìn cây xanh trong 2 năm, Hà Nội giờ thay đổi ra sao?
Trồng 600 nghìn cây xanh trong 2 năm, Hà Nội giờ thay đổi ra sao?
Thứ ba, ngày 30/06/2020 08:30 AM (GMT+7)
Thực hiện từ năm 2019, kế hoạch trồng 600 nghìn cây xanh trên khắp địa bàn Hà Nội đang diễn ra thuận lợi, tạo ra sự thay đổi tích cực trông thấy cho nhiều tuyến đường, mang đến bộ mặt mới xanh, sạch, đẹp cho Thủ đô.
Để tăng độ phủ xanh cho thành phố, năm 2016, Hà Nội đề ra chương trình trồng một triệu cây xanh đến năm 2020 với kinh phí hơn 250 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ đến hết năm 2018, thành phố đã hoàn thành mục tiêu này, vượt thời hạn đề ra hai năm.
Phát huy kết quả đạt được, trong giai đoạn 2019 - 2020, Hà Nội đặt mục tiêu trồng thêm 600 ngàn cây xanh trên các tuyến đường, phố có vỉa hè rộng, các dải phân cách, và các khu vực trang trí phục vụ các sự kiện lớn của thủ đô như chào năm mới 2020, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17, giải đua xe công thức 1 Grand Prix, Sea Game 31,...
Theo các chuyên gia môi trường, việc trồng nhiều cây xanh trên địa bàn Thủ đô không chỉ giúp cho không khí ở đó trong lành hơn, mà có thể làm bóng mát ngăn chặn ánh nắng mặt trời, hạn chế tác hại của các bức xạ mặt trời lên người dân, đặc biệt trong những ngày nắng nóng vừa qua.
Giai đoạn 2019-2020 đánh dấu sự xuất hiện của các đoạn đường được mở ra dành riêng cho người đi bộ với cây xanh, cảnh quan đẹp mắt. Ví dụ như tuyến đường đi bộ trên phố Thái Hà vừa được UBND TP.Hà Nội đưa vào khai thác có chiều dài khoảng 400m, kéo dài từ ngã tư Thái Hà - Yên Lãng đến Trung tâm Chiếu phim Quốc gia.
Mới đi vào hoạt động từ cuối tháng 4/2020 nhưng con đường đi bộ tại phố Thái Hà đã nhanh chóng trở thành điểm vui chơi, tập thể dục yêu thích của người dân với hai hàng cây xanh mát dọc hai bên đường giúp xua tan cái nắng gắt của mùa hè cũng như không khí ô nhiễm từ dòng xe qua lại tấp nập đầy khói bụi ở con đường giao thông bên cạnh.
Trước khi con đường dành cho người đi bộ ở Thái Hà được xây dựng, Hà Nội đã có một con đường dành cho người đi bộ đi vào hoạt động từ năm 2019, đó là con đường đi bộ ven sông Tô Lịch dài 4km, nằm trên đường Láng (Đống Đa, Hà Nội).
Con đường nằm trong dự án xén hè, mở rộng mặt đường của thành phố và nằm trong đề án xanh hóa thành phố với việc trồng 1 triệu cây xanh trong 3 năm (từ năm 2016-2018)
Sau khi hoàn thành, đến nay đường Láng mang diện mạo mới, khang trang và xanh ngát khiến người đi đường không khỏi trầm trồ.
Toàn bộ bê tông dải phân cách được thay bằng cây xanh, nhiều loại hoa được trồng thêm. Nét chủ đạo của đường Láng giờ đây được bao trùm bởi màu xanh của cây.
Đường Láng giờ đây được coi là tuyến đường mẫu mực trong việc thiết kế, trồng, chăm sóc hệ thống cây xanh.
Ngoài ra, các tuyến phố chính của thành phố như Láng Hạ, Liễu Giai, Văn Cao, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng… hay các tuyến đường cửa ngõ như Võ Nguyên Giáp, Võ Chí Công, đại lộ Thăng Long… đều đồng loạt được “khoác áo mới” nhờ việc cải tạo, trồng mới hệ thống cây xanh.
Thường xuyên đi làm qua đường Láng Hạ, chị Nguyễn Thị Yến (bên trái, Tôn Đức Thắng, Hà Nội) cho biết khoảng hơn 1 năm trở lại đây, chị thấy cây xanh đã cải thiện bộ mặt nhiều tuyến đường ở Thủ đô theo hướng rất tích cực. "Tôi đặc biệt yêu thích con đường Giảng Võ và Láng Hạ. Những hàng cây xanh mát với sắc hoa thay đổi theo mùa mang lại cho tôi cảm giác vô cùng dễ chịu khi đi làm và khi về nhà vào giờ tan tầm", chị Yến nói thêm.
Với tốc độ gia tăng nhanh chóng của các phương tiện cơ giới, việc có thêm những hàng cây càng trở nên đáng quý, khi cây xanh góp phần lọc bụi, tăng cường không khí trong lành cũng như tạo bóng mát. Đồng thời, mỗi loại cây đến mùa hoa đều cho ra những sắc hoa rực rỡ, tạo cảnh quan bắt mắt, dễ chịu cho người đi đường.
Tính đến cuối năm 2019, thành phố đã trồng thêm 320 nghìn cây xanh, dự kiến sẽ tiếp tục hoàn thành trước hạn kế hoạch trồng 600 nghìn cây xanh trong giai đoạn 2019-2020.
“Vé về tuổi thơ" cho cha mẹ vui chơi cùng con trong Ngày hội Gia đình
Trọng Hiếu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.