Với nhiều giá trị về dược liệu, hương liệu, làm cây kiểng, cây mộc hương mang lại lợi ích kinh tế cao cho người trồng, là cơ hội cho nông dân nhiều địa phương chuyển đổi cây trồng vươn lên làm giàu
Cây mộc hương, hay còn gọi là cây quế hoa, có tên khoa học là Osmanthus fragrans. Cây này xuất hiện nhiều ở dãy núi Himalaya và một vài quốc gia, vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đài Loan…
Cây mộc hương có giá trị về dược liệu, ý nghĩa về phong thủy nên thường được bán với giá rất cao; đặc biệt đối với các cây lâu năm, giá có thể lên đến hàng tỉ đồng.
Nhiều mô hình trồng mộc hương thành công
Cây mộc hương thuộc thân gỗ, chiều cao từ 3 - 12 m, các cành của cây mọc nhiều và tỏa rộng ra xung quanh. Lá cây dày, có hình bầu dục và răng cưa, màu xanh thẫm và có đường gân lớn. Cây mộc hương có hoa rất thơm và nở quanh năm; đặc biệt mùa thu là thời điểm cây nở hoa rực rỡ, tỏa mùi thơm ngây ngất quyến rũ.
Hoa mọc mộc hương thành từng chùm có nhiều màu sắc như trắng, vàng nhẹ. Cây mộc hương ra rất ít quả, có kích thước nhỏ, màu xanh lục và có hạt.
Có nhiều mô hình trồng thử nghiệm loại cây này ở Việt Nam và cho hiệu quả kinh tế rất cao. Điển hình như các hộ nông dân ở xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.
Nắm bắt nhu cầu của thị trường, ông Nguyễn Xuân Trọng (thôn Đông, xã Hồng Việt) đã đưa cây mộc hương về trồng thử nghiệm tại vườn nhà, trở thành người đầu tiên ươm trồng thành công cây cảnh cho hoa nhỏ li ti, trắng muốt nhưng có mùi thơm ngọt trên đất Hồng Việt.
Hiện trong vườn của ông Trọng có khoảng 800 - 1.000 cây mộc hương trồng xen kẽ với cây mẫu đơn và hàng ngàn cây mộc hương giống.
Cây mộc hương có giá trị kinh tế cao bởi ngoài giá trị làm cảnh, hoa của nó còn dùng làm hương liệu, sản xuất nước hoa và làm thảo dược ướp trà.
Ông Trọng cho biết hiện nay mỗi năm, gia đình ông thu nhập trên 1 tỉ đồng từ việc trồng cây mộc hương. "Vụ tới tôi sẽ mở rộng diện tích ươm, trồng cây mộc hương để tăng năng suất, giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác..." - ông Trọng tự tin.
Cây mộc hương cho hoa đẹp, thơm và là cây trồng đa dụng, có thể làm dược liệu quý, làm cây cảnh. Cây mộc hương đang giúp nông dân xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình giàu lên, trong đó có nhà thu tiền tỷ.
Năm 2021, ông Bùi Xuân Thủy (xã Khánh Cường) trồng thử nghiệm 700 cây mộc hương trong vườn. Vốn đầu tư ban đầu khoảng 200 triệu đồng mua cây giống trồng trên diện tích gần 5.000 m2 đất.
Theo tính toán của ông Thủy, do cây mộc hương sinh trưởng chậm nên cây trồng từ 5 năm xuất bán sẽ có giá trị cao hơn.
Hiện nay vườn cây hoa mộc hương của gia đình ông Thủy đã có 70 cây có giá bán từ 4-5 triệu đồng/cây, còn lại là cây mới trồng được 1 năm.
Từ thành công bước đầu của mô hình trồng hoa mộc hương trên đất trồng lúa kém hiệu quả, ông Bùi Xuân Thủy dự định mở rộng mô hình để tăng năng suất, tăng giá trị của đất; đồng thời, hướng đến xây dựng thương hiệu đạt chuẩn OCOP cho cây hoa mộc hương trên đất Khánh Cường.
Thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã đưa Hồng Việt từ một xã vùng xa, khó khăn của huyện Đông Hưng trở thành xã có kinh tế phát triển năng động, thu nhập bình quân đầu người trên 50 triệu đồng/năm.
Mộc hương-Cây trồng chủ lực
Cây mộc hương thuộc loại cây dễ trồng và không kén đất; có thể trồng được bằng nhiều phương pháp như gieo hạt hoặc chiết cành nhưng chiết cành là phương pháp được nhiều người sử dụng vì có thể rút ngắn được thời gian trồng.
Anh Vũ Minh Thuận - thôn Đông, xã Hồng Việt - cũng cho biết cây mộc hương có khả năng sinh tồn cao, thích nghi tốt với các điều kiện sống nhưng nếu muốn cây ra hoa nhiều và thơm, người trồng phải siêng năng chăm chút cho cây.
Mộc hương càng to, càng lâu năm thì giá bán càng cao; cây giống thì chỉ vài chục ngàn đồng/ cây, còn cây trồng được 1 năm trở lên có giá bán vài triệu đồng/cây.
Sản phẩm trà hoa mộc hương. Ảnh: THU HIỀN
Hiện vườn của gia đình anh Thuận có 70 cây mộc hương, giá từ 4-5 triệu đồng/cây, còn lại là cây mới trồng được 1 năm.
Nếu bán hết vườn mộc hương, anh Thuận thu lãi được khoảng 600 triệu đồng. "Cây mộc hương trở thành cây trồng chủ lực, đem lại nguồn thu chính cho gia đình tôi, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động địa phương với thu nhập 200.000 đồng/người/ngày" - anh Thuận phấn khởi.
Không chỉ người trồng mà người buôn cây giống, cây cảnh cũng nhanh chóng nắm bắt nhu cầu của thị trường chuyển sang kinh doanh cây mộc hương.
Người buôn, người chơi cây cảnh khắp nơi tìm về các xã trồng mộc hương để chọn mua cây chuyển đi các tỉnh, thành bán lại hoặc trồng tại nhà, tại công sở.
Anh Nguyễn Văn Việt, xã Hồng Việt, cho biết trước đây anh chuyên buôn các loại cây như chanh, nhài Nhật, mẫu đơn, hoa giấy, đồng tiền..., thời gian gần đây chuyển sang buôn cây mộc hương vì cây này được nhiều người lựa chọn.
Với nhiều giá trị về dược liệu, hương liệu, làm cây kiểng, cây mộc hương mang lại lợi ích kinh tế cao cho người trồng, là cơ hội cho nông dân nhiều địa phương chuyển đổi cây trồng vươn lên làm giàu.
Cây mộc hương có rất nhiều tác dụng chữa bệnh. Trong đông y, cây này được dùng trong điều trị chống viêm, giảm đau; hỗ trợ tiêu hóa, làm sạch đường tiêu hóa, thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn; hỗ trợ miễn dịch, hữu ích đối với các bệnh lý như hen suyễn, ho mạn tính, viêm phế quản; tác động với hệ tim mạch giúp cải thiện lưu lượng máu ở mạch vành và giảm nhịp tim; tác dụng với gan có lợi cho việc điều trị bệnh gan.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.