Trồng hơn 7ha sen, nông dân Nam Định thu lãi cao hơn cấy lúa, khách kéo đến chụp ảnh

Thứ hai, ngày 25/07/2022 13:06 PM (GMT+7)
Ông Phong (Nam Định) chọn loại sen hồng sậm để cho sản lượng cao nhất. Hết vụ thu hoa và hạt, ông Phong thu ngó sen với mức giá 40-50 nghìn đồng/kg. Các bộ phận khác của cây sen như đài, lá cũng thường xuyên được các tiểu thương, người dân trong vùng hỏi mua.
Bình luận 0

Trong tâm thức của người Việt, hoa sen là biểu tượng của sự thuần khiết, trong sáng, tượng trưng cho khí phách, bản sắc dân tộc. Với đặc tính dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, các sản phẩm của cây sen như: lá, ngó, củ, hoa, hạt… có nhiều công dụng, được tiêu thụ rộng khắp. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, nhiều gia đình đã tận dụng diện tích đất canh tác kém hiệu quả, chuyển sang trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trồng hơn 7ha sen, nông dân Nam Định thu lãi cao hơn cấy lúa, khách kéo đến chụp ảnh - Ảnh 1.

Khách tham quan chụp ảnh tại đầm sen của anh Hoàng Hữu Trường, thôn Đại Đê, xã Đại An (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định).

Đến đầm sen của anh Hoàng Hữu Trường (24 tuổi) thôn Đại Đê, xã Đại An (Vụ Bản, tỉnh Nam Định) du khách được đắm mình với bạt ngàn sắc sen thơm ngát. Anh Trường cho biết: “Trước đây, khu vực này vốn là vùng đất sình lầy, việc canh tác lúa không hiệu quả nên người dân bỏ hoang. Nhận thấy thổ nhưỡng phù hợp với trồng sen, tôi đấu thầu 1.800m2 đầm. 

Để hiểu thêm về cách trồng, chăm sóc cây sen, tôi tìm đến những vùng chuyên canh trồng sen để học hỏi kinh nghiệm”. 

Năm đầu tiên trồng thử nghiệm sen trên diện tích nhỏ nên lượng hoa của anh không nhiều, bông chưa đều, các thương buôn ép giá. Với ý chí quyết tâm làm giàu trên đồng đất quê hương, được sự động viên của gia đình, bạn bè, Trường tiếp tục kiên trì theo đuổi con đường đã chọn. Đến nay, tổng diện tích trồng sen của gia đình anh lên tới 7,2ha. 

Bên cạnh bán các sản phẩm thô từ cây sen, anh Trường đã quy hoạch cảnh quan khu đầm để thu hút lượng lớn khách tham quan, chụp ảnh. Tính trung bình 1 năm, sau khi trừ các chi phí, anh Trường thu lãi hàng trăm triệu đồng từ cây sen. Ở xã Nam Thái (Nam Trực), anh Đỗ Văn Hợp là điển hình thanh niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế tại địa phương. 

Đam mê nông nghiệp sạch, anh Hợp cùng một số bạn bè đã thành lập mô hình mang tên “DOFARM” với phương châm không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học cho sản phẩm nông nghiệp. Năm 2020, được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, anh Hợp thuê lại đất của người dân. Với tổng diện tích đất trồng 2ha, trong đó hơn 1ha lúa, còn lại trồng sen. 

Diện tích trồng sen, anh kết hợp xây dựng cầu, chòi, làm điểm tham quan, trải nghiệm thực tế…thu hút nhiều lượt khách đến tham quan và chụp ảnh dịch vụ. Anh Hợp chia sẻ, trồng sen cho giá trị thu nhập cao, riêng phần lá sen khô hiện đang được bán tại DOFARM với mức giá 60 nghìn đồng/kg; hoa sen xuất thị trường 50 nghìn đồng/10 bông; đài sen 30 nghìn đồng/kg...

Trong thời gian tới, anh Hợp sẽ mở rộng mô hình liên kết với các hộ dân, bao tiêu đầu ra và giá thành ổn định kết hợp phát triển mô hình du lịch nông nghiệp. Còn tại xóm 16, xã Xuân Vinh từ năm 2017, ông Nguyễn Văn Đôn đã phát huy hiệu quả diện tích ruộng trũng chân đê sông Sò trồng gần 3ha sen. 

Ông Đôn cho biết: Trung tuần tháng 2 âm lịch, bắt đầu vào vụ trồng sen. Sen được ươm bằng hạt hoặc ngó, sau đó bón thêm phân NPK và tháo nước dần theo sức lớn của sen. Chỉ sau 3 tháng, sen trổ hoa và cho đài lấy hạt. Thời gian thu hoạch khoảng từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm, từ lúc trổ bông đến lúc sen tàn. 

Đến nay, trung bình mỗi vụ, gia đình ông Đôn thu hoạch hơn 4 tấn hạt sen, hàng nghìn bông hoa sen, đồng thời khai thác thêm được nguồn lợi thủy sản sạch sống trong đầm như tôm, cua, cá, ốc. Từ việc mạnh dạn chuyển diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen, gia đình ông Đôn không những thoát nghèo mà còn vươn lên là hộ làm kinh tế giỏi ở địa phương, tạo việc làm cho nhiều lao động. 

Ông Vũ Văn Phong, xã Yên Dương (Ý Yên) tự nhận bản thân là người “mang ơn” với sen bởi có thể khai thác thương mại tất cả thành phẩm của sen như: lá, đài, ngó, củ, hạt...Hiện nay gia đình ông có trên 3 mẫu trồng sen trắng và sen hồng. Sen trắng chủ yếu lấy hoa, sen hồng lấy hạt. Để bắt đầu vào vụ sen, ông chọn những ngó, nhánh sen khỏe. 

Theo ông Phong, cây sen giống đem trồng phải đạt tiêu chuẩn có 2 lá mập, khỏe, đường kính lá lớn của cây giống là 30cm, không để cây bị dập lá hay gãy cọng hoặc gãy thân ngầm. Sen được trồng ở địa phương hiện có 2 giống phổ biến: Giống dùng lấy hạt có kích thước thân, lá, hoa, gương to hơn, đặc biệt hoa có màu hồng sậm. 

Giống có thân, lá, hoa, gương nhỏ hơn, hoa có màu hồng phấn thường cho năng suất thấp hơn. Ông Phong chọn loại sen hồng sậm để cho sản lượng cao nhất. Hết vụ thu hoa và hạt, ông Phong thu ngó sen với mức giá 40-50 nghìn đồng/kg. Các bộ phận khác của cây sen như đài, lá cũng thường xuyên được các tiểu thương, người dân trong vùng hỏi mua. 

Trung bình mỗi vụ sen gia đình ông thu lãi trên 100 triệu đồng, cao gấp nhiều lần trồng lúa. Ngoài thu nhập từ sen, ông Phong còn thả thêm cá truyền thống, cá tự tìm thức ăn từ sinh vật phù du nên không tốn công chăm sóc, mỗi vụ ông xuất thêm hàng tấn cá thịt chất lượng cao. Khác với các hộ trồng sen kinh doanh, anh Đặng Đình Nam, xã Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc) trồng sen với mục đích làm sạch nguồn nước trước khi dẫn về cho các ao nuôi cá thịt, cá cảnh. 

Vì diện tích trồng sen nhỏ nên anh tập trung cải tạo cảnh quan đầm sen, tạo không gian đẹp thu hút du khách đến tham quan. Mỗi vụ gia đình anh thu lãi hàng chục triệu đồng từ bán hoa, bán hạt sen, tiền dịch vụ cho khách tham quan. Hơn hết, nhờ nguồn nước sạch, đàn cá thịt, cá cảnh của gia đình anh Nam có môi trường thuận lợi để phát triển, sản lượng xuất bán cao.

Để hỗ trợ người dân phát triển trồng sen bền vững, nhiều địa phương trong tỉnh đã tạo điều kiện về quỹ đất, vốn vay ưu đãi cho người dân. Bên cạnh đó, hỗ trợ người dân đưa sản phẩm bày bán, giới thiệu tại các khu vực chợ trung tâm, chợ đầu mối tiêu thụ sản phẩm và khu du lịch tâm linh trên địa bàn. 

Các ngành chức năng của tỉnh Nam Định đang tiếp tục hướng dẫn các hợp tác xã xây dựng thương hiệu, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ để các sản phẩm làm từ sen phát triển ổn định.

Viết Dư (Báo Nam Định)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem