Phong thần diễn nghĩa hay gọi là Bảng phong thần, Vũ Vương phạt Trụ ngoại sử phong thần diễn nghĩa, Phong thần truyện, Thương Chu liệt quốc toàn truyện… là một bộ tiểu thuyết được viết lại trên cơ sở cuốn Vũ Vương phạt Trụ bình thoại đời Nguyên, trong đó bao gồm các tư liệu lịch sử cùng với các thần thoại, truyền thuyết.
Nội dung của Phong thần diễn nghĩa mô tả cuộc sống của người Trung Hoa cổ đại, nơi tôn giáo có một vai trò lớn trong cuộc sống hằng ngày, có giá trị to lớn giống như một thiên sử thi của Đông phương, ngang tầm với Trường ca Iliad của Hy Lạp.
Truyện xoay quanh việc suy vong của nhà Thương và sự nổi lên của nhà Chu, được nhào nặn từ các tư liệu lịch sử cùng vô số giai thoại, thần thoại, truyền thuyết của đạo giáo cổ trung quốc, trong đó vì hiềm khích mà hai thế lực Xiển giáo và Triệt giáo tranh đấu với nhau khốc liệt
Xiển giáo do Lão Tử (Thái Thượng Lão Quân), Nguyên Thủy Thiên Tôn đứng đầu, là giáo phái thường lựa chọn đệ tử rất kỹ lưỡng, thường là những bậc thượng căn thượng trí, có tiên phong đạo cốt ẩn hiện nơi mình, chỉ cần gặp đạo, nghe đạo liền hoan hỉ tu tâm dưỡng tánh, một đường thẳng tiến trở nên trọn lành đạt đạo.
Triệt giáo do Thông Thiên Giáo Chủ đứng đầu, ra sức độ duyên cho chúng sinh từ cỏ cây, sắt đá, cầm thú, phi nhân cho đến con người… chỉ cần nhìn thấy chúng sinh hữu tình hữu duyên, có thể kết duyên với đạo để đào luyện cho tinh tấn trở nên trong lành thì đều có thể trở thành đệ tử.
Do những bất đồng quan điểm giữa các môn nhân hai giáo phái mà gây nên chia rẽ, hiềm khích nhau, người Xiển giáo thì xem thường, coi môn nhân của Triệt giáo là đám đội lông mang sừng, và dị nghị luôn cả Đức Thông Thiên Giáo Chủ.
Người Triệt giáo lại lấy lý do người Xiển giáo có sự phân biệt, xem thường thân phận của môn nhân Triệt giáo, thiếu tôn trọng Giáo chủ Thông Thiên, nên họ muốn đòi lại công bằng, vì cả hai vốn dĩ cùng một gốc từ Đức Hồng Quân Lão Tổ phân tách mà thôi.
Từ đó để hai phái tranh đấu nhau, họ cùng nhau hạ phàm một bên phù trợ nhà Thương, một bên phò tá nhà Chu, môn nhân hai giáo đã trải qua vô vàn những trận hỗn chiến để triệt hạ đối phương gây ra những tổn thất nặng nền chấn động thiên địa.
Cuối cùng để cản trở Khương Tử Nha thảo phạt Trụ Vương. Thông Thiên Giáo Chủ đã xuống trần lập Tru Tiên trận khiến Lão Tử và Nguyên Thủy Thiên Tôn đã phải ra mặt.
Nói về Tru Tiên trận thì không thể không nhắc tới 4 thanh tuyệt thế bảo kiếm được dùng để dựng trận là Tru Tiên kiếm, Lục Tiên kiếm, Hãm Tiên kiếm, và Tuyệt Tiên kiếm. Tương truyền rằng đem chúng treo tại bốn cửa trận thì sấm vang gió dậy, thần tiên cũng phải rơi đầu. Mặc dù vậy, Thông Thiên Giáo Chủ không phải là người luyện ra bốn thanh kiếm đó.
Thuở xưa, sư phụ của Lão Tử, Nguyên Thủy và Thông Thiên Giáo Chủ là Hồng Quân Lão Tổ đã tìm ra 4 cây kiếm này, nhưng vì biết sát khí của chúng quá lớn, có thể gây tai họa nên ông quyết định không giao cho bất cứ đệ tử nào mà cất ở núi Phân Bửu.
Tuy nhiên, Thông Thiên Giáo Chủ lại tình cờ tìm được chúng và đem về cất ở Bích Du cung của mình. Quả nhiên, lo lắng của Hồng Quân Lão Tổ không hề thừa, đúng là "trời khiến thần tiên mắc nạn", vì cuối cùng để bảo vệ tôn chỉ "Hữu giáo vô loài", Thông Thiên Giáo Chủ đã sử dụng 4 cây kiếm đó để lập ra Tru Tiên trận đối phó với Xiển giáo và 2 vị sư huynh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.