Trung thu Làng Nủ và mong ước nghẹn lòng của con trẻ

Hoàng Chiên - Phạm Hưng Thứ ba, ngày 17/09/2024 18:00 PM (GMT+7)
Trong Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên, những cháu bé điều trị chấn thương trong trận lũ quét Làng Nủ đều mong được về rước đèn trung thu với các bạn. Các bé vẫn chưa biết, một phần Làng Nủ nơi mình sinh sống đã không còn, nhiều bạn học cũng không dự trung thu được nữa.
Bình luận 0

Trung thu không trọn vẹn ở Làng Nủ

Từ hai ngày trước, Trường Tiểu học và THCS số 1 xã Phúc Khánh đã đón học sinh đến trường sau những ngày bão lũ. Nhưng đến hôm nay (17/9), thầy cô, học sinh nhà trường chưa thôi xúc động, cảm thương với các gia đình chịu thiên tai sau lũ quét ở Làng Nủ

Thầy Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở số 1, xã Phúc Khánh không kìm nén được nước mắt khi nhắc lại chuyện xảy ra một tuần qua: "Cả đêm đó tôi mất ngủ, chỉ mong trời sáng nhanh để đi xuống Làng Lủ. Sau một đêm, trường tôi mất 13 em học sinh và 7 em khác bị thương".

Sáng hôm ấy, gần như cả thị trấn Phố Ràng, huyện lỵ của Bảo Yên đang chìm trong biển nước, bùn đất. Thầy Vinh và một số thây cô đi bộ cả chục km để đến được Làng Nủ, đoạn đường mà thường ngày thầy di chuyển chỉ mất khoảng 30 phút bằng xe máy.

Trung thu Làng Nủ và mong ước nghẹn lòng của con trẻ- Ảnh 1.

Ánh trăng nhô lên sau đỉnh núi Voi đã soi sáng điểm trường mầm non Làng Nủ. Ảnh: Hoàng Chiên

Vừa đi các thầy cô vừa ngẫm thương các em học sinh bởi "các em quá thiệt thòi". 

"Chỗ bị sạt tập trung nhiều học sinh của tôi, các cháu học tốt, rất thông minh, là khu vực nhiều gia đình có điều kiện kinh tế, các cháu gần gũi với các thầy cô giáo. Bây giờ không còn cơ hội gặp các em nữa rồi" – thầy Hiệu trưởng chia sẻ.

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở số 1 xã Phúc Khánh có 13 lớp, hơn 300 học sinh, có 4 lớp ở 4 điểm trường, 9 lớp ở trung tâm cạnh Ủy ban nhân dân xã Phúc Khánh.

Ngoài hiện trường các lực lượng chức năng tìm kiếm cứu hộ, trong trường học, thầy cô xốc lại tinh thần để dọn dẹp để đón các em học sinh trở lại trường. "Chúng tôi mong làm sao các em được hỗ trợ nhiều hơn, sớm tái thiết cuộc sống, vượt qua khó khăn", thầy Vinh nói. 

Trung thu năm nay, Trường Tiểu học và THCS số 1 xã Phúc Khánh không tổ chức liên hoan đêm rằm cho các em học sinh. 

Những năm trước, khi tối đến, trăng dần nhô lên sau đỉnh núi Voi soi xuống mái trường, tiếng hò reo, tiếng hát với chủ đề đêm trăng của các em học sinh quanh mâm cỗ trung thu rộn ràng. 

Trước khi đến Trung thu vài tuần, thầy cô cùng các trò bàn nhau làm đèn ông sao đủ màu sắc, tổ chức cho các em đi rước đèn xung quanh bản làng, khi ánh trăng lên đỉnh núi Voi soi sáng đường quê, bản làng. 

"Thiên nhiên rất khắc nghiệt. Tôi mong muốn nên đưa bộ môn cảnh báo thiên tai, lũ quét vào trong giáo dục ở nhà trường. Nếu có kiến thức phòng ngừa, sẽ hạn chế những hậu quả đau lòng" - Thầy Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng trường Tiểu học cơ sở và Trung học cơ sở số 1, xã Phúc Khánh.

Nhưng đến ngày này, một phần Làng Nủ vẫn còn trong đống bùn của lũ quét, nhà trường cùng các nhà hảo tâm cố gắng bố trí các phần quà tặng các em học sinh nhỏ tuổi, không tổ chức hoạt động nô đùa, vui lễ đêm trăng.

"Nhưng tất cả không trọn vẹn nữa. Mất mát quá lớn" – cô giáo Trường Tiểu học và Trung học cơ sở số 1, xã Phúc Khánh vội lau nước mắt.

Trung thu Làng Nủ và mong ước nghẹn lòng của con trẻ- Ảnh 2.

Thầy Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở số 1, xã Phúc Khánh chia sẻ với Phóng viên Báo điện tử Dân Việt. Ảnh: Phạm Hưng

Ước mong của trẻ nhỏ Làng Nủ

Trong Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên, sáng nay (17/9), bé Hoàng Ngọc Lan (6 tuổi) được bà ngoài chăm sóc, cho gọi điện về nói chuyện với người thân. 

"Nói chuyện xong, cháu quay sang bảo cho cháu về lớp tham gia Trung thu với các bạn", bà Hoàng Thị Thanh, bà ngoại cháu kể.

Gần đấy, cô bé Hoàng Thị Tuynh (học lớp 2 Trường Tiểu học và THCS số 1 xã Phúc Khánh) cũng đòi cậu xin bác sỹ cho về nhà, để "rước đèn ông sao cùng bạn bè trong lớp". 

Đêm nay Trung thu trăng tròn vẫn lên nhưng cô bé Lan hay Tuynh vẫn chưa biết, một phần Làng Nủ nơi mình sinh sống đã không còn, nhiều bạn cùng lớp cũng không còn dự trung thu được nữa. 


Trung thu Làng Nủ và mong ước nghẹn lòng của con trẻ- Ảnh 3.

Bé Hoàng Ngọc Lan (6 tuổi) nói chuyện với người thân qua điện thoại. Ảnh gia đình cung cấp.

Điểm Trường mầm non Làng Nủ một tuần qua tấp nập người ra vào. Nhưng sự ồn ào không phải là tiếng vui đùa, tiếng hát, tiếng ê a học chữ của các cháu. Một nửa sỹ số các cháu của điểm trường đã mất sau thiên tai. Điểm trường trở thành nơi tập kết, phân phối hàng cứu trợ cho người dân gặp thiên tai trong xã.

Trung thu Làng Nủ và mong ước nghẹn lòng của con trẻ- Ảnh 4.
Trung thu Làng Nủ và mong ước nghẹn lòng của con trẻ- Ảnh 5.
Trung thu Làng Nủ và mong ước nghẹn lòng của con trẻ- Ảnh 6.
Trung thu Làng Nủ và mong ước nghẹn lòng của con trẻ- Ảnh 7.
Trung thu Làng Nủ và mong ước nghẹn lòng của con trẻ- Ảnh 8.

Điểm trường Làng Nủ thành nơi tập kết hàng cứu trợ cho bà con bị ảnh hưởng do sạt lở, lũ quét. Ảnh: Phạm Hưng

Những ngày qua, cô Hoàng Thị Nự - Giáo viên Trường Mầm non số 1 Phúc Khánh, phụ trách điểm trường Làng Nủ ngày nào cũng đến điểm trường, hôm nay cô đến không phải trông dạy các cháu, mà tranh thủ dọn dẹp.

Dịp này những năm trước, cô giáo và các phụ huynh cùng chung tay làm Trung thu cho các cháu. Người hái quả, chặt mía, mỗi người một tay làm nên mâm quả đêm rằm. Nhưng năm nay, tất cả đã dừng lại "9 cháu mất, một cháu bị thương, đau lòng lắm", cô giáo khóc nghẹn nói. 

Trung thu Làng Nủ và mong ước nghẹn lòng của con trẻ- Ảnh 9.

Cô Hoàng Thị Nự không kìm được nước mắt khi nhắc đến các "con" của mình, giờ mọi thứ chỉ còn trong ký ức. Ảnh: Hoàng Chiên

Khi nhắc đến các cháu, cô Nự ấn tượng với cháu Nam, bởi cháu đến lớp hay khoe cháu có anh tên là Việt, hai anh em là Việt Nam, con rất yêu Việt Nam, khi đến lớp chọn đồ dùng của mình cháu cũng chọn cái khăn có lá cờ đỏ sao vàng.

Cháu Nam còn hay kể ở nhà con cũng hay mặc áo cờ đỏ sao vàng, có hôm đang học cháu nhìn ra cửa sổ nói cô ơi Việt Nam kìa, tay cháu chỉ về lá cờ trước sân điểm trường mà hét to sung sướng, khuôn mặt thể hiện rõ niềm tự hào.

"Còn bạn Khôi lúc nào cũng gần gũi, hàn huyên ý muốn gần gũi với cô giáo, sống tình cảm vô cùng. Bạn Lộc lúc nào cũng được cô khen đẹp trai nên hay cười lắm. Giờ thì..." – nói đến đây cô Nự lại khóc.

Trung thu Làng Nủ và mong ước nghẹn lòng của con trẻ- Ảnh 10.

Phụ huynh các em nhỏ đến điểm Trường mầm non Làng Nủ chia sẻ cùng các cô giáo. Cô giáo chuyển đến các bé tấm bánh, hộp sữa nhân dịp Trung thu. Ảnh Hoàng Chiên.

Cô Nự buồn, bởi bây giờ thiếu vắng các cháu, cứ nghĩ đến ngày trở lại nhà trường với từng đó chiếc ghế, từng đó cháu ngồi học, vui chơi, giờ những chiếc ghế đó thiếu vắng các cháu, hình bóng ngày nào cũng đến khoanh tay chào cô, cất dép, cất đồ, lấy ghế ngồi, giờ không còn nữa.

Phía sau lưng cô giáo, ghế ngồi, khăn mặt, đồ dùng trang trí phòng học của các cháu đang được xếp ngăn nắp, góc học tập gắn hình ảnh của các cháu, tủ đựng đồ ngay ngắn tên các cháu.  

Sáng nay (17/9), đúng ngày Trung thu, cô Nự xúc động khi 6 phụ huynh đưa con đến động viên, chia sẻ với những mất mát quá lớn đối với cô và điểm trường. Cô giáo cũng gói những phần quà nhỏ tặng Trung thu các em nhỏ. Ai cũng mong, nỗi đau dần sẽ nguôi ngoai, điểm trường lại mở cửa đón các cháu đến chơi đùa. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem