Làm điều không thể thành có thể ở Làng Nủ

Hoàng Chiên - Phạm Hưng Thứ hai, ngày 16/09/2024 10:55 AM (GMT+7)
Những ngày này, guồng quay tái thiết Làng Nủ đã chính thức được khởi động. Chính quyền các cấp ở Lào Cai đang gấp rút thực hiện khu tái định cư trong hoàn cảnh “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể”.
Bình luận 0
Làm điều không thể thành có thể ở Làng Nủ - Ảnh 1.

Anh Hoàng Văn Nhớ, 37 tuổi, đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên mong muốn sớm được về nhà cùng bà con tái thiết Làng Lủ. Video: Hoàng Chiên

Vết thương ở Làng Nủ sẽ lành

Ở Làng Nủ, nỗi đau chưa thể nguôi ngoai nhưng những người còn sống nước mắt đã "nuốt vào bên trong" để hướng về tương lai.

Bà Hoàng Thị Nhận (59 tuổi) ngày qua ngày đến đường bê tông gần nhà văn hóa để ngóng thông tin từ đoàn tìm kiếm.

Gia đình cháu bà Nhận ở khu vực lũ quét Làng Nủ. Nhà có sáu người, năm người chết và mất tích, chỉ còn cháu H.T.L 7 tuổi đang điều trị ở Bệnh viện huyện.

"Cháu L. còn một người chú đi làm việc ở TP Lào Cai nên may mắn thoát nạn. Giờ chỉ mong được sống an toàn, yên ổn. Nhà nước sớm hỗ trợ cho hai chú cháu của gia đình còn sót lại sau lũ", bà Nhận nói.

Thêm nữa, trong nhà vẫn còn mẹ của cháu L mất tích, bà Nhận vẫn ngày ngày chờ đợi ở Làng Nủ để "người sống được yên lòng mà sống tiếp". 

Làm điều không thể thành có thể ở Làng Nủ - Ảnh 2.
Làm điều không thể thành có thể ở Làng Nủ - Ảnh 3.
Làm điều không thể thành có thể ở Làng Nủ - Ảnh 4.
Làm điều không thể thành có thể ở Làng Nủ - Ảnh 5.

Một phần của Làng Nủ đã biến mất khi sạt lở kinh hoàng xảy ra sáng 10/9. Ảnh: Phạm Hưng

Ngồi trên giường bệnh trong Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên, anh Hoàng Văn Nhớ (Sn 1987) đã tỉnh táo hơn rất nhiều. Những người bị thương như anh Nhớ được điều trị tích cực suốt những ngày qua, trường hợp chấn thương nặng đã chuyển lên bệnh viện tuyến Trung ương.

Vài ngày nữa, anh Nhớ và con gái sẽ được xuất viện về làng. Làng Nủ còn, nhưng nhà anh không còn. "Bản thân tôi cũng như nhiều người dân khác rất mong Nhà nước tạo điều kiện sớm bố trí nơi định cư an toàn nhất để khắc phục sự cố hậu quả, cuộc sống trở lại bình thường sớm nhất", anh Nhớ nói.

Gần một tuần sau ngày xảy ra trận lũ quét ở Làng Nủ, những bộn bề công việc ở nơi đây dần được hàng nghìn người chung tay sắp xếp lại.

Các chiến sỹ Bộ đội, Công an, Dân quân tự vệ vẫn cần mẫn từng mét vuông trên đống bùn, dòng suối rộng hơn 24ha để tìm kiếm những người mất tích.

Cách xã từ cả chục km, những đoàn xe cứu trợ từ khắp nơi trong cả nước xếp hàng chờ để chuyển hàng cứu trợ vào tập kết. Hàng hóa, tiền mặt của các nhà hảo tâm được trao tận tay những người dân cần giúp đỡ. 

Làm điều không thể thành có thể ở Làng Nủ - Ảnh 6.
Làm điều không thể thành có thể ở Làng Nủ - Ảnh 7.
Làm điều không thể thành có thể ở Làng Nủ - Ảnh 8.

Ngay trong ngày thứ 2 sau khi vụ sạt lở kinh hoàng ở Làng Nủ xảy ra, đơn vị chuyên môn đã đưa máy móc hiện đại đến bay tìm hiểu nơi có địa hình phù hợp, an toàn để làm khu tái định cư cho người dân. Ảnh: Phạm Hưng

Từ bản Chí Trong, Chí Ngoài, Nà Khem, Nà Phát, … ở xã Phúc Khánh hay tận Vuộc, Chiềng ở xã Lương Sơn, người dân đổ về để cùng góp tay xoa dịu nỗi đau Làng Nủ.

Những ngày qua, nhà ông Hoàng Văn Tề - cách địa bàn sạt lở chừng 500m, trở thành nơi ăn chốn nghỉ cho các chiến sỹ làm công tác cứu hộ. Ông Tề giao việc cho con cháu nấu cơm đãi khách. Những người chưa biết tên nhau, còn chưa quen mặt nhưng cứ đến bữa lại về như những người thân trong gia đình.

"Nhà mình không bị sao, giúp được cái gì thì giúp", người đàn ông dân tộc Tày nói đơn giản.

Nhiều hộ gia đình khác cũng như nhà ông Tề, đón các chiến sỹ, không nề hà hỗ trợ các đoàn công tác khảo sát khu vực. Thậm chí, dù chỉ nghe phong thanh khu tái định cư sẽ ở khu vực nhà mình, đã có người dân rục rịch thu dọn đồ đạc, sẵn sàng thu dọn chờ giải phóng mặt bằng cho các hộ mất hết nhà cửa. 

Làm điều không thể thành có thể ở Làng Nủ - Ảnh 9.
Làm điều không thể thành có thể ở Làng Nủ - Ảnh 10.
Làm điều không thể thành có thể ở Làng Nủ - Ảnh 11.
Làm điều không thể thành có thể ở Làng Nủ - Ảnh 12.
Làm điều không thể thành có thể ở Làng Nủ - Ảnh 13.

Ngay tại hiện trường sạt lở ở Làng Nủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo tỉnh Lào Cai và các ban, ngành liên quan nhanh chóng "tái thiết Làng Nủ" và phải hoàn thành khu tái định cư cho bà con trước 31/12/2024. Ảnh: Phạm Hưng

Sợ lâm họa cũ

Ngay sau ngày Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thị sát hiện trường (12/9), các cấp chính quyền tỉnh Lào Cai đã bắt tay lên phương án đưa dự án tái định cư cho người dân bị mất nhà sau lũ quét ở Làng Nủ.

Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai cho biết: "Hiện nay tỉnh đang thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi đến hiện trường vụ sạt lở hôm 12/9. Chúng tôi tìm vị trí an toàn để thực hiện, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là đến ngày 31/12/2024 phải xong khu tái định cư".

Mục tiêu "an toàn" được vị Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai nhắc đến, cũng chính là nỗi lòng của những người dân thoát nạn sau lũ quét.

Bốn người gia đình ông Hoàng Văn Duân kịp chạy ngay trước cơn lũ ập về, tài sản chỉ còn bộ quần áo mặc trên người. "Chúng tôi mong nhất là có chỗ ở, nhưng phải an toàn", ông Duân chia sẻ. 

Làm điều không thể thành có thể ở Làng Nủ - Ảnh 14.
Làm điều không thể thành có thể ở Làng Nủ - Ảnh 15.
Làm điều không thể thành có thể ở Làng Nủ - Ảnh 16.

Chính quyền địa phương tiến hành kiểm đếm, lên phương án hỗ trợ, đền bù cho người dân để chuẩn bị làm các khu tạm cư và tái định cư ở Làng Nủ. Ảnh: Hoàng Chiên

Những người dân chúng tôi hỏi chuyện, đều mong muốn chỗ ở mới phải an toàn. Trải qua trận lũ quét "không thể tưởng tượng nổi", chứng kiến sức tàn phá của thiên nhiên, người ta như "chim sợ cành cong".

Ông Hoàng Văn Tá (xã Phúc Khánh) chia sẻ: "Nhà tôi cách khu vực lũ quét không xa, nghĩ lại cảnh tượng hôm đấy vẫn sợ, giờ nghe tiếng mưa rơi, nước suối chảy mạnh cũng sợ".

Đáp ứng yêu cầu của người dân, lãnh đạo tỉnh Lào Cai đã cam kết "sẽ khảo sát, đặt vấn đề đảm bảo an toàn lên hàng đầu".

Từ chiều 12/9, thiết bị bay không người lái chuyên dụng đã vè vè khảo sát khắp Làng Nủ và cả các khu vực lân cận. Hết pin, các kỹ sư lại vào nhà dân sạc nhờ điện rồi tiếp tục tìm vị trí an cư khả thi nhất cho người dân.

Gần hội trường Nhà văn hóa thôn, Phòng LĐTBXH huyện Bảo Yên tổ chức lấy ý kiến người dân về hiện trạng và nhu cầu nhà ở sau bão số 3. Theo đó, đã xác định 35 hộ có nhu cầu tái định cư. "Chúng tôi sẽ làm nhanh nhất có thể", một cán bộ nói. 


Làm điều không thể thành có thể ở Làng Nủ - Ảnh 17.
Làm điều không thể thành có thể ở Làng Nủ - Ảnh 18.
Làm điều không thể thành có thể ở Làng Nủ - Ảnh 19.

Sáng 15/9, mặt bằng khu tạm cư đã được thi công, dự kiến hoàn thiện trong vòng 10 ngày. Ảnh: Hoàng Chiên

Bên cạnh đó, người dân cũng đề nghị địa phương bố trị vị trí ở tạm cư trong lúc chờ khu tái định cư hoàn thành. Hơn một ngày sau, địa phương đã xác định khu vực tạm cư, đưa máy móc vào thi công;.

Được biết, mỗi hộ dân sẽ được bố trí từ 50 - 60m2 diện tích đất ở tạm cư trong khoảng thời gian chờ khu tái định cư hoàn thiện. Khu tạm cư được một tập đoàn lớn hỗ trợ toàn bộ chi phí xây dựng, dự kiến hoàn thành trong 10 ngày.

Và, khoảng 72 tiếng đồng hồ kể từ khi Thủ tướng Chính phủ rời hiện trường, tỉnh Lào Cai đã cùng người dân họp bàn chốt phương án xây dựng Làng Nủ mới.

"Làng Nủ đã mất đi một phần, tỉnh sẽ quyết tâm xây dựng Làng Nủ mới tốt hơn cho người dân", ông Trịnh Xuân Trường – Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai khẳng định. 

Làm điều không thể thành có thể ở Làng Nủ - Ảnh 20.
Làm điều không thể thành có thể ở Làng Nủ - Ảnh 21.
Làm điều không thể thành có thể ở Làng Nủ - Ảnh 22.
Làm điều không thể thành có thể ở Làng Nủ - Ảnh 23.
Làm điều không thể thành có thể ở Làng Nủ - Ảnh 24.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai và các đơn vị liên quan tiến hành thực địa, thống nhất phương án xây dựng khu tái định cư cho bà con Làng Nủ bị thiệt hại do sạt lở. Ảnh: Phùng Nam Trung

Khởi động guồng quay tái thiết Làng Nủ

Ngay sau khi dự cuộc họp Hội nghị khắc phục hậu quả bão số 3 được tổ chức trực tuyến do Thủ tướng Chính phủ chủ trì vào sáng 15/9, cả Bí thư và Chủ tịch tỉnh Lào Cai gấp rút lên đường đến 2 địa phương cần xây dựng khu tái định cư cho người dân.

Cung đường đến Làng Nủ (huyện Bảo Yên), đoàn công tác của ông Trịnh Xuân Trường – Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai có thêm thành viên là 2 Phó Chủ tịch tỉnh, Giám đốc một số Sở, ngành và các chuyên gia địa chất.

Vừa đến xã Phúc Khánh, ông Trường cùng các chuyên gia bắt tay ngay vào khảo sát địa chất, thủy văn. Bên cạnh các yếu tố kỹ thuật, chính quyền tỉnh Lào Cai cũng ưu tiên phong tục tập quán của bà con nơi đây khi lựa chọn điểm tái định cư.

Người dân được mời đến nhà văn hóa để họp lấy ý kiến. Hơn 5 giờ chiều, ông Trịnh Xuân Trường cùng đoàn công tác bước vào phòng họp, áo ai cũng vẫn thấm đẫm mồ hôi. 

Làm điều không thể thành có thể ở Làng Nủ - Ảnh 25.
Làm điều không thể thành có thể ở Làng Nủ - Ảnh 26.
Làm điều không thể thành có thể ở Làng Nủ - Ảnh 27.
Làm điều không thể thành có thể ở Làng Nủ - Ảnh 28.

Người dân thôn Làng Nủ ủng hộ 100% phương án tái định cư tại khu đồi trồng sim của một số hộ dân Làng Nủ gần khu đất của Công ty Minh Đức. Ảnh: Phùng Nam Trung

Sau khi bàn thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai trình bày 2 phương án chọn địa điểm xây dựng khu tái định cư.

Thứ nhất, xây dựng Làng Nủ mới giữa cánh đồng rộng khoảng 3ha. Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm là địa hình thấp, hai dòng suối chảy quanh, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra lũ quét.

Thứ hai, khu vực xây dựng Làng Nủ mới tại đồi sim, cách khu vực làng cũ khoảng 2km. Khu vực này có địa hình cao, được cho là an toàn, thuận lợi bố trí hạ tầng giao thông, điện nước.

Làm điều không thể thành có thể ở Làng Nủ - Ảnh 29.

Toàn bộ khu đất rộng hơn 30 ha ở bên phải ảnh đã được lãnh đạo tỉnh Lào Cai và bà con nhân dân Làng Nủ thống nhất xây dựng khu tái định cư. Ảnh: Vũ Thắng


Trao đổi với Dân Việt, ông Hoàng Văn Diệp – Trưởng thôn Làng Nủ xác nhận, 100% người dân đã biểu quyết đồng tình với phương án 2 được chính quyền. "Nhà nước đã tìm vị trí an toàn, bà con không có ý kiến gì khác", ông Diệp nói thêm.

Vị trí xây dựng Làng Nủ mới ở cách địa điểm xảy ra lũ quét khoảng 2 – 3km, được nhiều người dân đánh giá tốt vì "ở chỗ cao, không gần suối".

"Với 6 điểm tựa, kêu gọi đồng bào, đồng chí làm việc một bằng hai, làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm, để góp phần khắc phục hậu quả của siêu bão số 3 để lại ở gần như 26 tỉnh thành ở miền Bắc và góp phần dựng một đất nước Việt Nam hùng cường, nhân dân ta ngày một hạnh phúc, ấm no", Thủ tướng nói tại Chương trình Điểm tựa Việt Nam.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu khu tái định cư phải hoàn thành xong trước 31/12 dù còn bộn bề công việc cần giải quyết. Khi hoàn thành, người dân sẽ được bốc thăm lựa chọn nhà đảm bảo minh bạch, công bằng, dân chủ.

Địa phương sẽ thực hiện kiểm đếm, đo đạc, đền bù giải phóng mặt bằng, vận chuyển nguyên vật liệu lên đồi núi, thi công xây dựng, … Cả núi công việc cần hoàn thành trong 3,5 tháng. "Rất nhiều thủ tục cũng như nhiệm vụ, nhưng chúng tôi quyết hoàn thành", một cán bộ khẳng định chắc nịch.

Cuộc họp chưa kết thúc, đã có cán bộ lên phương án làm việc với các hộ dân cần giải phóng mặt bằng, liên hệ đơn vị vận chuyển máy xúc cỡ lớn đến thi công, …

Có thể nói, ở địa phương miền núi như huyện Bảo Yên, chưa có dự án xây dựng khu tái định cư nào thực hiện trong quãng thời gian ngắn như vậy, với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền như thế. 

Guồng quay tái thiết Làng Nủ đang được thực hiện như một điểm tựa được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu tối 15/9 tại Chương trình Điểm tựa Việt Nam: Tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc ta, của mỗi người khi khó khăn, thách thức, càng áp lực lại càng nỗ lực, phấn đấu vươn lên, vượt qua giới hạn của bản thân với tinh thần "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể".


Làm điều không thể thành có thể ở Làng Nủ - Ảnh 30.
Làm điều không thể thành có thể ở Làng Nủ - Ảnh 31.
Làm điều không thể thành có thể ở Làng Nủ - Ảnh 32.

6 ngày sau khi vụ sạt lở công tác tìm kiếm các nạn nhân mấy tích đang được thực hiện. Hiện còn 14 người đang mất tích. Ảnh: Phạm Hưng

Theo ghi nhận của Dân Việt, sáng nay (16/9) cán bộ địa chính đến đo đạc và vận động các hộ dân để giải phóng mặt bằng. Dự kiến, thời tiết thuận lợi sẽ hoàn thành san gạt mặt bằng trong vòng năm ngày.

"Sắp xếp chỗ ăn chỗ ở tiến độ nhanh như thế là rất đảm bảo, để bà con bớt đi phần nào xót xa khi chưa tìm thấy người thân", ông Trưởng thôn Làng Nủ tâm sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem