Trường Quốc tế thẳng thắn: Chương trình GDPT 2018 khá áp lực, giá thành SGK cao hơn so với chất lượng

Mỹ Quỳnh Thứ bảy, ngày 18/03/2023 08:58 AM (GMT+7)
Đại diện Trường Quốc tế TP.HCM cho rằng, chương trình GDPT 2018 khá áp lực, một số bài học có độ khó cao so với năng lực ngôn ngữ của học sinh quốc tế. Bên cạnh đó, giá thành SGK cao hơn so với chất lượng.
Bình luận 0

Từ ngày 16/3 đến ngày 18/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đến và làm việc tại nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM về thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 (ngày 28-11-2014) và Nghị quyết số 51/2017/QH14 (ngày 21-11-2017) của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Trường Quốc tế thẳng thắn: Chương trình GDPT 2018 khá áp lực, giá thành SGK cao hơn so với chất lượng  - Ảnh 1.

Ông Đỗ Chí Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: MQ

Tại Trường Quốc tế TP.HCM (TP.Thủ Đức, TP.HCM), ông Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cùng đoàn giám sát đi tham quan cơ sở vật chất, đến các phòng như phòng học, thư viện, phòng vẽ tranh, hồ bơi, sân bóng...

Ông Nghĩa cho biết, việc khảo sát cơ sở giáo dục ngoài công lập là để lắng nghe và đánh giá hiệu quả triển khai chương trình mới, ghi nhận những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Chương trình khá áp lực, giá thành SGK cao

Tại buổi làm việc, bà Phạm Thị Phương Thảo, phụ trách đối ngoại Trường Quốc tế TP.HCM cho biết, trường hiện có 3 cơ sở với 1.700 học sinh. Học sinh của trường có đến 61 quốc tịch và 12 ngôn ngữ khác nhau. Đội ngũ của trường có 202 giáo viên và 268 cán bộ, nhân viên.

Trường Quốc tế thẳng thắn: Chương trình GDPT 2018 khá áp lực, giá thành SGK cao hơn so với chất lượng  - Ảnh 2.

Một góc nhỏ trong thư viện tại Trường Quốc tế TP.HCM. Ảnh: MQ

Đối với việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018, bà Thảo cho biết, năm học 2020-2021, trường có 22 học sinh khối 1 tham gia học. Năm học 2021-2022, khối lớp 2 có 19 học sinh, khối 6 có 54 học sinh. Năm học 2022-2023, khối 3 có 21 học sinh, khối lớp 7 có 58 học sinh và khối lớp 10 có 85 học sinh theo học CT GDPT 2018.

Bà Thảo cho biết, ngoài các thuận lợi khi triển khai chương trình như nội dung chương trình phát triển được năng lực, phẩm chất học sinh, chủ đề rõ ràng, dễ dàng kết hợp với chương trình tú tài quốc tế của trường thì đơn vị này cũng gặp khá nhiều khó khăn khi triển khai chương trình GDPT 2018 cho học sinh.

Trong đó, khó khăn lớn nhất là trình độ tiếng Việt của học sinh còn hạn chế và chưa đồng đều do đặc trưng gia đình và môi trường sống. Các em học tập và sinh hoạt trong môi trường quốc tế nên thời gian tiếp xúc và sử dụng tiếng Việt còn ít.

Bên cạnh đó, học sinh thay đổi môi trường học tập thường xuyên nên việc học và sử dụng tiếng Việt bị gián đoạn, không đồng nhất và lâu dài. Dù học sinh có quốc tịch Việt Nam nhưng sống ở nước ngoài từ nhỏ, ít sử dụng tiếng Việt nên gặp nhiều khó khăn khi học theo chương trình của Bộ GDĐT. Học sinh ở trường quốc tế có số giờ học tiếng Việt rất ít, nên không đủ thời lượng để truyền tải số lượng kiến thức lớn.

Trường Quốc tế thẳng thắn: Chương trình GDPT 2018 khá áp lực, giá thành SGK cao hơn so với chất lượng  - Ảnh 4.

Nhà trường tổ chức nhiều hoạt động ngoài giờ để học sinh có môi trường tương tác với tiếng Việt. Ảnh: MQ

Đánh giá về SGK, đại diện nhà trường cho rằng, ngoài các ưu điểm như hình ảnh đẹp, phong phú, phù hợp với sự phát triển lứa tuổi, có nhiều bộ SGK để lựa chọn... thì chương trình mới khá áp lực, một số tác phẩm được lựa chọn trong sách giáo khoa có độ khó cao so với năng lực ngôn ngữ của học sinh quốc tế. Thêm vào đó, giá thành SGK cao hơn so với chất lượng (SGK có chất lượng không bền, dễ rách, nhanh phai màu).

Việc phát hành SGK cũng được trường quốc tế này quan tâm, bởi hiện nay SGK không được bán rộng rãi ở nhà sách. SGK cũng được bán theo bộ nên gây khó khăn cho phụ huynh, bởi đặc thù của trường quốc tế chỉ sử dụng sách một vài môn học trong chương trình.

Bà Tạ Thị Minh Thư, Trưởng phòng Quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập, Sở GDĐT TP.HCM cho biết, sở thường xuyên kiểm tra, theo dõi các hoạt động thực hiện chương trình mới tại hệ thống ngoài công lập.

Theo quy định hiện nay, học sinh người Việt học tại các trường quốc tế phải học chương trình tiếng Việt và môn Việt Nam học. Đối với học sinh có quốc tịch nước ngoài, ngành giáo dục khuyến khích học chương trình tiếng Việt và các môn học tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Việt Nam.

Hiện nay, thời lượng dạy tiếng Việt cho học sinh Việt Nam tại trường quốc tế được quy định như sau: bậc mầm non học chương trình tiếng Việt là 2 lần/tuần, thời gian học từ 25-35 phút. Bậc tiểu học quy định thời lượng chương trình tiếng Việt là 140 phút/tuần; bậc THCS là 90 phút/tuần.

Bà Thư nhận định, vì thời lượng để học chương trình tiếng Việt hiện nay khá ít nên các trường quốc tế rất vất vả trong việc dạy chương trình tiếng Việt cho học sinh. Bà Thư cho biết, sắp tới sở sẽ kiến nghị với bộ để tăng thêm thời lượng học cho các trường.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem