Từ 30/7, người dân gặp nguy hiểm nếu tự ý xâm nhập nhà ga Cát Linh-Hà Đông

Nguyễn Đức Thứ hai, ngày 30/07/2018 16:50 PM (GMT+7)
Người dân xâm nhập trái phép vào công trường thi công tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Bình luận 0

Clip: Tàu Cát Linh - Hà Đông chạy thử nghiệm (Clip: Lê Đức Hiếu)

Ngày 30/7, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã bắt đầu được đóng điện qua ray tiếp xúc trên toàn tuyến để phục vụ công tác thi công từng hạng mục thiết bị, chạy thử toàn dự án trong tháng 8/2018.

Để đảm bảo an toàn, Ban quản lý khuyến cáo mọi người không tự ý xâm nhập vào công trường; không tự ý tháo dỡ các thiết bị và tài sản của dự án hay lắp dựng cây, cột bằng kim loại, các loại cột gỗ tươi để tránh va chạm gây phóng điện.

Đại diện Ban quản lý dự án cho biết thêm, thời gian qua, một số người dân đã xâm nhập trái phép vào khu vực công trường đang thi công và do khu vực này rộng lớn nên bảo vệ không thể ngăn chặn triệt để. Khi các hạng mục được đóng điện, việc người dân tự ý xâm nhập vào công trường sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành thử nghiệm trên toàn tuyến trong tháng 8. Thời gian chạy thử nghiệm tàu từ 3-6 tháng, sau đó tùy vào kết quả, cơ quan chức năng sẽ quyết định thời điểm đưa tàu vào khai thác thương mại.

Ông Vũ Hồng Phương, Quyền Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông cho biết thêm, đến thời điểm hiện tại, dự án đã hoàn thành được 96 % khối lượng xây lắp (chưa bao gồm phần thiết bị). Hiện tại, các công nhân đang tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại bao gồm nhà ga tàu.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông khởi công từ tháng 10/2009, có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD vào năm 2008. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD.

Đến năm 2016, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư là 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD). Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669,62 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 198,42 triệu USD. Phần vốn vay Trung Quốc tăng thêm 250 triệu USD so với trước đây.

Dự án có chiều dài 13 km, gồm 12 ga đi trên cao. Dự kiến ban đầu đưa vào khai thác tuyến đường sắt năm 2016 nhưng phải điều chỉnh lùi đến năm 2018 mới khai thác thương mại.

Clip: Đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông lao vun vút trên đường ray

Đoàn tàu chạy thử nhiệm trên quãng đường dài 1,5km, với vận tốc 40km/h.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem