Từ "thủ phủ" hoa anh túc nghèo triền miên, nay ngát xanh cây chè

Quốc Định Thứ bảy, ngày 27/07/2019 18:45 PM (GMT+7)
Trước đây, xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La), từng nổi danh là vùng đất của cây thuốc phiện, với không ít người rơi vào cảnh nghiện ngập... Hôm nay, thay vào cảnh đó là những đồi chè, mận, đào… xanh ngát, đang mang đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi nhà.
Bình luận 0

Nhà nhà trồng hoa anh túc

Từ lâu, trên vùng đất cao nguyên xã Vân Hồ, cây chè đã khẳng định được thương hiệu, mang đến cuộc sống ấm no, ổn định cho đồng bào dân tộc Mông, Thái, Mường… nơi đây. Đến nay, cây chè vẫn đang trở thành cây trồng mũi nhọn góp sức làm cho cuộc sống đổi thay trên vùng đất ma túy.

Chỉ tay về phía những đồi chè xanh ngát trải dài trên các triền đồi, ông Mùi Văn Hoạt - nguyên Chủ tịch UBND xã Vân Hồ vẫn còn nhớ như in những câu chuyện của nhiều năm trước: Trước đây, hầu hết ở những khu vực này đều là nương thuốc phiện. Từ năm 1990 trở về trước hầu hết nhà nào cũng trồng cây thuốc phiện, nhiều nhất là đồng bào Mông. Trong số 14 bản thì có tới 9 bản Mông trồng thuốc phiện. Thuốc phiện cũng là cây trồng chủ lực được người dân trồng đại trà để phát triển kinh tế gia đình.

Theo thống kê vào thời điểm đó, trên địa bàn xã Vân Hồ có hơn 300ha trồng thuốc phiện, rất nhiều người nghiện. An ninh trật tự luôn trong tình trạng bất ổn, nạn trộm cắp gia súc, gia cầm… hoành hành.

img

  Người dân xã Vân Hồ đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc và thu hái chè. (Ảnh: Quốc Định)

Theo những già bản kể lại, cây thuốc phiện trồng dễ hơn cả cây ngô, cây lúa. Đất chỉ cần làm sạch cỏ, bỏ hạt xuống là cây lên tốt um, đến mùa cứ thế thu hoạch. Sau Tết, bà con cùng nhau kéo lên nương cả tháng trời để thu hoạch thuốc phiện. Với người Mông Vân Hồ trước kia, họ hút thuốc phiện như ăn cơm. Trong nhà có đám cưới, đám hỏi, ma chay, khách đến thăm… người Mông lấy thuốc ra mời nhau hút, bày tỏ sự quý mến khách. Chính vì thế mà người nghiện ma túy rất nhiều.

Ông Hoạt cho hay: “Thời điểm tôi làm Phó Chủ tịch kiêm Trưởng công an xã, tôi còn nhớ rất rõ, có những đối tượng trộm đến 7 con trâu, bò. Tại xã Vân Hồ còn rất nhiều đối tượng nghiện nên sinh ra trộm cắp nhiều đến nỗi không thể đếm xuể, chuyện trộm lợn, gà, vịt… xảy ra thường xuyên, người dân trong vùng rất bức xúc. Cái đói, cái nghèo bao trùm lên khắp bản trên, bản dưới, nhiều người vướng vào vòng lao lý, tù tội, vợ mất chồng, cha mẹ mất con, con cái bơ vơ không nơi nương tựa…”.

Màu xanh của ấm no

Giờ đây, những câu chuyện đó không còn nữa, nạn nghiện ma túy, trộm cắp đã trở thành quá khứ. Người dân sống đoàn kết, chăm chỉ lao động sản xuất, biết phát huy tiềm năng thế mạnh địa phương trồng chè, trồng cây ăn quả để phát triển kinh tế gia đình. Năm 1993, sau khi thực hiện Nghị quyết 06/NQ/CP về chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện, cùng sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ cây thuốc phiện và định hướng cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng chè, trồng cây ăn quả thay thế cho cây thuốc phiện. Từ đó, tình trạng trồng cây thuốc phiện ở Vân Hồ được dứt bỏ. 

Hiện nay, giá chè đang dao động ở mức 6.000 - 7.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm bà con bán được 12.000 -13.000 đồng/kg. Nhờ đó, đời sống người dân không ngừng nâng lên, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới của xã”.
ông Lường Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Vân Hồ

Cây chè được đưa về trồng trên địa bàn xã Vân Hồ từ năm 1997. Mới đầu được Công ty chè của Nông trường chè Mộc Châu “đỡ đầu” hỗ trợ người dân về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc. Chỉ sau một thời gian ngắn, trồng chè đã trở thành phong trào được bà con xã Vân Hồ tích cực hưởng ứng, diện tích ngày càng được nâng lên. Tính đến nay, trên địa bàn xã có trên 300ha chè, với các giống chè shan tuyết, bát tiên...

Trải qua nhiều thăng trầm người dân trồng chè ở Vân Hồ đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, thu hái, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, như: Sử dụng phân bón, kỹ thuật cắt tỉa, đầu tư máy hái chè…

Trồng chè, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm, đời sống kinh tế ngày một nâng lên, góp phần làm cho diện mạo nông thôn mới xã Vân Hồ đổi thay từng ngày. Đến nay, tỷ lệ thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 26 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm hiện chỉ còn 11,59%.

Nhớ về quá khứ nghèo đói trước đây, ông Mùa A Váng (80 tuổi) ở bản Pa Chè, giọng trầm ngâm: “Từ khi Nhà nước vận động bỏ cây thuốc phiện sang trồng chè, cuộc sống gia đình khá lên. Tôi đã làm được nhà to, mua được xe máy, con cháu được đi học, không còn lo cái đói cái nghèo nữa”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem