Tuổi trẻ trải dài đường Trường Sơn

Chủ nhật, ngày 18/05/2014 06:58 AM (GMT+7)
Tôi đi bộ đội năm 17 tuổi và vào thẳng Trường Sơn phục vụ cho đến gần 20 năm sau thì mới chuyển sang đơn vị khác. Có thể nói cả thời tuổi trẻ của tôi đã trôi qua ở đây...
Bình luận 0
Kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống của chúng tôi, có rất nhiều câu chuyện về tình người, về những cống hiến của những con người đã gắn bó với con đường này mà tôi muốn kể…

Những chiến công đặc biệt

Ngày 19.5.1959 thực hiện Nghị quyết 15 của Đảng, thường trực Tổng quân ủy thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” nhằm mở đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam. Biên chế ban đầu của đoàn là 500 cán bộ chiến sĩ lấy phiên hiệu là Đoàn 559 do thượng tá Võ Bẩm là đoàn trưởng. Đoàn bắt đầu đi từ Khe Hó phát triển đến trạm cuối cùng là Pa Lin tiếp giáp với Liên khu 5, khẩu hiệu của đoàn lúc đó là “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.

Ngày 13.8.1959, chuyến hàng đầu tiên vượt Trường Sơn đã tới tay quân dân Liên khu 5. Chuyến hàng tuy ít ỏi nhưng làm nức lòng đồng bào đồng chí. Sau khi được Đảng và 2 nhà nước Việt Nam - Lào chấp thuận, tháng 6.1961, Đoàn 559 đã lật cánh sang tây Trường Sơn mở tuyến chi viện qua đất bạn Lào với gần 200km đường cho xe cơ giới. Ngày 13.10.1961 Bộ Quốc phòng ra quyết định phát triển Đoàn 559 tương đương cấp sư đoàn. Từ đó, con đường huyết mạch này đã cung cấp cho chiến trường miền Nam hàng trăm nghìn tấn vũ khí, hàng dân dụng, gạo, thuốc men; đưa đón cán bộ chiến sĩ vào tăng cường cho chiến trường…

Mỹ ngụy đã ồ ạt nhiều lần dùng bộ binh và máy bay tấn công nhằm cắt đứt hành lang vận chuyển này nhưng đều thất bại thảm hại, ví dụ như cuộc “hành quân Lam Sơn 12”. Đoàn 559 cũng được tăng cường thêm các trung đoàn vận tải cơ giới, trung đoàn công binh, các tiểu đoàn pháo… Ngày 18.11.1964, lực lượng bảo vệ phòng không Tây Quảng Bình đã dũng cảm bắn rơi máy bay Mỹ. Trong trận chiến đấu này đã xuất hiện tấm gương dũng cảm của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân với lời hô: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”.

Tôi nhớ ngày 3.4.1965, Quân ủy Trung ương nâng cấp Đoàn 559 thành Bộ Tư lệnh 559 tương đương cấp Quân khu. Tháng 7.1967 Bộ Tư lệnh 559 tổ chức mừng công lần thứ ba đón nhận Huân chương Quân công hạng Nhất. Đến thời điểm này các phương tiện thông tin đại chúng lần đầu tiên được phép tuyên truyền về các tổ chức hoạt động của Đoàn 559 với tên gọi “Đoàn vận tải quân sự Quang Trung”.

Nói về chiến công, những người lính Đoàn 559 đã góp nhiều công lao quan trọng cho các chiến thắng Mậu Thân 1968, chiến dịch Đường 9 Nam Lào 1969, chiến dịch giải phóng Quảng Trị hè 1972 và đặc biệt tham gia vào cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1975. Ban Sư đoàn của Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã trực tiếp tham gia giải phóng Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột. Trong thời gian chiến tranh, cán bộ chiến sĩ đường Trường Sơn đã từng được đón Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phidel Castro… và nhiều cán bộ cao cấp khác. Bộ đội Trường Sơn đã được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang, được tặng Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Sao Vàng cao quý. 82 đơn vị và 47 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng.

Đám cưới vui thời chiến

Con đường này ác liệt nổi tiếng, đổ nhiều xương máu, nhưng câu chuyện kỷ niệm tôi muốn nhớ là những gì đẹp và thơ. Tôi nhớ nhất có một thời gian, nhà thơ Phạm Tiến Duật công tác tại đơn vị chúng tôi. Lúc đó bài thơ “Tiểu đội xe không kính” của anh bắt đầu nổi tiếng. Đầu mùa mưa năm 1970, anh Văn Lượng, phóng viên nhiếp ảnh của Thông tấn xã Việt Nam vào công tác có tâm sự với tôi: “Tuấn ơi! Cậu làm ơn tìm hộ tôi một chiếc xe không kính để chụp”. Tôi nói: “Tưởng gì chứ xe không kính thì bọn tôi có hàng chục cái”. Sau đó, tôi bố trí 5-6 xe không kính thật chạy đi chạy lại để anh tác nghiệp.

Từ năm 1989, Ban liên lạc CCB Trường Sơn khu vực Hà Nội ra đời với nhiều hoạt động truyền thống tốt đẹp, từ đó nhiều ban liên lạc ở các khu vực địa phương cũng được hình thành. Ngày 13.5.2011 Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam được thành lập. Chúng tôi đã suy tôn đồng chí Đồng Sỹ Nguyên - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn làm Chủ tịch danh dự. Trong thời gian qua Hội đã xây dựng được 1.025 ngôi nhà tình nghĩa trị giá 52,5 tỷ đồng, tặng 342 học bổng cho con hội viên, tặng hàng chục nghìn phần quà cho hội viên nghèo trị giá hơn 8 tỷ đồng…
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn

Xong chuyện “tiểu đội”, anh Lượng lại đề nghị tôi bố trí chụp điển hình cá nhân. Tôi gọi Kim Ngọc Quảng, người vừa được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cuối năm 1969 ra để chụp. Sau này bức ảnh Anh hùng Kim Ngọc Quảng đội mũ sắt ngồi trong buồng lái xe không kính đã trở thành biểu tượng.

Mối tình của tôi cũng đã diễn ra ở trên dải Trường Sơn. Dường như bài thơ “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” của nhà thơ Phạm Tiến Duật có hình ảnh của chúng tôi trong đó. Người yêu tôi là một cô gái quê Phú Thọ được cử vào công tác trong này. Sau khi chúng tôi báo cáo tổ chức và thủ trưởng các cấp để xin chuẩn bị đám cưới thì mới phát sinh chuyện đăng ký kết hôn ở đâu.

Bàn đi tính lại, cuối cùng chúng tôi thống nhất là quay về hậu cứ của Bộ Tư lệnh để đăng ký ở xã Hương Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình). Phó Chính ủy Lê Xy còn viết một lá thư dài cho Ủy ban UBND xã để trình bày hoàn cảnh của chúng tôi và đề nghị giúp. Ngày cưới, vợ tôi không có bộ cánh nào khác ngoài quân phục. May mà Viện Quân y 59 gần đó có mấy cô em cho mượn áo cánh trắng quần đen còn tôi thì mặc quân phục. Lễ cưới đạm bạc nhưng rất vui, đơn vị đóng góp 1 bao tải bánh bích quy. Cũng có ban nhạc của anh Hoàng Thực (anh trai ca sĩ Hoàng Chè), khi anh hát thì mấy anh em khác lấy nắp xoong đệm nhạc.

Hôm cưới, các cháu thiếu nhi trong các xóm đến xem đám cưới rất đông như đi xem văn công. Chúng tôi phát bánh cho các cháu. Sáng hôm sau vợ chồng tôi quay ra Hà Nội để thăm và báo cáo bố mẹ hai bên. Ở đây đã xảy ra một chuyện rất vui là những lá thư của chúng tôi thông báo cho hai gia đình nội ngoại về chuyện thành lập gia đình chưa ra đến nơi nên cả hai bên đều ngạc nhiên vì sự xuất hiện đột ngột của vợ chồng tôi, nhưng sau đó cả nhà đều rất vui vì nghĩ: “Khi đi chỉ một khi về cả đôi” là mừng.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn/Thiên Việt (ghi) ( Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn/Thiên Việt (ghi))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem