Sau khi biết điểm kỳ thi THPT Quốc gia 2015, Bộ GD-ĐT đã dành cho các thí sinh 20 ngày để “ngắm nghía”, nghiên cứu để đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1. Sự rộng rãi ấy của Bộ Giáo dục-Đào tạo tưởng đâu sẽ tạo điều kiện “ngày rộng, tháng dài” cho các thí sinh nhưng đây thực sự là một sự “tra tấn” tinh thần mà hàng nghìn gia đình thí sinh đang gánh chịu.
Lo thi đã mệt, giờ các thí sinh lại tiếp tục "đấu trí" như buôn chứng khoán.
Nếu như ở những kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng trước, tháng 8 là giai đoạn thí sinh thảnh thơi chờ kết quả xét tuyển của các trường; thì trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm nay, sau khi biết điểm, các em phải bắt đầu cuộc đua nguyện vọng 1.
Mới đi qua 10 ngày, nhưng với nhiều gia đình thí sinh là cả một quãng thời gian dài dằng dặc và nặng nề. Ngày nào họ cũng phải dõi theo thông tin cập nhật tình hình tuyển sinh của trường đại học mình đã và sẽ nộp hồ sơ.
Từ trước đó, nhiều chuyên gia giáo dục đã khuyến cáo tình trạng thí sinh “ém hồ sơ” rồi “chạy nước rút” để rút hồ sơ, thay đổi nguyện vọng, rất dễ dẫn đến tình trạng quá tải. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT tỏ ra khá bình tĩnh và cho rằng sẽ không có chuyện đó xảy ra.
Nhưng những gì mọi người lo lắng cả tháng trước đã xảy ra trong những ngày qua. Nhiều thí sinh thay đổi nguyện vọng đến rút hồ sơ, nhiều trường xảy ra tình trạng thí sinh ồ ạt đến rút hồ sơ khiến những người làm tuyển sinh trở tay không kịp, còn các thí sinh khác thì hoang mang. Vì những diễn biến đang xảy ra sẽ ảnh hưởng tới thứ hạng điểm số trong “bảng xếp hạng” của trường. Sự hoang mang ấy không phải chỉ xảy ra ở trường bị thí sinh rút hồ sơ mà “lây lan” sang cả các trường khác. Thí sinh các trường khác lại lo sợ các bạn rút hồ sơ sẽ nộp cùng chỗ và tình hình lại tiếp tục biến động. Hiệu ứng "domino" đang xảy ra và cuối cùng chỉ khổ cho các thí sinh và các trường.
Đổi mới mà sao khổ thế này?
Những năm trước, vừa mới năm ngoái chứ chẳng phải xa xôi gì, thí sinh thi xong, biết điểm là biết đỗ hay trượt đại học rồi. Tâm lý chung của các bậc phụ huynh, dù có phải tổ chức 2 kỳ thi, tốn kém hơn 1 kỳ thi nhưng tiền bạc bỏ ra để “mua” sự an tâm thì chả ai tiếc cả. Tốn kém một chút, đưa con đi thi nhưng ai cũng thấy thoải mái. Thi xong nửa tháng là biết đỗ hay trượt. Giờ này mọi năm, nhiều gia đình đã tổ chức ăn mừng vì con đỗ đại học, nhưng năm nay, chưa ai dám động tĩnh gì, dù con có điểm thi khá cao.
Mà nếu như Bộ GD-ĐT nói là việc tổ chức 1 kỳ thi chung tiết kiệm chi phí cho các gia đình cũng chưa chắc đã đúng. Anh Nguyễn Hải Đăng (Thanh Xuân, Hà Nội) có con đi thi năm nay chia sẻ: Con tôi thi được 24,5 điểm, nộp hồ sơ vào khoa “hot” của Đại học Ngoại thương từ những ngày đầu tháng. Đến hôm nay (12/8) thì đã không còn hy vọng vào được khoa này. Còn vào các khoa khác của trường thì con tôi lại không thích. Thế là vợ chồng tôi đành làm theo cách “ăn chắc hơn”, nộp hồ sơ vào khoa Báo chí của ĐHKHXH-NV và nộp lệ phí 2 triệu đồng. Nộp lệ phí và hồ sơ chỉ để khẳng định đây là nguyện vọng 1 nhưng chắc chắn con tôi sẽ không học trường này mà chỉ đặt cọc cho trường hợp xấu nhất là không đỗ vào Đại học Ngoại thương”.
Trường hợp của con anh Nguyễn Hải Đăng có thể thấy, dù thí sinh đã nộp tiền để khẳng định sẽ vào học nhưng vẫn là “ảo”. Và tiêu chí tiết kiệm hơn trong kỳ thi này đã không đạt vì gia đình anh đã chấp nhận mất số tiền 2 triệu đồng nộp cho 1 nguyện vọng để làm phao cứu sinh.
Còn một điểm nữa, với cách làm năm nay, những gia đình ở xa “chết tiền” đi lại, và tốn phí công sức để nộp hồ sơ, rút hồ sơ. Gần nửa tháng qua, thí sinh và gia đình đều ăn ngủ không yên, chầu trực bên máy tính, suốt ngày vào mạng để cập nhật tình hình. Và mấy ngày gần đây lại đổ về các thành phố lớn để rút hồ sơ, nộp hồ sơ và lại chờ đợi kết quả. Tốn kém và lãng phí vô cùng, thậm chí gây bức xúc nhưng không biết có ai hay?
Sau những ngày tiếp nhận hồ sơ, nhiều trường đại học đã rút ra những thực trạng mà Bộ GD-ĐT chưa lường hết. Cụ thể:
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong mỗi đợt xét tuyển, thí sinh được đăng ký 4 nguyện vọng vào 4 ngành của một trường đại học theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Quy định này dẫn đến tình trạng nguyện vọng “ảo” ở các ngành, khoa của một trường, gây khó khăn cho việc theo dõi hồ sơ và dự báo cơ hội trúng tuyển. Lo lắng này đã được đặt ra trước đó nhưng Bộ GD-ĐT khẳng định là lượng thí sinh ảo sẽ rất ít và thuận lợi cho việc xét tuyển nguyện vọng 2, vì sau khi xét xong nguyện vọng 1 thì các trường đã tuyển “hòm hòm” chỉ tiêu.
Để nhanh chóng cập nhật thông tin hồ sơ xét tuyển, bên cạnh việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, sắm mới nhiều trang thiết bị, tăng cường gấp đôi đội ngũ nhân lực so với mọi năm, nhiều trường còn thiết kế luôn một phần mềm tuyển sinh riêng. Thế nhưng những đơn vị này vẫn không thoát khỏi những xáo trộn trong quá trình xử lý dữ liệu thí sinh.
Và một lo lắng nữa là sự mất cân đối giữa số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển và chỉ tiêu tuyển. Nếu chênh lệch này quá lớn sẽ dẫn đến việc rất nhiều thí sinh không trúng tuyển được. Khi đó, hoặc là các em phải bỏ nguyện vọng một, hoặc phải rút hồ sơ trong thời hạn quy định.
Kỳ thi năm nay, không ai dám đưa ra lời khuyên chắc chắn nào cho các thí sinh và gia đình các em. Tất cả chỉ dừng lại ở “khuyến cáo”. Các thầy ở các trường khuyến cáo các em cân đối điểm để rút hồ sơ. Bộ GD-ĐT khuyến cáo các em nên thường xuyên cập nhật thông tin… Tất cả 12 năm đèn sách, đến giờ tưởng đã được "xả hơi" nhưng đa phần các em vẫn sống trong lo âu, thấp thỏm.
Sang năm, theo GS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, vẫn phải thi theo cách này, nhưng phải thay đổi rất nhiều thứ, từ cách làm, việc tổ chức thi đến công bố điểm./.
Vũ Hạnh (VOV)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.