Vận chuyển tiêu thụ xăng giả bị xử lý như thế nào?
Vận chuyển tiêu thụ xăng giả bị xử lý như thế nào?
Thế Anh
Thứ năm, ngày 25/02/2021 19:01 PM (GMT+7)
Người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo các lực lượng chức năng xử lý nghiêm đối với các tổ chức vận chuyển tiêu thụ xăng giả.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án "đường dây hơn 200 triệu lít xăng giả" để điều tra về 3 hành vi: buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và mua bán hóa đơn trái phép.
Hiện vụ án đang được điều tra mở rộng. Tính đến chiều 20/2, có 33 đối tượng phạm tội, trong đó có đối tượng được xác định cầm đầu là Phan Thanh Hữu (64 tuổi, ngụ TP HCM) đều bị khởi tố để điều tra về hành vi buôn lậu; các hành vi phạm tội khác của các bị can đang được cơ quan công an làm rõ.
Đối với "ông trùm" hóa đơn giả Lê Thanh Trung (38 tuổi, ngụ TP Cần Thơ), một thành viên quan trọng trong đường dây, Công an tỉnh Đồng Nai đang tạm giữ hình sự, củng cố hồ sơ làm rõ hành vi phạm tội.
Hàng giả ở đây là xăng, hằng ngày đường dây này cung cấp trung bình trên 1.000.000 lít xăng giả, kém chất lượng ra thị trường. Tính từ tháng 8/2020 đến nay, các đối tượng đã cung cấp ra thị trường 200 triệu lít xăng giả, kém chất lượng.
Để ngăn chặn tình trạng vận chuyển tiêu thụ xăng giả, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cục chuyên ngành và các Sở Giao thông Vận tải tăng cường quản lý chất lượng mặt hàng xăng dầu.
Người đứng đầu ngành Giao thông chỉ đạo, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép xăng dầu thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo các lực lượng chức năng xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về vận chuyển hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Các cơ quan liên quan phải xử lý nghiêm hành vi chiếm đoạt xăng dầu, pha tạp chất không đúng quy chuẩn vào bồn, téc chứa xăng dầu trên đường vận chuyển, hành vi sang mạn, chuyển tải xăng dầu trái quy định đặc biệt là người đứng đầu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực phụ trách.
Bên cạnh đó, các đơn vị ngành giao thông kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các đầu mối giao thông, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và hàng không; đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm để kịp thời phát hiện các hành vi vận chuyển trái phép xăng dầu đồng thời xây dựng và triển khai kế hoạch, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động vận chuyển trái phép xăng dầu.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị cần kiểm soát chặt chẽ tại các đầu mối giao thông (bến xe, nhà ga, cảng) từ khu vực biên giới, cửa khẩu, vùng biển vào các địa bàn nội địa; kiên quyết từ chối vận chuyển trái phép xăng dầu.
Người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Thủ trưởng bến xe, nhà ga, cảng và doanh nghiệp vận tải phải chịu trách nhiệm về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong bốc, xếp và vận chuyển đặc biệt là các loại xăng dầu tại đơn vị mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.