"Vết xe đổ" tái diễn với sầu riêng - "vua" trái cây mùa hè

Nguyên Vỹ Thứ sáu, ngày 05/06/2020 06:25 AM (GMT+7)
Từ giữa tháng 5, giá sầu riêng rớt mạnh. Câu chuyện chặt bỏ, đổ xô trồng mới, khiến trái cây ùn ứ rồi rớt giá không còn lạ. Năm nay, vết xe đổ lại tái diễn với sầu riêng - “vua” của các loại trái cây mùa hè.
Bình luận 0

Đỏng đảnh với thị trường

Những năm gần đây, lo ngại tình trạng dội chợ khi cây ăn trái bước vào vụ thu hoạch rộ, nhiều nhà vườn đã xử lý cho cây ra hoa đậu trái sớm để mang lại hiệu quả cao, tăng thu nhập cho gia đình.

Bớt than thở về giá sầu riêng! - Ảnh 1.

Bà Đặng Thị Thúy Nga (trái) giới thiệu các mặt hàng trái cây của nông dân Đồng Nai sản xuất. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hiện tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đạt gần 54.000ha, tăng trên 2.800ha so với năm 2018 và tăng gần 7.000ha so với năm 2017. Các cây trồng có diện tích tăng mạnh là chuối, thanh long, sầu riêng, bưởi…

Đầu tháng 5, nông dân ở Đồng Nai bước vào thu hoạch sầu riêng. Giá đầu vụ được thương lái thu mua tận vườn ở mức cao, 55.000 - 65.000 đồng/kg. 

Bà Hoàng Thị Xuân (ở huyện Cẩm Mỹ) cho biết, giá này đã cao hơn 10.000 đồng/kg so với đầu vụ năm ngoái. Sau khi trừ chi phí, nhiều nông dân có thể lãi khoảng 350 triệu đồng/ha, hoặc hơn nếu chăm sóc tốt.

Đến giữa tháng 5, sầu riêng Ri6 và sầu riêng Thái Lan được thương lái cắt tại vườn chỉ còn 27.000 - 30.000 đồng/kg. Anh Nguyễn Ngọc Thanh (nông dân ở TP.Long Khánh) cho biết, giá này thấp hơn so với chi phí đầu tư. Vì thế, gia đình anh không cắt và bán sớm mà để chín rụng tự nhiên. Lúc đó, giá bán cao hơn, từ 40.000 - 50.000 đồng/kg.

Bà Đặng Thị Thúy Nga - Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (huyện Xuân Lộc) kể, nông dân vẫn biết cách xoay trở trong những tình huống khó khăn. Ngay cả khi giá sầu riêng xuống 30.000 đồng/kg, nông dân vẫn không lỗ. Vì thực tế, giá thành sản xuất sầu riêng chỉ 27.000 - 28.000 đồng/kg.

Bà Nga kể, những năm 2017 về trước, nông dân bán sầu riêng giá chỉ 25.000 đồng/kg là đã mừng rồi. Từ năm 2018, 2019, giá biến động tăng cao, lên trên mức 50.000 đồng/kg. Nhiều người so sánh ngược lại thời điểm giá cao, nay thấy giá thấp thì kêu than.

Cuối tháng 5, giá sầu riêng bắt đầu tăng trở lại, lên 34.000 đồng/kg. Bà Nga kể, nhiều nông dân đến gặp HTX, mặt mày tươi như hoa. Nhiều vườn trái cây ở Đồng Nai có diện tích lớn. Khâu cắt hái do người mua tự lo nên chủ vườn không phải động tay chân. 

So với giá thành, giá bán ngoài 30.000 đồng/kg là quá mừng rồi, nhất là với những hộ mới trồng sầu riêng 2-3 năm trở lại đây, sau khi chặt bỏ các vườn điều, hồ tiêu vì thua lỗ.

Nhưng cũng không ít nhà vườn còn "đỏng đảnh" lắm. "Khi giá thấp thì tìm kiếm, nài nỉ người ta thu mua. Đến khi giá cao, HTX đến thu mua thì nhiều vườn không cho cắt, đợi ghim hàng thêm 1 tuần nữa, chờ giá cao hơn. Thật là mệt mỏi!" - bà Nga bày tỏ.

Nghiêm khắc với chính mình

Tháng 5, tháng 6 là cao điểm của trái cây vụ hè. Đợt sầu riêng giảm giá vừa qua được cho là do Trung Quốc siết chặt nhập khẩu, trái cây dồn ứ thị trường nội địa. Khó khăn đó dường như không ảnh hưởng nhiều đến vườn sầu riêng của ông Trần Anh Tùng (ở huyện Long Thành).

Với mô hình trồng sầu riêng VietGAP, ông Tùng vinh dự được bình chọn là nông dân xuất sắc Việt Nam năm 2016. Khi được hỏi về tình hình trái cây trong vườn, ông bảo: "Làm gì còn hàng mà ế!".

Theo ông Tùng, đúng là năm nay dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến trái cây. Thị trường tiêu thụ khó khăn, túi tiền của người dùng cũng thắt chặt nên mua bán chậm hơn. Riêng hàng VietGAP của ông vẫn bán nhanh. Ông Tùng bán sầu riêng già với giá 40.000 đồng/kg, sầu riêng chín thì 55.000 - 60.000 đồng/kg.

"Đương nhiên là nông dân muốn bán giá cao, lãi cao chứ có ai muốn giá thấp đâu. Nhưng bây giờ có nhiều người trồng sầu riêng, nên tôi bán được giá ngoài 30.000 đồng/kg là đã tốt rồi" - ông Tùng nói.

Thực tế, từ năm 2018, đã có không ít nông dân chặt bỏ cây tiêu, đổ xô trồng sầu riêng khiến diện tích cây trồng này tăng nhanh. Điều này đã báo hiệu những rủi ro về đầu ra của mặt hàng trái cây tươi. Đến tháng 3 năm nay, khi dịch Covid-19 khiến thị trường nông sản trầm lắng, Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai đã cảnh báo trái cây tươi trong tỉnh có khả năng dư thừa hàng nghìn tấn.

Còn nhớ, hồi tháng 5/2019, Trung Quốc siết chặt yêu cầu về truy xuất nguồn gốc nông sản từ Việt Nam khiến trái cây ùn ứ không đi được. Giá nhiều mặt hàng, trong đó có sầu riêng cũng rớt thảm. Lúc đó, bà Đặng Thị Thúy Nga tâm sự, mong muốn lớn nhất của người trồng là kết nối được với các nhà xuất khẩu trực tiếp để có những hợp đồng ổn định. Khi giao dịch chính ngạch ổn định thì việc sản xuất, kinh doanh sẽ thuận lợi hơn; tránh trường hợp tồn hàng, rớt giá.

Tới giữa tháng 5 này, Trung Quốc lại siết nhập khẩu, hàng không đi được. Chỉ trong vòng nửa tháng, giá sầu riêng rớt mạnh, lại có nhiều nông dân "bật ngửa". Theo những người làm thương mại như bà Nga, thay vì đỏng đảnh với thị trường, người trồng nên nghiêm khắc hơn với chất lượng trái cây của mình để dễ dàng tìm kiếm những kênh tiêu thụ ổn định.

Đầu ra chế biến cho trái sầu riêng vẫn là bài toán khó, nhưng nâng cao chất lượng cho trái cây để tìm kiếm thị trường mới là có thể làm được. "Thị trường mới gặp biến, nhiều người đã than vãn. Khi cơn bão hàng ngoại tràn vào theo các hiệp định thương mại tự do, nông dân làm sao đủ sức đề kháng để chống đỡ?" - bà Nga nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem