Vì sao cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Ninh Bình cần đầu tư gần 7.000 tỷ đồng?

Thế Anh Thứ tư, ngày 19/06/2024 13:12 PM (GMT+7)
TS. Nguyễn Hữu Đức phân tích, mỗi một dự án có các yếu tố đặc thù địa hình khác nhau. Với những dự án cao tốc có đến 80% là cầu vượt sông, cầu vượt đường sắt, cầu vượt các tuyến đường đồng mức, suất đầu tư sẽ cao hơn.
Bình luận 0

Dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng cần đầu tư xây dựng 12 chiếc cầu

UBND tỉnh Ninh Bình đang gấp rút triển khai các thủ tục để sớm đầu tư dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Ninh Bình.

Theo Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Ninh Bình do HĐND tỉnh Ninh Bình phê duyệt, dự án này có thuộc nhóm A, có tổng mức đầu tư 6.865 tỷ đồng.

Vì sao cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Ninh Bình cần đầu tư gần 7.000 tỷ đồng?- Ảnh 1.

Giá vật liệu xây dựng ảnh hưởng rất lớn tới các dự án cao tốc.

Trong đó, cơ cấu nguồn vốn đầu tư, có 4.865 tỷ đồng là ngân sách Trung ương; trong đó giai đoạn 2021 - 2025, bố trí 3.000 tỷ đồng từ nguồn vốn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022; Giai đoạn 2026 - 2030 bố trí 1.865 tỷ đồng từ nguồn vốn hợp pháp khác.

Cùng với đó, Dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Ninh Bình sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh là 2.000 tỷ đồng đã được HĐND tỉnh Ninh Bình thống nhất sử dụng ngân sách tỉnh bố trí cho dự án.

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, tại báo cáo tác động môi trường của Sở GTVT cho biết, dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Ninh Bình cần 6.865 tỷ đồng vì có nhiều hạng mục chính thi công phức tạp.

Dự án này được thiết kế theo tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, tốc độ thiết kế 120 km/h có bề rộng nền đường Buôn 24,75 m và các công trình phụ trợ trên tuyến.

Dự án cần đầu tư xây dựng 3 nút giao liên thông: Nút giao Khánh Dương tại lý trìnhKm5+450; nút giao Khánh Nhạc (Giao QL10) tại lý trình Km15+950; nút giao Khánh Cường (Giao đường Kim Sơn - Bãi Đinh) tại lý trình Km25+860.

Dự án có 12 cầu, trong đó có 9 cầu trên tuyến chính và 3 vượt ngang. Cùng đó, dự án phải đầu tư xây dựng khoảng 19,73 km đường gom. Trên tuyến bố trí 1 trạm dừng nghỉ, xây dựng các hầm chui dân sinh và hệ thống thoát nước ngang, hệ thống thoát nước dọc. Đồng thời, lắp đặt hệ thống an toàn giao thông trên toàn tuyến chính và tuyến nối...

Đây là dự án đầu tư xây dựng mới và sử dụng đất, đất có mặt nước quy mô lớn hơn 100ha, yêu cầu chuyển đổi trên 144ha đất chuyên trồng lúa. Dự án không ảnh hưởng đến khu bảo tồn thiên nhiên, đất rừng. Các loại đất được thu hồi nằm trong phạm vi quy hoạch phát triển của địa phương.

Vì sao cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Ninh Bình cần đầu tư gần 7.000 tỷ đồng?- Ảnh 2.

Cầu Thịnh Long, tỉnh Nam Định. Ảnh: TA

Suất đầu tư cao tốc phụ thuộc nhiều yếu tố

Trong khi đó, dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư có chiều dài khoảng 60,9km. Trong đó, trên địa bàn tỉnh Nam Định 27,6km, tỉnh Thái Bình 33,3km.

Về tổng mức đầu tư của dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình bao gồm cả lãi vay là 19.784 tỷ đồng (lãi vay trong thời gian xây dựng gần 857 tỷ đồng).

Về cơ cấu nguồn vốn: nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chịu trách nhiệm thu xếp hơn 10.447 tỷ đồng (52,8%); vốn nhà nước tham gia dự án 9.337 tỷ đồng (47,2%), trong đó vốn ngân sách trung ương 6.200 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh Thái Bình 1.462 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh Nam Định 1.675 tỷ đồng.

Trao đổi với PV Dân Việt, TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông, từng có nhiều năm làm chuyên gia tư vấn cao cấp về quy hoạch giao thông JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) cho biết: "Suất đầu tư của mỗi 1km đường cao tốc thuộc từng dự án phụ thuộc vào nhiều yếu tố cầu thành tổng mức đầu tư của toàn bộ dự án".

TS. Đức phân tích: "Mỗi một dự án có đặc thù địa hình, yếu tố về vật liệu, giải phóng mặt bằng khác nhau, nên rất khó so sánh với dự án khác. Thậm chí, có những dự án phải xây đến 80% là cầu vượt sông, cầu vượt đường sắt, cầu vượt các tuyến đường đồng mức, thì suất đầu tư sẽ cao hơn".

Cũng theo ông Đức, việc thiếu vật liệu, chi phí vận chuyển vật liệu cũng tác động tới suất đầu tư của dự án.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem