Vì sao Mexico vượt Trung Quốc trở thành nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu hàng vào Mỹ?
Vì sao Mexico vượt Trung Quốc trở thành nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu hàng vào Mỹ?
Thứ bảy, ngày 10/02/2024 09:30 AM (GMT+7)
Trong năm 2023, một diễn biến mới chưa từng có trong hơn 20 năm đã xảy ra trong thương mại toàn cầu, Mexico đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nước cung cấp hàng hóa nhập khẩu nhiều nhất vào Mỹ.
Mexico đứng đầu thế giới về cung cấp hàng hóa vào Mỹ
Sự thay đổi này là kết quả trực tiếp từ căng thẳng Mỹ - Trung Quốc cũng như những nỗ lực điều chỉnh lại chuỗi cung ứng từ phía các doanh nghiệp Mỹ cũng như doanh nghiệp toàn cầu, theo nội dung bài báo được Fortune đăng tải.
Số liệu công bố ngày thứ Tư tuần này (ngày 9/2) bởi Bộ Thương mại Mỹ cho thấy tổng giá trị hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Mexico trong năm 2023 tăng gần 5% so với năm 2022 lên trên 475 tỷ USD. Cùng lúc đó, giá trị hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc giảm đến 20% xuống 427 tỷ USD.
Lần gần nhất mà giá trị hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Mexico cao hơn giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc là vào năm 2002.
Những năm gần đây, quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đã xấu đi khá nhiều bởi Bắc Kinh và Washington đối đầu với nhau nhiều trong vấn đề thương mại cũng như một số lĩnh vực khác.
Từ năm 2018, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu áp thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với quan điểm rằng các hoạt động thương mại của Trung Quốc vi phạm các quy định thương mại toàn cầu. Khi lên làm Tổng thống, ông Joe Biden cũng giữ nguyên các biện pháp này, thực tế đó phản ánh rõ ràng quan điểm từ phía Mỹ với Trung Quốc.
Trong bối cảnh có nhiều diễn biến không thuận lợi trong quan hệ với Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hối thúc các doanh nghiệp tìm kiếm nhà cung ứng tại các nước đồng minh hoặc đưa sản xuất trở lại Mỹ. Ngoài ra, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 cũng khiến cho các doanh nghiệp Mỹ buộc phải tính đến tìm kiếm thêm nhà cung cấp gần với nước Mỹ.
Xu thế khó đảo chiều
Mexico đã trở thành một trong những bên hưởng lợi nhiều nhất từ sự dịch chuyển của doanh nghiệp toàn cầu khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế diễn ra lại không đơn giản như vậy. Một số doanh nghiệp Trung Quốc đã tận dụng cơ hội này để mở nhà máy tại Mexico nhằm hưởng lợi từ thỏa thuận thương mại ba bên bao gồm Mỹ, Mexico và Canada. Theo đó, hàng hóa sản xuất tại Mexico được miễn thuế trong khu vực Bắc Mỹ.
Theo New York Times, nghiên cứu của giáo sư Caroline Freund thuộc Trường Chính sách và Chiến lược Toàn cầu (SGPS) cho thấy, thương mại của Mỹ với Trung Quốc sụt giảm đối với những loại mặt hàng hiện đang có thuế suất cao, còn thương mại các loại hàng hóa đang có mức thuế suất thấp ví như máy sấy tóc hay lò vi sóng vẫn tiếp tục tăng trưởng.
Chuyên gia kinh tế trưởng tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ông Ralph Ossa khẳng định, thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không sụp đổ nhưng tăng trưởng thấp hơn đến 30% so với thương mại giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới.
Từng có 2 giai đoạn trong lịch sử khi mà thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chững lại đáng kể, theo phân tích của ông Ossa. Lần đầu tiên là khi căng thẳng thương mại giữa hai nước leo thang vào năm 2018. Lần thứ hai là khi căng thẳng Nga – Ukraine leo thang, chính vì vậy Mỹ và các nước đồng minh buộc phải áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay, vì vậy làm rắc rối thêm mối quan hệ thương mại toàn cầu.
Chuyên gia Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, ông Derek Scissors, nhấn mạnh nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc giảm mạnh với các loại sản phẩm như máy tính hay hàng hóa điện tử và chất hóa học, dược phẩm, những loại mặt hàng có độ nhạy cảm chính trị cao.
Nhận định về triển vọng trong tương lai, ông Scissors không khỏi băn khoăn: "Tôi không cho rằng Mỹ sẽ chấp nhận cho xuất khẩu các loại mặt hàng này từ Trung Quốc phục hồi trong năm 2024 và 2025. Chính vì vậy tình hình không dễ để thay đổi".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.