Vì sao ốc dạt vào bờ biển Quảng Bình dày đặc?

Chủ nhật, ngày 27/09/2020 07:38 AM (GMT+7)
Cơ quan chức năng cho biết chất lượng nước vùng biển Quảng Bình ở ngưỡng an toàn. Việc ốc xoắn dạt vào bờ biển có thể do ảnh hưởng của bão số 5.
Bình luận 0

Tối 26/9, ông Phạm Văn Lương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình, cho biết chất lượng nước biển tại xã Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn), xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch) và xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới) - nơi có hàng tấn ốc dạt vào bờ sau bão số 5 - đều ở ngưỡng an toàn.

Vì sao ốc dạt vào bờ biển Quảng Bình dày đặc? - Ảnh 1.

Ốc biển dạt dày đặc vào bờ biển nhiều xã ở Quảng Bình. Ảnh: Thanh Hà.

“Nguyên nhân khiến ốc xoắn dạt vào bờ hàng loạt không phải do chất lượng nước biển mà có thể do tác động của bão số 5 khiến chấn động tầng đáy, từ đó các loại ốc nổi lên, theo sóng dạt vào bờ”, ông Lương nói với Zing.

Theo ông Lương, hiện tượng ốc xoắn dạt vào bờ biển sau bão từng xảy ra ở biển Quảng Bình vài năm trước.

Còn ông Nguyễn Viết Hùng, Trưởng phòng Quản lý khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, nói rằng hiện tượng ốc, ngao, sò mai hay các loại nhuyễn thể dạt vào bờ sau bão là hiện tượng bình thường, từng xảy ra tại địa phương.

“Nhuyễn thể, ngao, sò ở tầng trên đáy biển nên khi có bão, gió mùa loài này trôi dạt nhiều vào bờ. Còn ốc xoắn nằm sâu dưới cát 5-7 cm nên việc loài này dạt vào bờ phải xác định kỹ nguyên nhân”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, việc ốc biển hoặc các loài nhuyễn thể dạt vào bờ biển ngoài yếu tố thiên nhiên, cần đánh giá đến các trường hợp do tàu giã cào, kích điện của hoạt động đánh bắt.

Vì sao ốc dạt vào bờ biển Quảng Bình dày đặc? - Ảnh 2.

Bờ biển xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) xuất hiện dày đặc sò mai sau bão số 5. Ảnh: T.T.

Trước đó, ngày 19-21/9, hàng tấn ốc xoắn dạt vào bờ biển huyện Quảng Trạch, Bố Trạch và thị xã Ba Đồn sau bão số 5.

Người dân địa phương có ốc dạt vào bờ biển đã thu gom loài hải sản này về ăn hoặc bán cho thương lái với giá 20.000 đồng/kg.

Ngành chức năng tỉnh Quảng Bình lấy mẫu ốc và nước biển tại các khu vực có ốc dạt vào để làm rõ nguyên nhân. Người dân cũng được khuyến cáo hạn chế tiêu thụ và chế biến loài hải sản này khi chưa có kết quả xét nghiệm cụ thể.

Văn Được - Phạm Trường (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem