Viện mồ côi bóc lột trẻ em để lấy tiền từ thiện

Thứ ba, ngày 23/04/2013 07:06 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hàng chục viện mồ côi ở Campuchia bị tố cáo là lợi dụng trẻ em để thu hút nguồn tiền từ thiện. Nói cách khác, đó là những công ty lập “viện” và dùng trẻ em “làm vốn”.
Bình luận 0

Đó là thông tin của báo The Age (Úc), nêu chính phủ Campuchia đang nỗ lực kéo giảm kỹ nghệ viện mồ côi đang bùng nổ và thu về hàng triệu đô-la Úc, sau khi các nhà điều tra phát hiện tình trạng ngược đãi trẻ em kinh hoàng và lập được danh sách các “viện” cần khám xét và buộc đóng cửa.

img
Trẻ mồ côi ở viện của bà Golder

“Diễn” vai trẻ mồ côi

Các nhà điều tra nói nhiều người Úc trực tiếp điều hành các viện này. Khoảng 72% số 10.000 trẻ sống trong khoảng 600 viện đều có cha (hoặc mẹ) nhưng các em bị bắt diễn vai “trẻ mồ côi” để lấy tiền giúp đỡ của các du khách nước ngoài và những nhà hoạt động thiện nguyện gồm hàng ngàn người Úc.

Khoảng 300 viện này hoạt động phi pháp, phớt lờ sự thúc ép của chính phủ và của các cơ quan Liên Hiệp Quốc để trẻ được đoàn tụ với cha mẹ chúng. Nhiều lãnh đạo các viện hoạt động minh bạch (do người Úc điều hành) đã được báo động tình hình. Họ cho biết số viện đã tăng 65% trong 5 năm qua, trong khi số trẻ mồ côi đã giảm nhiều từ khi Campuchia kết thúc chiến tranh diệt chủng và đã ngăn chặn được đáng kể dịch AIDS.

Bà Jenny McAuley, chủ tịch Quỹ hy vọng cho trẻ em Campuchia (mở một viện chăm trẻ mồ côi nhiễm AIDS ở tỉnh Battambang) hoan nghênh nỗ lực của chính phủ khi muốn đưa trẻ về với cha mẹ chúng. Bà nói: “Sẽ là sự ngạo mạn nếu một người từ nước phát triển đến một quốc gia đang phát triển, lập một dịch vụ mà không báo cáo hoạt động với chính quyền địa phương. Tôi nghĩ chính phủ Campuchia đã hành động đúng, vì việc lập viện mồ côi để lấy tiền từ thiện cũng là một hình thức đô hộ”.

Nữ tu sĩ Mỹ Cathleen Jones đến Campuchia từ 20 năm trước để điều hành viện mồ côi Trẻ em trong gia đình vốn nuôi 120 em, nhưng bà sớm nhận ra các trẻ đều có cha mẹ và gia đình và các em muốn được sống với họ, nhưng các em đã bị bán: các công ty lập “viện” cử người tìm đến các gia đình nông thôn nghèo, dụ dỗ “viện” sẽ cho các em ăn học, quần áo mặc và cơ hội có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Có nhiều trường hợp là sự mua-bán đứa trẻ, nhưng trên danh nghĩa thì số tiền trao tay được gọi là “giúp tặng gia đình”. Bà nói nhiều viện không chịu thả lũ trẻ dù các em vẫn còn gia đình: “Họ giữ các em suốt nhiều năm” và viện của bà đang tìm những gia đình chịu nuôi các em nào không thể đoàn tụ với cha mẹ.

Giám đốc SISHA (một tổ chức của Úc chống buôn người và bóc lột sức lao động, hiện hợp tác với nhiều cơ quan chức năng của Campuchia) - Eric Meldrum, từng là một thám tử Anh - nói tại “viện” nọ, các trẻ bị bắt phải nằm sấp để ăn roi” vì không thể đọc thuộc lòng các câu trong sách Thánh kinh.

img
Bà Golder (giữa) khi viện của bà bị khám xét

Các viện khác thì rao bán trẻ em cho dân bản xứ nhận làm con nuôi để “né” luật cấm cho người nước ngoài nhận làm con nuôi của Campuchia. Meldrum nói: “Họ bảo tôi đến đó, tha hồ chọn đứa trẻ nào tôi muốn”. Ông còn nói các “viện” này chọn cách kiếm tiền là nếu có nhiều trẻ hơn thì sẽ có được “mạnh thường quân” quốc tế cho nhiều tiền hơn.

Một trong những viện đầu tiên bị đóng cửa là Tình yêu trong hành động (Love In Action) - một viện mồ côi ở thủ đô Phnom Penh vốn bị nghi đánh đập và bỏ mặc trẻ em. Lãnh đạo viện là bà Ruth Golder, một cựu y tá 71 tuổi người Úc đang bị điều tra, sau khi cuộc khám xét ngày 22.3 đã giải thoát 21 đứa trẻ - gồm nhiều trẻ sơ sinh - khỏi viện này, nhưng vẫn còn 7 em mất tích nên viện này còn bị nghi hoạt động buôn người” và hoạt động “chui”. Cuộc điều tra được mở sau khi hai nhóm trẻ trốn khỏi viện và báo cảnh sát rằng các em bị bỏ mặc và bị đánh đập.

Cuộc khám xét phát hiện nhiều em bệnh nặng vẫn không được đưa đến bác sĩ, cơ sở dơ bẩn, ống cống bị chặn và khu vực ở quá đông người. Khi được SISHA phỏng vấn, các trẻ nói thường bị người của viện hành hạ. Nhưng Golder kịch liệt phủ nhận rằng không hề có sự ngược đãi các trẻ và bà sẽ đòi để lũ trẻ được trở lại với bà. Bà nói viện hoạt động từ nhiều năm qua với kinh phí là những khoản tiền từ thiện của những người Úc. Theo SISHA, bà đã khai nhận với cảnh sát rằng viện không đăng ký hoạt động và bà không có tư cách pháp nhân để chăm sóc các trẻ.

Du lịch thiện nguyện bị lừa

Hiện đang có những chỉ trích ở Campuchia và các nước đang phát triển khác, về cái gọi là “du lịch mồ côi” và “du lịch thiện nguyện”: các công ty lập viện mồ côi trá hình để lợi dụng tình thương của khách du lịch và những người hoạt động thiện nguyện. Những người này thường muốn có những trải nghiệm thực tế để chia sẻ với trẻ bất hạnh, nhưng họ dễ bị “dụ” vào các chuyến thăm 2 tuần tốn hàng ngàn đô-la úc (có người đi hàng tháng).

Du khách nếu không kiểm tra thông tin trước, có thể sa vào hàng chục “viện” và được tiếp xúc riêng với các trẻ mà những nhà hoạt động xã hội gọi là “thế hệ bị chiếm đoạt” ở Campuchia. Những người cho tiền cũng được phép “đưa các em ra ngoài chơi” - đôi khi là đi chơi qua đêm - khiến các em dễ bị lạm dụng tình dục. Các nhà điều tra kể hồi năm ngoái tại viện Chiếc dù của trẻ em (ở ngoại ô Phnom Penh), các trẻ đứng xếp hàng để khách sau khi cho tiền được tự do chọn 4 em “đưa đi chơi”. Viện này có một ống cống lớn dưới ngôi nhà và đã được khóa kín để tránh nguy cơ trẻ bỏ trốn!

Trong khi đó, trên những con đường ở Siem Reap (tây bắc Campuchia) luôn có trẻ chơi các loại nhạc cụ dân gian, được những người đàn ông đeo bảng “Xin giúp viện mồ côi của chúng tôi” dẫn đi. Bất kỳ du khách nào cho tiền sẽ được mời đến các viện gần đó. Sebastien Marot, lãnh đạo tổ chức phi chính phủ Friends - International (đang thực hiện một chiến dịch cảnh báo du khách và người hoạt động thiện nguyện rằng trẻ em không phải “đồ chơi” của kỹ nghệ du lịch) nói: “Chúng tôi tin đó là sự nguy hiểm, vì các em không phải là trẻ mồ côi và lẽ ra các em không bị sống ở đó”.

Ông nói Campuchia đang bị bọn lợi dụng trẻ em khai thác yếu tố “Campuchia chưa phục hồi hoàn toàn sau cuộc chiến diệt chủng” nên trẻ em đều bị thiệt thòi, bất hạnh. Người điều hành các “viện” thường buộc trẻ mặc quần áo rách để đánh động tình thương người của du khách, để họ cho tiền: “Đó là một cách làm ăn béo bở. Bọn trẻ là vốn liếng của chúng”.

Nhưng Geraldine Cox - đang điều hành hai làng trẻ em Ánh dương ở Campuchia - nói tổ chức của Marot đã không xét các viện hoạt động đàng hoàng và sống dựa vào các chuyến thăm giúp đỡ của du khách. Theo bà, du khách không nên đến các viện không viết phiếu nhận tiền và không cho xem báo cáo tài chính hằng năm hoặc không yêu cầu khách chụp ảnh nhận dạng.

Theo Thế giới & Hội nhập

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem