Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 8%

Thứ ba, ngày 23/03/2010 08:55 AM (GMT+7)
NTNN - Ông John Lipsky - Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Quỹ tiền tệ quốc tế nhận định như vậy tại hội thảo “Tăng trưởng và giảm nghèo sau khủng hoảng tại các nước phát triển châu Á”, ngày 22-3 tại Hà Nội.
Bình luận 0

img
IMF khuyến cáo Chính phủ Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh để thu hút  đầu tư nước ngoài.

Sau hội thảo, ông John Lipsky, trao đổi với báo chí.

 

Ông đánh giá thế nào về khả năng thoát khỏi khủng hoảng kinh tế của Việt Nam?

- Khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam hiện nay là khu vực phát triển năng động nhất thế giới. Khu vực này đã dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu thoát dần ra khỏi khủng hoảng. Những nước như Việt Nam, bằng các chính sách đúng đắn đã vượt qua khủng hoảng một cách xuất sắc.

Thực tế, so với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tới Việt Nam ít hơn. Các dự báo gần đây về tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2010 từ các tổ chức quốc tế vẫn là số dương (như Ngân hàng Thế giới dự báo là 5,5%).

Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Việt Nam sẽ nhanh chóng thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Với tốc độ này,  nếu có thêm những chính sách tốt, Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa và có  vị trí cao trên thế giới.

Ông có cho rằng, Việt Nam vẫn đứng trước những thách thức lớn trong quá trình tăng trưởng?

- Đúng như vậy, Việt Nam cũng như nhiều nước ở châu Á vẫn còn sự chênh lệch về thu nhập. Nghèo đói vẫn là một khó khăn đối với các hoạt động tăng trưởng kinh tế.

Thách thức của Việt Nam cũng như nhiều nước trong khu vực là phải bảo đảm rằng người dân được hưởng lợi từ hoạt động kinh tế mạnh mẽ của đất nước.

Vậy Việt Nam cần có những chính sách như thế nào để đảm bảo tăng trưởng vững chắc và kiểm soát lạm phát?

- Đối với các nước như Việt Nam, biện pháp quan trọng là  tránh việc thắt chặt tài khoá nhanh và quá sớm, tập trung vào tăng thu thay vì giảm chi; tránh phụ thuộc quá nhiều vào các dòng vốn tăng nợ, phát triển tiết kiệm nội địa và các khu vực tài chính

Về chiến lược trung và dài hạn, Việt Nam cần có một hệ thống theo dõi thường xuyên những diễn biến của cuộc khủng hoảng kinh tế để tạo thuận lợi cho việc lập kế hoạch trung và dài hạn; sử dụng gói kích cầu hiệu quả nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực tới cuộc sống của người lao động.

Theo tôi, Việt Nam cần chú trọng hơn nữa đến việc nâng cao mức sống và đạt được sự chuyển đổi từ nước có thu nhập thấp sang nước có thu nhập trung bình. Để có thể đạt được mục tiêu này thì cơ sở hạ tầng công cộng, đặc biệt là năng lượng, vận tải và vệ sinh phòng bệnh cần được cải thiện và tăng cường. Chính phủ cũng cần đầu tư hơn nữa cho lĩnh vực giáo dục, y tế và mạng lưới an sinh xã hội, ủng hộ doanh nghiệp tư nhân và thu hút trực tiếp vốn đầu tư nước ngoài.

Thưa ông, IMF có những biện pháp gì để hỗ trợ Việt Nam cũng như những nước có thu nhập thấp?

- Mục tiêu của IMF là hỗ trợ ngắn hạn để ổn định kinh tế vĩ mô và cán cân thanh toán. Vừa qua, IMF đã tăng mạnh các khoản tài chính ưu đãi.

Năm 2009 IMF hỗ trợ ưu đãi đạt 3,8 tỷ USD. Khả năng cho vay ưu đãi có thể tăng gấp đôi vào những năm tới, phấn đấu đến năm 2014-2015 có khả năng cho vay ưu đãi 17 tỷ USD.

Hiện nay, IMF đang có các thiết kế mới để hỗ trợ cho các nước đang phát triển như Việt Nam, chẳng hạn như: Tăng gấp đôi việc tiếp cận các nguồn tài trợ; áp dụng lãi suất bằng 0% đến cuối năm 2011.

Chúng tôi hy vọng, các chính sách cải cách cơ cấu kinh tế của Việt Nam sẽ khuyến khích cao hơn các nguồn vốn ODA và các luồng vốn tư nhân để hỗ trợ phát triển hạ tầng cho nền kinh tế, nâng cao mức sống người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem