Vụ ngộ độc pate Minh Chay: Hà Nội vẫn chưa báo cáo kết quả dù đã quá hẹn với Nafiqad

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 07/09/2020 14:50 PM (GMT+7)
Liên quan đến vụ việc pate Minh Chay có vi khuẩn chứa độc tố botulinum nguy hiểm chết người, ngày 1/9/2020, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) đã có Văn bản yêu cầu Sở NNPTNT TP.Hà Nội vào cuộc kiểm tra, báo cáo kết quả về Cục trước ngày 3/9. Tuy nhiên, đến nay, ngày 7/9, Nafiqad chưa nhận được báo cáo kết quả.
Bình luận 0

Trao đổi với Dân Việt sáng 7/9, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết, đến nay, ngày 7/9, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản mới nhận được báo cáo hành chính của Sở NNPTNT Hà Nội về những việc họ đã triển khai liên quan đến vụ ngộ độc pate Minh Chay, Cục chưa nhận được báo cáo kết quả theo như yêu cầu tại Văn bản số 1203/QLCL-CL2 ngày 1/9.

Vụ ngộ độc pate Minh Chay: Hà Nội vẫn chưa báo cáo kết quả dù đã quá hẹn với Nafiqad - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản nhận định, ngộ độc pate Minh Chay là vụ việc nghiêm trọng, phức tạp.

Theo ông Tiệp, vụ ngộ độc pate Minh Chay là vụ việc rất nghiêm trọng, liên quan đến nhiều địa phương nên có thể Hà Nội phải tổng hợp báo cáo từ các địa phương khác.

"Phải khẳng định đây là vụ việc nghiêm trọng, nhưng nó đã xảy ra rồi, vì vậy, chúng ta cần tập trung khắc phục hậu quả, hạn chế đến mức thấp nhất việc ảnh hưởng đến sức khỏe người dân" - ông Tiệp nói.

 Cũng theo ông Tiệp, ngay khi sự việc xảy ra, Bộ Y tế phối hợp với Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương kiểm tra, thu hồi tất cả sản phẩm pate Minh Chay đã được phân phối đến tay người dân để tiêu hủy.

Theo sở Y tế Hà Nội, có 24 người sau khi ăn pate Minh Chay khoảng 1- 3 ngày có triệu chứng đau bụng, chóng mặt... Ngoài ra, có gần 500 khách hàng chưa thể liên hệ được.

Sở NNPTNT TP. Hà Nội đã yêu cầu doanh nghiệp xem xét lại toàn bộ quá trình sản xuất, điều tra nguyên nhân vì sao sản phẩm nhiễm khuẩn Clostridium botulinum typ B., trong trường hợp cần thiết, doanh nghiệp có thể đề nghị ngành chức năng cử chuyên gia xuống phối hợp xử lý. 

"Sự cố không mong muốn đã xảy ra rồi thì phải tập trung lực lượng khắc phục vì sức khỏe nhân dân và quan trọng là đừng để nó xảy ra nữa. Phải xác định nhiễm khuẩn từ đâu, từ nguyên liệu con người, môi trường hay do quá trình bảo quản. Doanh nghiệp phải là đơn vị đầu tiên chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố, chịu trách nhiệm xử lý sự cố, thậm chí phải bồi thường cho người dân" - ông Tiệp nhấn mạnh.

Ông Tiệp cũng nhận định, đây là vụ việc tương đối phức tạp, có thể từ nguyên liệu, có thể do quá trình chế biến, có thể do bảo quản không đúng nên cần sớm rà soát lại, xem doanh nghiệp đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện an toàn thực phẩm hay không.

Vụ ngộ độc pate Minh Chay: Hà Nội vẫn chưa báo cáo kết quả dù đã quá hẹn với Nafiqad - Ảnh 3.

Sản phẩm pate Minh Chay có độc tố botulinum. Ảnh: I.T

"Hiện, công an đã vào cuộc điều tra, tôi nghĩ sẽ sớm tìm ra nguyên nhân chính xác, nếu doanh nghiệp sơ suất trong một khâu nào đó của quá trình sản xuất pate thì có thể bị xử phạt, còn nếu cố tình vi phạm có khi phải xử lý hình sự" - ông Tiệp nói.

Về mức xử phạt hành chính 17,5 triệu đồng có được xem là nhẹ với cơ sở sản xuất pate Minh Chay, ông Tiệp cho rằng, xử phạt hành chính chỉ là 1 trong các hình thức xử lý. Hiện, doanh nghiệp đã bị đình chỉ sản xuất, đình chỉ hiệu lực công bố sản phẩm; doanh nghiệp cũng được yêu cầu khắc phục sự cố, còn có truy tố hay không thì phải đợi cơ quan công an. 

Về vấn đề rà soát lại việc cấp giấy phép đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đối với những cơ sở sản xuất như pate Minh Chay, theo ông Tiệp, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản TP.Hà Nội đã làm theo đúng quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, sau khi thẩm định đủ điều kiện đã cấp chứng nhận cho Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới từ tháng 1/2020.

"Điều kiện ở thời điểm kiểm tra của doanh nghiệp đạt thì ngành chức năng cấp phép là bình thường, dù cơ sở này vẫn còn một số lỗi nhỏ, xếp loại các cơ sở đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đạt loại B nhưng vẫn đủ điều kiện cấp phép" - ông Tiệp cho biết.

Tuy nhiên, cũng theo ông Tiệp, sản xuất thực phẩm nay đạt, mai không đạt là bình thường, bởi nguyên liệu vẫn phải nhập hàng ngày, con người làm hàng ngày, trách nhiệm của doanh nghiệp là phải kiểm soát hàng ngày hàng giờ để không có những sai sót, cơ quan quản lý không thể lúc nào cũng xuống kiểm tra hàng ngày hàng giờ mà chỉ định kỳ kiểm tra theo đúng tinh thần cải cách hành chính, khi có sự cố thì phối hợp xử lý, khắc phục.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem