Vườn mai vàng 700 cây của một nông dân Đắk Lắk có tới 95% số cây nở hoa đúng dịp Tết, đâu là bí quyết?

Thứ ba, ngày 17/01/2023 08:15 AM (GMT+7)
Trong khi nhiều người trồng mai vàng lo lắng sợ mai không nở đúng dịp Tết do thời tiết thất thường thì vườn mai vàng Phong Ấn hơn 700 chậu của gia đình anh Hồ Xuân Ấn (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) có đến hơn 95% chậu mai vàng đồng loạt bung nụ, dự kiến sẽ nở vào đúng những ngày Tết Quý Mão.
Bình luận 0

Anh Ấn đã có 15 năm làm thêm nghề trồng, chăm sóc mai bán vào dịp Tết. Ngoài ra, anh còn nhận chăm sóc, tạo hình mai cho hàng trăm khách hàng. Vì vậy, anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về chăm sóc và điều khiển mai nở hoa đúng dịp.

Anh Ấn chia sẻ, việc lặt lá mai quyết định đến thời gian nở hoa của cây mai, nên để được một vườn mai nở đúng dịp như mong muốn thì phụ thuộc rất nhiều vào việc lặt lá đúng lúc, ngoài ra còn phụ thuộc vào một quá trình chăm sóc tác động liên quan đến sinh trưởng của cây mai trong thời gian trước đó. 

Anh Ấn dựa vào xuất xứ ra đời (vùng miền nào) của cây mai, cùng với đặc điểm sinh trưởng từng giống mai để quyết định thời gian lặt lá của từng cây cho hợp lý. 

Thường lệ các năm, anh tiến hành lặt lá từ ngày 25/11 âm lịch đến mồng 5 tháng Chạp là dứt điểm. Năm nay, do thời tiết cực đoan, anh bám sát dự báo của đài khí tượng, tiến hành chăm sóc và lặt lá mai sớm hơn vài ngày so với thường lệ. 

Phương cách lặt lá cho cây mai cũng hết sức thận trọng, lặt từng lá theo kinh nghiệm để không làm tổn thương các nụ mai, tổn thương cành mai.

Vườn mai vàng 700 cây của một nông dân Đắk Lắk có tới 95% số cây nở hoa đúng dịp Tết, đâu là bí quyết? - Ảnh 2.

Anh Ấn chăm sóc các chậu mai vàng do khách hàng gửi tại vườn mai tết của gia đình ở phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Sau khi chưng mai Tết xong, bắt đầu từ mồng 8 đến rằm tháng Giêng, anh Ấn lại bắt tay vào xử lý từng chậu hoa một cách tỉ mỉ.

Tùy vào tuổi cây mai, giống mai, xuất xứ của cây mai, độ khỏe của mai để có biện pháp tác động khác nhau cho từng cây. Đầu tiên là thay đất cho chậu mai bằng đất mới đã xử lý với tỷ lệ nhất định các thành phần cần thiết (đất, tro, trấu, phân vi sinh và các loại men).

Nếu cây quá yếu, phải xử lý rễ và thay thế 100% đất mới cho cây. Tiếp theo là biện pháp “cắt đôn tạo dáng”, dựa vào giống mai, xuất xứ ra đời của cây mà tạo hình khác nhau cho phù hợp, đẹp mắt khi bung hoa. Mỗi tháng bổ sung dinh dưỡng một lần, thông qua một loại phân bón hữu cơ với liều lượng thành phần dinh dưỡng phù hợp. Phải thường xuyên quản lý sâu bệnh hằng ngày để tác động kịp thời.

Trường hợp khách hàng gửi các loại mai mới mua chưng Tết lần đầu từ các vùng miền khác, thì phải nhận diện xuất xứ của mai để tìm cách “thuần hóa” cây thích nghi dần với điều kiện tự nhiên vùng Tây Nguyên.

Cẩm Lai (Báo Đắk Lắk)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem