3 bước để xây dựng nhà ở trên đất trồng lúa hợp pháp

An Vũ Thứ bảy, ngày 30/01/2021 19:30 PM (GMT+7)
Pháp luật về đất đai không cho phép xây nhà trên đất nông nghiệp, đặc biệt là xây dựng nhà ở trên đất trồng lúa. Vậy muốn xây dựng nhà ở trên đất trồng lúa, cần phải làm gì?
Bình luận 0

Có được xây dựng nhà ở trên đất trồng lúa?

Theo quy định tại Điều 6 Luật đất đai 2013 thì người sử dụng đất phải sử dụng đất đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất. Và một trong những hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 12 Luật này thì:

Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích.

Theo quy định trên thì bạn không thể xây dựng nhà ở trên đất trồng lúa được. Trường hợp bạn muốn xây dựng nhà ở trên mảnh đất này thì phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.

Xây dựng nhà ở trên đất trồng lúa, làm sao để hợp pháp? - Ảnh 1.

Muốn muốn xây dựng nhà ở trên đất trồng lúa người sử dụng phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.

Xây dựng nhà ở trên đất trồng lúa bị xử phạt thế nào?

Đất trồng lúa thuộc nhóm đất nông nghiệp. Căn cứ Khoản 1 Điểm d Khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013 thì trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trường hợp người sử dụng đất tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép là vi phạm pháp luật nên sẽ bị xử phạt theo quy định.

Theo khoản 3, 4 Điều 9 Nghị định 91/2019 quy định: Chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp (trong đó có đất ở) tại khu vực nông thôn và đô thị mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì phạt tiền theo diện tích tự ý chuyển.

Phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,01 ha.

Phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,01 ha đến dưới 0,02 ha.

Phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02 ha đến dưới 0,05 ha…

Mức xử phạt ở khu vực đô thị bằng hai lần mức phạt với khu vực nông thôn nhưng tối đa không quá 500 triệu đồng.

Mức phạt trên được áp dụng đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân nhưng cao nhất không quá 1 tỉ đồng.

Ngoài ra, người sử dụng đất còn buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm (trừ trường hợp buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 22 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP); buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: Trên đây là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm. Đồng nghĩa, tổ chức tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất ở mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép có thể bị phạt tiền đến 01 tỷ đồng.

Hồ sơ, thủ tục chuyển đất trồng lúa sang đất ở

Như vậy, muốn muốn xây dựng nhà ở trên đất trồng lúa người sử dụng phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.

Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; hồ sơ gồm:

- Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này;

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Các bước thực hiện:

Bước 1. Nộp hồ sơ

- Nộp hồ sơ tại Phòng Tài nguyên và Môi trường;

- Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian không quá 03 ngày làm việc phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

Bước 2. Xử lý, giải quyết yêu cầu:

- Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất.

- Phòng Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

- Phòng Tài nguyên và Môi trường trình UBND cấp huyện quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

- Phòng Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.

- Người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Bước 3. Trả kết quả:

Phòng Tài nguyên và Môi trường trao quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sau khi cá nhân thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Thời gian thực hiện:

+ Không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ (không kể thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất).

+ Không quá 25 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem