Xảy ra xâm hại trẻ em: Xử nghiêm người đứng đầu

Quỳnh Nguyễn Thứ hai, ngày 19/10/2020 14:05 PM (GMT+7)
TAND Tối cao yêu cầu xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương để xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn quản lý mà không có các biện pháp chỉ đạo, xử lý hiệu quả hoặc để xảy ra nhiều vi phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em.
Bình luận 0

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình vừa ký văn bản báo cáo Quốc hội, Chủ tịch nước về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII, trong đó có việc xét xử tội phạm xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em.

Theo TAND Tối cao, thời gian qua nhiều vụ xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em diễn ra phức tạp, có xu hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận. Bên cạnh đó, việc triển khai các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các đạo luật có liên quan trong thực tiễn cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc.

Qua số liệu thống kê các vụ xâm hại tình dục trẻ em cho thấy: Từ năm 2015 đến hết tháng 6/2020, trên toàn quốc xảy ra 7.798 vụ; 7.975 đối tượng; 7.869 bị hại. Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em chiếm khoảng 80% tổng số vụ xâm hại trẻ em, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 1.400 vụ xâm hại tình dục trẻ em, với khoảng 1.430 nạn nhân bị xâm hại.

Cụ thể, trong nhiều trường hợp, việc điều tra, truy tố cũng như xét xử đối với các hành vi xâm hại tình dục rất khó khăn; thời gian giải quyết bị kéo dài và có rất nhiều trường hợp không đủ căn cứ để chứng minh tội phạm. Có nhiều trường hợp nạn nhân bị xâm hại tình dục nhưng gia đình không biết cách thu giữ vật chứng cần thiết để giao nộp cơ quan chức năng; lưỡng lự trong cách giải quyết dẫn đến tố cáo, khai báo muộn...

TAND Tối cao cũng thẳng thắn nhận định, trong một số trường hợp, các cơ quan tiến hành tố tụng còn chưa làm hết trách nhiệm, thiếu sự phối hợp trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội. Công tác phối hợp giữa các cơ quan hữu quan như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, nhà trường và gia đình với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc chăm sóc, bảo vệ, tư vấn tâm lý, tư vấn pháp luật cho nạn nhân và gia đình nạn nhân nhiều trường hợp chưa thật sự hiệu quả, gây khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án.

Xảy ra xâm hại trẻ em: Xử nghiêm người đứng đầu - Ảnh 2.

Số vụ xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng. (Ảnh minh hoạ)

Để nâng cao hiệu quả giải quyết, xét xử tội phạm liên quan đến xâm hại trẻ em, Chánh án TAND Tối cao yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. 

Đề cao trách nhiệm và xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương để xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn quản lý và không có các biện pháp chỉ đạo, xử lý hiệu quả hoặc để xảy ra nhiều vi phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em. Tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên đề về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến tội phạm xâm hại trẻ em; nghiên cứu xây dựng quy định về điều tra, truy tố thân thiện trong các vụ án xâm hại trẻ em. Tăng cường việc bảo vệ an toàn cho trẻ em là nạn nhân bị xâm hại; kịp thời đưa nạn nhân đi giám định hoặc phối hợp với cơ sở dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở khám chữa bệnh tiến hành các biện pháp thu thập chứng cứ, dấu vết phục vụ việc giám định;...

.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem