Xét xử vụ cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường: Còn kẻ bán thuốc giả vẫn trốn nã
Xét xử vụ cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường: Còn kẻ bán thuốc giả vẫn trốn nã
Bách Thuận - Gia Bình
Thứ sáu, ngày 13/05/2022 06:15 AM (GMT+7)
Trong vụ việc thuốc chữa bệnh giả được lưu hành, một số Thứ trưởng, Cục trưởng của Bộ Y tế cùng hàng chục người khác bị xử lý. Tuy nhiên, Nguyễn Lê Xuân Khang, quốc tịch Canada, kẻ bán thuốc giả vào Việt Nam hiện chưa bị bắt.
Thông tin được công bố trong cáo trạng truy tố cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và 13 đồng phạm trong vụ án buôn bán thuốc chữa bệnh giả tại Công ty VN Pharma. Phiên tòa xét xử vụ án bắt đầu hôm qua (12/5) và dự kiến kéo dài trong 6 ngày.
Trong vụ, Nguyễn Lê Xuân Khang, người Việt định cư tại Canada bị cơ quan tố tụng xác định bán 6 loại thuốc mang nhãn Health 2000 thông qua 36 hợp đồng, tổng số lượng hơn 1,5 triệu hộp trị giá hơn 94 tỷ đồng.
Khang hiện đang trốn truy nã nên cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ, khi nào bắt được xử lý sau.
Theo cáo trạng, Khang tự giới thiệu là đại diện Công ty Health 2000 Canada tại Việt Nam để nhờ các công ty trong nước là Codupha và Vimedimex đứng tên đăng ký, nộp hồ sơ lên Cục Quản lý dược cấp giấy phép lưu hành 7 loại thuốc.
Năm 2010, Khang nhờ cháu họ là bị cáo Võ Mạnh Cường, Giám đốc Công ty Hàng hải quốc tế H&C, làm đại diện cho anh ta để "phát triển thị trường"; hứa sẽ chi phần trăm lợi nhuận.
Khang và Cường sau đó bán được 6 trong 7 loại thuốc với tổng số lượng hơn 2,4 triệu hộp trị giá hơn 148 tỷ đồng.
Kết quả tương trợ tư pháp từ Canada thể hiện, Công ty Health 2000 không có nhà máy sản xuất thuốc tại Canada và không sản xuất bất kỳ loại dược phẩm nào. Doanh nghiệp này cũng không có văn phòng đại diện tại Việt Nam. Nhà chức trách tại Canada "không cấp giấy phép sản xuất thuốc nào" cho nhà máy của Health 2000.
Dù bán được thuốc "không nguồn gốc xuất xứ", Khang sau đó bị Cường cho rằng có "vi phạm hợp đồng". Do vậy, năm 2012, Cường và Nguyễn Minh Hùng, nguyên Chủ tịch Công ty VN Pharma, gặp một đối tượng người Philipines tên Raymundo để nhập các thuốc chữa bệnh giả nhưng vỏ ngoài vẫn mang nhãn Health 2000.
Tổng cộng, có hơn 830.000 hộp thuốc giả được nhóm này nhập khẩu, nâng giá từ 28 tỷ đồng lên 54 tỷ đồng rồi bán cho các nhà thuốc, bệnh viện, doanh nghiệp khác. Qua đây, các bị cáo thu lời bất chính hơn 31 tỷ đồng.
Thời điểm cấp phép thuốc Health 2000, cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường giữ chức Cục trưởng Cục Quản lý dược. Ông Cường bị xác định thực hiện không đúng trách nhiệm được giao dẫn tới cấp phép và để thuốc giả mang nhãn Health 2000 được nhập khẩu, tiêu thụ với trị giá 148 tỷ đồng. Sau đó, có thông tin thuốc trên là giả nhưng ông Cường không "chỉ đạo đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy" dẫn tới các cơ sở y tế trong nước vẫn tiếp tục sử dụng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.